ClockThứ Bảy, 15/07/2023 15:15

Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng

TTH - Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không hạ chuẩn tín dụng để đổi lấy tăng trưởng tín dụng bởi tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng. Tín dụng tốt mới mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Việc hạ chuẩn tín dụng luôn đi kèm nợ xấu, rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống và là mối nguy tiềm ẩn của nền kinh tế là khẳng định của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh khi trao đổi với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Thúc đẩy cho vay tiêu dùngTăng khả năng hấp thụ vốn không đồng nghĩa hạ chuẩn tín dụngĐể đầu tư công thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

leftcenterrightdel
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh 

Theo ông Lê Việt Sỹ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Dù vậy, do tác động của những bất ổn về kinh tế thế giới, các cuộc xung đột gia tăng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn vẫn chưa đạt theo mục tiêu đề ra. Tính đến cuối tháng 6/2023 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 75.300 tỷ đồng, tăng 1,28% so với đầu năm, đạt 9,2% kế hoạch đề ra. Trong khi đó 6 tháng đầu năm năm 2022, con số tăng trưởng là  11,12%, đạt 79,4% kế hoạch đề ra.

Với định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng phải tăng 14-15% trong năm 2023 thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Mức tăng trưởng thấp có đồng nghĩa với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp kém không thưa ông?

Có chứ. Tăng trưởng tín dụng thấp phần nào cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn tạo nên sức ép lớn trong tăng trưởng kinh tế. Ngành Ngân hàng cũng đang rất trăn trở về điều này.

Ngân hàng thiếu vốn hay thiếu hạn mức cho vay có phải là nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng thấp không thưa ông?

Điều này không đúng. Vì hiện nay hạn mức của các ngân hàng thương mại không thiếu, nguồn vốn huy động tăng trưởng khá tốt (đến 30/6/2023, tổng vốn huy động đạt 64.600 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm), khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đang rất dồi dào. Khả năng hấp thụ vốn yếu do nhiều nguyên nhân, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.

Ông có thể thông tin cụ thể hơn?

Hiện nay, hệ thống ngân hàng vẫn sẵn sàng cung ứng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế với nhiều giải pháp hỗ trợ như: giảm lãi suất, tung ra các gói tín dụng ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ứng dụng công nghệ, giảm thủ tục để tạo điều kiện rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn... NHNN tỉnh thường xuyên yêu cầu TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp... 

leftcenterrightdel
 Ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi

Ngoài ra, NHNN tỉnh cũng thiết lập đường dây nóng, đồng thời phối hợp tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp với mong muốn các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi những vẫn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, vì sao không được vay vốn…

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp, người dân hiện tại không có nhu cầu, e ngại vay vốn hoặc nhu cầu vay rất thấp do đầu ra sản phẩm quá khó khăn, thị trường tiêu thụ không có, thiếu đơn hàng. Do đó cần những giải pháp tổng thể tăng sức cầu của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vấn đề có nằm ở nội tại doanh nghiệp?

Có chứ! Qua hơn 2 năm đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã suy yếu, không đủ đáp ứng điều kiện để cấp tín dụng. Bản thân một số doanh nghiệp cũng không khắc phục những hạn chế cản trở việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay.

Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động vốn từ tiền gửi để cho vay nên luôn phải tuân thủ các tiêu chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, tránh phát sinh nợ xấu. Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng không đáp ứng điều kiện về mặt pháp lý (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản) nên không thể đủ điều kiện tiếp cận vốn.

Nghĩa là NHNN đã có rất nhiều giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn nhưng vì sao vẫn không cải thiện được tăng trưởng tín dụng?

Thông thường với các chính sách tiền tệ sẽ có một độ trễ nhất định. Trong thời gian tới, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục được cải thiện do mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Đồng thời với việc Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vừa được ban hành. Trong đó tháo gỡ rất nhiều nội dung, đặc biệt là bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ số nên chắc chắn trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho cả ngân hàng và doanh nghiệp trong triển khai tiếp cận tín dụng tốt hơn.

Tuy nhiên, qua phân tích có thể thấy vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả những nguyên nhân phải được giải quyết từ nhiều phía chứ không riêng ngành nào. Doanh nghiệp cũng phải đổi mới, phải thích nghi để phát triển vì chỉ có phát triển bền vững mới mang lại giá trị thực cho doanh nghiệp, khi đó ngân hàng cũng sẽ không ngần ngại trong việc cho vay.

Ông có lời khuyên nào liên quan đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp?

Doanh nghiệp là một trong những đối tượng luôn được ngành Ngân hàng quan tâm, ưu tiên vốn. Ngành Ngân hàng rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp và luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải khắc phục những vấn đề đang cản trở quyết định cho vay của các ngân hàng có nguyên nhân xuất phát từ chính doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề không minh bạch trong báo cáo tài chính, phương án kinh doanh chưa đủ sức thuyết phục, không chứng minh được hiệu quả sử dụng vốn chính là trở ngại lớn nhất. Bởi điều ngân hàng cần là thấy được hiệu quả kinh tế thông qua việc quản lý tốt dòng tiền để giảm bớt các rủi ro tín dụng. Vì thế, các ngân hàng rất cần doanh nghiệp song phẳng hơn trong tiếp cận tín dụng.

NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không hạ chuẩn tín dụng để đổi lấy tăng trưởng tín dụng bởi tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng. Tín dụng tốt mới mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Việc hạ chuẩn tín dụng luôn đi kèm nợ xấu, rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống và là mối nguy tiềm ẩn của nền kinh tế.

Ngoài sự đồng hành của ngành Ngân hàng, theo ông tỉnh cần có những giải pháp nào để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tăng trưởng?

UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư mới vào địa bàn tỉnh. Đồng thời tạo kênh cung cấp thông tin dự án đầu tư có nhu cầu vay vốn để ngành Ngân hàng tiếp cận đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Các sở, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn từ đó góp phần nâng cao năng lực tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Loan (thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

TIN MỚI

Return to top