ClockThứ Sáu, 29/09/2017 14:27

Sóng sánh dầu lạc

TTH - Màu vàng óng, mùi thơm nồng, béo của hạt lạc, lại rất tốt cho sức khỏe nên dầu lạc được nhiều người tin dùng.

Thị xã Hương Trà là một trong những vùng trồng lạc lớn nhất của tỉnh, tập trung tại các địa phương: Hương Vân, Hương Văn, Hương Xuân, Hương Chữ. Với gần 1.000 ha diện tích trồng, sản lượng mỗi vụ đạt hơn 2.000 tấn lạc, nghề ép dầu lạc từng có lúc phát triển mạnh trên địa bàn.

Ép dầu lạc bằng máy ép thủ công

Nghề truyền thống

Ông Phạm Hồ ở thôn Giáp Nhì (nay là tổ dân phố Giáp Nhì, phường Hương An), có kinh nghiệm hơn 40 năm ép dầu lạc là một trong số ít hộ vẫn còn bám trụ với nghề chia sẻ, thời cực thịnh cả làng có trên trăm hộ làm nghề ép dầu, nhưng nay chỉ còn vài hộ. Sở dĩ như vậy là do dầu ép thủ công khó tiêu thụ, chủ yếu bán lẻ cho những người quen đã dùng sản phẩm lâu năm.

Nghề ép dầu lạc vốn vất vả, lắm công phu. Để cho ra một mẻ dầu lạc thơm ngon, đạt chất lượng tốt mất khoảng 3 giờ đồng hồ, chưa kể công đoạn chuẩn bị. Trước khi mang đi ép, cần phải tách vỏ, làm sạch và lựa những hạt đậu tốt để dầu không bị lẫn tạp chất. Hạt lạc được nghiền mịn, sau đó hấp chín rồi đem vào máy ép. Dầu ép ra cần lắng cặn trong vài ngày mới có thể sử dụng. Trung bình 3 kg lạc ép được 1 lít dầu. Với giá lạc khoảng 20.000 đồng/kg, riêng tiền nguyên liệu đã lên đến 60.000 đồng/lít khiến giá thành sản phẩm khá cao (khoảng 70.000-80.000 đồng/lít), cộng với tình trạng dầu lạc thật giả lẫn lộn, nên người tiêu dùng chọn những loại dầu ăn có thương hiệu, giá cả hợp lý hơn.

Do hiệu quả kinh tế thấp, nhiều gia đình chia tay nghề ép dầu lạc khiến nghề truyền thống của làng đứng trước nguy cơ mất đi. Ngay cả ông Phạm Hồ cũng chỉ hoạt động cầm chừng, ép khoảng 10 lít/ngày. Để tận dụng máy móc, ông nhận ép gia công cho người dân trong vùng với giá 60.000 đồng/mẻ. Bã đậu (bánh dầu) được dùng làm thức ăn cho gia súc.

Ông Phạm Hồ bày tỏ, nhiều hộ dân ở đây có nguyện vọng thành lập hợp tác xã, xây dựng thương hiệu dầu lạc, tìm đầu ra sản phẩm, vừa góp phần nâng cao giá trị cây lạc vừa giúp vực dậy nghề truyền thống của địa phương.

Nâng tầm sản phẩm

Nắm bắt thị hiếu khách hàng hiện nay tin dùng các loại dầu sạch tự nhiên, có thương hiệu, anh Hồ Ngọc Vững (phường Hương An) đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, thành lập Công ty Hồ Gia Lạc với sản phẩm dầu Hương Lạc nguyên chất.

Dẫn khách tham quan dây chuyển sản xuất anh Vững chia sẻ, khi bắt đầu thực hiện cũng rất lo lắng do trên thị trường đã có nhiều hãng dầu nổi tiếng, giá cả phải chăng đang chiếm lĩnh thị trường. Thế nhưng, với sự tính toán kỹ lưỡng và tin tưởng vào hướng sản xuất sạch, anh quyết tâm thực hiện.

Với số vốn đầu tư ban đầu 300 triệu đồng, anh Vững nhập máy ép dầu lạc có công nghệ hiện đại từ Đài Loan. Ngay từ những sản phẩm ép thử ra lò đã được khách hàng tin dùng, cùng với việc hoàn thiện quy trình sản xuất, anh Vững tiến hành đăng ký kiểm định chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Theo anh Vững, tính đến thời điểm này, công ty chỉ mới hoạt động khoảng 7 tháng nên vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, sản xuất mới chỉ hòa vốn chứ chưa mong có lãi. Trở ngại lớn nhất chính là đầu ra sản phẩm, do giá thành khá cao, dao động từ 120.000-140.000 đồng/lít nên rất kén người dùng, cộng thêm sản phẩm mới nên chưa được nhiều người biết đến. Hiện nay trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất hơn 1.200 lít dầu, nếu có thị trường con số này còn nhiều hơn nữa.

Lý giải tại sao giá thành sản phẩm cao gần gấp đôi so với các sản phẩm dầu lạc ép thủ công, anh Vững cho biết dầu phụng Hương Lạc được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, công nghệ mới để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất.

Khâu đầu tiên là phải chọn nguyên liệu sạch, loại bỏ hạt lạc mốc, lép sau đó bỏ vào máy rang khô để tách nước rồi chuyển sang bộ phận ép. Nửa tiếng sau, lạc cho ra những giọt dầu nguyên chất vàng ươm, đặc quánh chảy xuống thùng lắng làm bằng inox. Đây chính là điểm khác biệt so với ép thủ công, loại bỏ được hết nước trong nguyên liệu, khi ép dầu đảm bảo nguyên chất. Dầu ép xong còn phải trải qua thêm hai công đoạn lọc thô và lọc chân không để đảm bảo dầu không lẫn tạp chất, đạt độ tinh khiết nhất có thể.

Anh Vững cho hay, trong thời gian tới sẽ tích cực đẩy mạnh quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn để người tiêu dùng biết đến rộng rãi hơn.

Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho biết, sản phẩm dầu phụng Hương Lạc được đầu tư bài bản, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng nên được người tiêu dùng đón nhận. Đây là hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị sản phẩm lạc, cần được nhân rộng. Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công ty phát triển thương hiệu với các hình thức như hướng dẫn vay vốn khuyến công, hỗ trợ xây dựng website quảng bá thương hiệu và kết nối các hợp tác xã thu mua sản phẩm. Đối với các cơ sở ép dầu thủ công nên phối hợp, liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chính quyền địa phương sẽ quy hoạch vùng trồng lạc, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư các giống mới có năng suất và chất lượng cao.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sức khỏe sinh sản - Có kiến thức, hạn chế rủi ro

Trẻ vị thành niên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu kỹ năng sống, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục và giới tính dễ dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, địa phương, trường học huyện Phú Lộc, A Lưới nâng cao kiến thức cho các em về vấn đề này.

Sức khỏe sinh sản - Có kiến thức, hạn chế rủi ro
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

TIN MỚI

Return to top