ClockThứ Sáu, 26/08/2022 13:01

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Qua 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất ước đạt trên 4.400 tỷ đồng. Khó khăn trong triển khai giải ngân tiếp tục được ngành ngân hàng và bộ ngành chung tay tháo gỡ.

Triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%Hỗ trợ lãi suất 2%: Không hạ chuẩn, đảm bảo công khai và minh bạchĐảm bảo đúng đối tượng trong hỗ trợ lãi suất

Khó khăn trong triển khai hỗ trợ lãi suất 2% đang được ngành ngân hàng và bộ ngành chung tay tháo gỡ. Ảnh: MĐ

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất theo Nghị định. Cùng với đó, NHNN giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách thông qua việc tổ chức Hội nghị toàn ngành ngày 27/5/2022 và phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 6/7/2022.

Qua 3 tháng triển khai, các ngân hàng thương mại đã vào cuộc rất tích cực với nhiều hoạt động cụ thể như: Ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỷ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ.

Theo đánh giá của NHNN, nguyên nhân của kết quả này do một số khó khăn trong triển khai giải ngân.

Cụ thể, về đối tượng được hỗ trợ lãi suất của Nghị định 31: Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Do đó, vẫn cần các Bộ ngành tiếp tục có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.

Một nguyên nhân khác là vấn đề vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Vì lẽ đó, các ngân hàng thương mại cũng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Một số chi nhánh ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đánh giá từ NHNN, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, do đó, tâm lý của các ngân hàng thương mại và khách hàng khi tham gia chương trình đều rất thận trọng, chặt chẽ để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Ngành ngân hàng tiếp tục xác định chương trình hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của ngành được Quốc hội và Chính phủ giao do đó sẽ quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận chương trình hỗ trợ này.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
LPBank triển khai gói giải pháp tài chính toàn diện dành riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang

Trong bối cảnh thị trường tài chính cạnh tranh sôi động, Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) khẳng định vị thế là "ngân hàng bán lẻ hàng đầu, ngân hàng của mọi người" thông qua việc tiên phong triển khai các gói giải pháp tài chính toàn diện, thiết kế dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu tài chính của từng nhóm khách hàng. Đặc biệt, từ tháng 11/2024, LPBank đã triển khai gói tài chính với những ưu đãi vượt trội, được "may đo" riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.

LPBank triển khai gói giải pháp tài chính toàn diện dành riêng cho cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang

TIN MỚI

Return to top