ClockThứ Sáu, 21/06/2024 11:13

“Rộng cửa” cho tín dụng bất động sản

TTH - Tín dụng bất động sản luôn chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu cho vay của các ngân hàng thương mại và được cho là một thành tố kích thích tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. Đó cũng là lý do, ngân hàng đang đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực này.

Định giá đất sát thị trường để tăng tính minh bạchGiá bất động sản cao cấp ở một số thành phố châu Á đang tăng vọtChính phủ thông qua Đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng

Các ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực bất động sản 

Tăng cường kết nối

Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 trên toàn quốc chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 Trong khi đó, nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cho ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm năm 2024 là phải đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 5%, phấn đấu giảm lãi suất vay thêm 1%-2%. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt một nửa mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Trên địa bàn tình hình tăng trưởng tín dụng cũng không mấy khả quan khi đến cuối tháng 5, tăng trưởng vẫn đang ở ngưỡng dưới 1%. Cụ thể, dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng đạt 78.400 tỷ đồng, tăng 0,8%. Không chủ quan khi nói, tăng trưởng tín dụng năm 2024 khó đạt được con số kỳ vọng 12% mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đặt ra.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang tăng cường các hoạt động truyền thông, kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.

Nhiều chương trình tín dụng bất động sản được triển khai

Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, những ngành trọng điểm, các ngân hàng thương mại cũng tung nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi dành riêng cho lĩnh vực bất động sản.

Theo khảo sát tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay mua bất động sản giao động từ 5-6%/năm trong thời gian ưu đãi, chỉ cao hơn khoảng 1% so với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 -24 tháng. Thậm chí, một số ngân hàng còn tung ra gói cho vay bất động sản với lãi suất dưới 6%/năm cố định trong vòng 2-3 năm.

Tại cuộc họp liên quan đến thúc đẩy vốn vay nhà ở xã hội do Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức mới đây, lãnh đạo TPBank chi nhánh Thừa Thiên Huế đã thông tin, TPBank đang triển khai cho vay mua nhà lãi suất 6%/năm trong thời gian ưu đãi, thời gian vay lên đến 30 năm, ân hạn trả gốc lên đến 5 năm; mức phê duyệt nhanh lên đến 10 tỷ đồng. Đồng thời, lãnh đạo ngân hàng này còn khẳng định sẽ đồng hành, hỗ trợ khách hàng trong thực hiện các thủ tục cũng như phê duyệt khoản vay nhanh chóng, tiện lợi nhất.

Sacombank cũng triển khai chương trình cho vay mua, xây, sửa bất động sản với lãi suất cố định 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng, hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần.

Với các ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank), lãi suất cho vay mua bất động sản cũng dao động ở mức 5,5-7%/năm trong thời gian ưu đãi, hết ưu đãi, các ngân hàng áp dụng cơ chế chung là lãi suất thả nổi. Với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư đang áp dụng là 8%/năm ưu đãi kéo dài trong vòng 3 năm và 7,5%/năm đối với người mua nhà ưu đãi kéo dài trong vòng 5 năm.

Dù lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản đang được đánh giá là khá thấp, thời gian ưu đãi dài (một vài thời điểm thời gian ưu đãi chỉ khoảng 3 tháng đầu). Tuy nhiên, tín dụng vẫn chưa có xu hướng tăng trưởng. Số liệu trong quý I của Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 23,2% tổng dư nợ tín dụng, giảm 0,6% so với đầu năm. Nguyên nhân một phần là do thị trường bất động sản vẫn chưa có tín hiệu phục hồi tích cực.

Chị Thùy Nhi, TP. Huế cho hay, thời điểm năm 2022, room tín dụng giới hạn, lãi suất các ngân hàng khá cao nhưng thị trường bất động sản lúc đó sôi động nên mình sẵn sàng tiếp cận với các chương trình tín dụng để đầu tư mua bất động sản. Dù thời điểm đó lãi suất cao nhưng biên độ lợi nhuận mang lại cũng lớn. Bây giờ thanh khoản thị trường thấp nên dù lãi suất có giảm thì tỷ suất sinh lời cũng sẽ thấp, chưa nói thanh khoản thị trường thấp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một số khách hàng khác lại lo ngại áp lực trả nợ khi hết thời “vốn rẻ” bởi sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được thả nổi theo thị trường, đây là áp lực rất lớn cho người vay vốn. Câu chuyện lãi suất vay vốn giai đoạn năm 2022 và đầu năm 2023 là một điển hình. Khi sau thời điểm ưu đãi, người vay vốn dính ngay “cú sốc” lãi suất vay tăng cao, có thời điểm cao trên 15%/năm, thậm chí gần chạm mốc 18%/năm gây áp lực không nhỏ cho việc trả nợ ngân hàng.

Ngoài ra, thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản thấp cũng khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà. Đó cũng là lý do khiến tín dụng lĩnh vực này có phần giảm sức hút. Chung quy lại, tín dụng chỉ tăng khi nền kinh tế thông suốt và ít điểm nghẽn. Vì thế, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng trong điều hành, giảm lãi suất…, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn về pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, kích cầu tiêu dùng tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang Tết đến cho người lao động

Các cấp công đoàn đang ra sức triển khai nhiều chương trình thiết thực để mang đến cho người lao động một mùa xuân trọn vẹn và ấm áp khi Tết đang cận kề.

Mang Tết đến cho người lao động
Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 55/NHNN-TD gửi chín ngân hàng thương mại yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.

Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33
Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương

Theo phân tích vừa được đưa ra trong dịp năm mới 2025 của công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Institutional Real Estate (IREI), thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương được dự báo ​​sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi sự suy giảm lãi suất toàn cầu và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ của khu vực.

Đông Nam Á sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương
Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Tối 31/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Nguyễn Thanh Bình đến thăm NHCSXH tỉnh nhân dịp quyết toán niên độ năm 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

TIN MỚI

Return to top