ClockThứ Sáu, 13/03/2020 09:44

Triển khai ứng dụng hỗ trợ thông tin phòng chống dịch

TTH - Cùng với ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI của Bộ Y tế, ngày 15/3 Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh đưa ứng dụng (App) Hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19 tích hợp trên Đô thị thông minh Huế (Hue-S) vào sử dụng.

Hướng dẫn cách triển khai Ứng dụng hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19Khu cách ly COVID-19 - Nơi tuyến đầu chống dịch

Tập huấn sử dụng app hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19 cho đội phản ứng nhanh của tỉnh sáng 12/3

Ứng dụng hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19 là một thành phần của Hue-S nhằm hỗ trợ người dân trong khai báo thông tin dịch bệnh, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh, yêu cầu hỗ trợ y tế, cung cấp tin tức chính thống, thông tin liên quan giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh COVID-19.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn, App Hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh dành riêng phục vụ cho việc hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế.

“Ứng dụng được thực hiện trong 3 ngày”, ông Sơn cho biết, ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ họp ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 yêu cầu. Đây là một ứng dụng tương tác hai chiều, với 8 nội dung liên quan: báo cáo nghi nhiễm, yêu cầu hỗ trợ y tế, bảo vệ bản thân, hỏi đáp thông tin, tin tức chính thống, thông tin sai lệch, xác minh thông tin, thông báo - cảnh báo, thông tin hoạt động của ban chỉ đạo COVID-19 tỉnh.

Qua ứng dụng này, người dân được tiếp cận thông tin về dịch bệnh tại Thừa Thiên Huế nhanh chóng, chính xác; giúp người dùng nhận diện các trang chính thống cũng như cung cấp những thông tin sai lệch đang lan truyền trên mạng không đảm bảo độ chính xác, gây hoang mang trong xã hội nhằm giúp người dân hiểu đúng, phòng tránh các thông tin sai sự thật. Hay khi có nghi ngờ thông tin không rõ nguồn gốc, có thể gửi link lên App, cơ quan chức năng sẽ xác minh và trả lời trực tuyến độ chính xác để người dân hiểu, phòng tránh việc thu nhận và lan truyền sai quy định.

Đội trưởng các đội phản ứng nhanh thực hành sử dụng app ngay trên smartphone tại lớp tập huấn

Ngoài ra, App hướng dẫn cách phòng tránh dịch, cập nhật thống kê và thông tin dịch bệnh liên tục. Ví như khi phát hiện có trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở khu dân cư, các địa điểm công cộng, người dùng gửi thông tin qua ứng dụng để Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) nắm, tiến hành xác minh, khoanh vùng, lực lượng CDC sẽ đến trực tiếp hiện trường để kiểm tra và tiến hành nghiệp vụ y tế. Nếu bản thân hoặc người thân trong gia đình có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 nhưng không có điều kiện di chuyển, không thể đến các cơ sở khám chữa bệnh thì sử dụng chức năng này để nhân viên y tế nắm thông tin và hỗ trợ kịp thời tại nơi cư trú.

App cũng cập nhật thông tin nhanh về CDC, số điện thoại các bệnh viện, đội phản ứng nhanh, các hình thức biểu hiện, phương thức lây nhiễm, hướng dẫn của Bộ Y tế giúp người dân chủ động phòng tránh đảm bảo sức khoẻ của bản thân.

“Người dùng có thể gửi bất cứ câu hỏi nào liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và CDC sẽ là đầu mối liên hệ các đơn vị trả lời một cách chính xác. Kết quả hỏi đáp này sẽ được công khai trên ứng dụng giúp cộng đồng Hue-S hiểu hơn về tình hình dịch bệnh tại Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp ứng dụng bằng việc triển khai thông tin theo yêu cầu, như địa chỉ cung cấp khẩu trang, nơi bán nhu yếu phẩm thiết yếu…", ông Sơn nói.

Về phía cơ quan quản lý, những dữ liệu thu thập được qua việc cung cấp thông tin của người dân từ ứng dụng này sẽ giúp CDC tiếp cận nhanh nguồn nghi nhiễm, cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời có thể khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng tránh dịch hiệu quả.

Hiện, Phòng Điều hành Hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19 được lắp đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- CDC. Để sử dụng, người dùng tải App Hue-S vào trực tiếp phần hỗ trợ thông tin phòng chống dịch COVID-19, nếu đã cài đặt ứng dụng Hue-S trên smartphone trước đó, chỉ cần cập nhật phiên bản mới của Hue-S sẽ có phần ứng dụng này.

Ông Sơn khẳng định, những thông tin trên ứng dụng sẽ được bảo mật và quản lý chặt chẽ bởi cơ quan chức năng. “Chúng tôi sẽ có cơ sở xác thực về tính chính xác của thông tin do người dân khi tải ứng dụng Hue-S phải khai báo thông tin cá nhân, đăng nhập hệ thống mới sử dụng”, ông Sơn thông tin.

Theo thống kê của Đô thị thông minh Huế, số người dùng đã tải ứng dụng Hue-S khoảng 40 ngàn, dự kiến sau khi ra mắt ứng dụng, số lượng người sử dụng sẽ tăng nhiều hơn.

Khi cài đặt ứng dụng, người dân lưu ý phải đăng ký tài khoản chính xác để hỗ trợ cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin. Bật tính năng định vị GPS để CDC xác định vị trí, hiện trường nhằm điều động lực lượng ứng cứu kịp thời. Đồng thời, người dùng không được sử dụng các chức năng báo cáo và yêu cầu hỗ trợ y tế để quấy phá hoạt động trong thời gian chống dịch.

Bài, ảnh: Minh Liên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động

TIN MỚI

Return to top