ClockThứ Năm, 14/04/2022 07:00

Tín dụng chính sách, hỗ trợ lãi vay ổn định đời sống

TTH - Tín dụng chính sách (TDCS) xã hội là công cụ, giải pháp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là khẳng định của ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.

Thêm cơ hội đến trườngĐồng hành và hiệu quảTín dụng chính sách về “bản”

Ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Thực hiện chương trình khôi phục và phát triển kinh tế mà địa phương đang triển khai, vốn TDCS có tác động ra sao, thưa ông?

Một trong những mục tiêu của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính là tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. TDCS sẽ là trụ đỡ giúp các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn với nhiều chính sách như tiếp vốn, hỗ trợ giảm lãi vay, gia hạn nợ giúp người dân ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD)...

Ông có thể thông tin về những giải pháp cụ thể mà NHCSXH đã triển khai trong 2 năm (2020-2021) nhằm đồng hành cùng người dân, chính quyền phát triển kinh tế?

Khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, NHCSXH đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, DN trong khôi phục phát triển kinh tế từ việc gia hạn nợ, tăng nguồn vốn vay, giảm 10% lãi suất vay đến triển khai nhiều chương trình vay vốn mới cho DN trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất. Số tiền giảm lãi trong quý 4 năm 2021, theo Quyết định 1990/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại NHCSXH tỉnh là 6,4 tỷ đồng.

Kết quả cụ thể trong thực hiện hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch COVID-19?

Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của Nhân dân, người lao động, Chính phủ ban hành các nghị quyết về việc thực hiện một số biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHCSXH đã tiếp nhận hồ sơ và đã giải ngân cho 5 DN vay trả lương cho 547 lượt lao động, số tiền là 1,809 tỷ đồng. Trong quý 4 năm 2021, NHCSXH Việt Nam đã bổ sung thêm 10 tỷ đồng để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để tháo gỡ khó khăn cho người lao động.

Chi nhánh đã phối hợp với các hội đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã thực hiện gia hạn nợ cho 772 khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với số tiền 25,22 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết cho vay trong thời gian này là 30.284 hộ, số tiền 1.368,89 tỷ đồng.

Và năm 2022 vẫn tiếp tục?

Hiện, NHCSXH đang rà soát, nghiên cứu và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh. Trong đó, đang triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được NHCSXH giải ngân trong giai đoạn 2022-2023; cho vay để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, mức vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên.

Ngoài nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn ủy thác địa phương tác động không nhỏ trong phát huy hiệu quả của hoạt động TDCS, ông có thể thông tin về nguồn vốn ủy thác địa phương hiện nay?

Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, hàng năm tỉnh, huyện đều bổ sung một phần kinh phí phục vụ cho vay các chương trình bám sát vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Trong năm 2021, nguồn vốn ủy thác địa phương đã giúp 1.707 lượt hộ được vay vốn đầu tư SXKD. Thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã tạo điều kiện để các hộ gia đình phát triển sản xuất, thu hút thêm lao động, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp cho lao động trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Nguồn vốn ủy thác này còn khiêm tốn?

Đến cuối năm 2021, nguồn vốn ủy thác địa phương chỉ là 141,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,38% trên tổng nguồn vốn tại NHCSXH tỉnh, trong khi đó mức bình quân chung toàn quốc là 392 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,64% trên tổng nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam. Con số này khá khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn thực tế của người dân, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm.

Tỉnh đã có chủ trương bổ sung vốn cho NHCSXH để cho vay; việc chuyển vốn đã được triển khai như thế nào?

Năm 2022, UBND tỉnh và các huyện đã chuyển 23,3 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm trong và ngoài nước. Đồng thời, HĐND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch bổ sung 100 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm, đầu tư trang thiết bị phục hồi SXKD và hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP đối với nguồn vốn cấp tỉnh, thời gian hỗ trợ là giai đoạn 2022-2023.

Để phát huy nguồn vốn TDCS phục vụ tốt hơn việc khôi phục và phát triển kinh tế, chi nhánh đã và đang triển khai những giải pháp nào - thưa ông?

Chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa huy động, quản lý và sử dụng vốn chính sách gắn với tuyên truyền về TDCS xã hội đến cán bộ, công chức và Nhân dân. Đồng thời, tiếp tục vận động các tổ chức, cơ quan, DN, cán bộ, công chức, viên chức dành nguồn vốn ủy thác hoặc mở tài khoản, gửi tiền tiết kiệm giúp NHCSXH có thêm nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Xin cám ơn ông!

Hoàng Loan (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và phát triển ngành nông nghiệp địa phương, thời gian qua, UBND huyện A Lưới thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) kiểm tra, rà soát và bố trí kinh phí để từng bước đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Khắc phục thủy lợi, ổn định sản xuất
Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình đến thăm NHCSXH tỉnh nhân dịp quyết toán niên độ năm 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top