ClockThứ Sáu, 29/11/2019 19:11

Quản lý rủi ro thiên tai: Bài học ứng phó cho thời gian tới

TTH.VN - "Quản lý rủi ro thiên tai liên quan đến nước khu vực miền Trung" là chủ đề hội thảo quốc tế diễn ra chiều 29/11 do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với UBND tỉnh tổ chức. Đây là hoạt động nhìn lại 20 năm trận lũ lịch sử năm 1999 và cùng nhau chia sẻ giải pháp, định hướng phòng chống thiên tai (PCTT) trong thời gian tới.

Những bài học sâu sắc về phòng chống thiên tai“Túi rác” ngày ấy bây giờ20 năm lụt 1999: Chuyện cũ không quên, bài học mãi còn

Cùng nhìn lại những hình ảnh về trận lũ lịch sử năm 1999 và những trận lũ của những năm sau này

Sâu sát, có trách nhiệm

Nhìn lại trận mưa lũ lịch sử năm 1999, nhiều người không thể quên những mất mát, đau thương, thiệt hại nặng nề mà Nhân dân miền Trung phải gánh chịu, với 818 người chết, mất tích; hơn 1,2 triệu nhà cửa, trường học, công trình bị sập, trôi và hư hỏng nặng và hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, hàng trăm nghìn tấn thóc bị hư hỏng.... Tổng thiệt hại hơn 3.773 tỷ đồng, riêng Thừa Thiên Huế gần 2.000 tỷ đồng.

Cũng không thể quên, trong thiên tai, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, các lực lượng vũ trang và Nhân dân đã kiên cường, đoàn kết, tương thân tương ái ứng phó và khắc phục hậu quả.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyên Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương cho rằng, trận đại hồng thủy cách đây 20 năm đối với miền Trung là một trường học lớn, để lại nhiều mất mát, đau thương. Nên, chúng ta không thể quên và phải tri ân, có trách nhiệm, cùng nhau nhìn lại bài học để tìm ra hướng phát triển mới, an toàn cho mọi người dân.

Theo ông Lê Huy Ngọ, thiên tai đang diễn biến phức tạp. Nên kinh nghiệm ngày hôm nay chưa đủ để ứng phó, PCTT cho sắp tới. Khu vực miền Trung đang có nhiều lợi thế, địa thế trời cho, nhưng sẽ là tai họa nếu không có quy hoạch hài hoà, đồng bộ giữa phát triển kinh tế, hạ tầng, đô thị với thích ứng thiên tai và trên hết là vì an toàn tính mạng, cuộc sống của người dân. 

Đã đến lúc, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư đến tính chuyên nghiệp trong PCTT. Cần tổ chức bộ máy chính trị đến lực lượng cán bộ kỹ thuật, Nhân dân để cùng phối hợp xử lý tình huống kịp thời, hiệu quả. Người lãnh đạo phải quyết liệt, đi trước, đến sớm hiện trường và sâu sát cùng dân. 

Thủy điện, thủy lợi là những công trình góp phần không nhỏ trong việc hạn chế ngập lụt vùng hạ du

Cũng theo ông Nguyễn Văn Mễ, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cần phải nhìn nhận sự chuyển biến mới của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và phải nhìn nhận được thực tế về địa hình, điều kiện tự nhiên, đặc điểm thủy văn của địa phương để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phù hợp, đảm bảo tránh tác động xấu của thiên tai. Tất cả hệ thống cảnh báo thiên tai phải được đầu tư thêm, tiếp tục hoàn thiện, cập nhật; đồng thời cần nghiên cứu độ bão hoà của đất ngập nước để đảm bảo ứng phó an toàn trong lũ.

Cần những đầu tư lớn hơn

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT, không ai mong sẽ lặp lại trận lũ lịch sử năm 1999, nhưng thiên tai ngày càng khốc liệt, khó biết trước, trong khi đó, nhu cầu được bảo vệ an toàn hơn đang ngày càng nâng cao, phạm vi bảo vệ ngày càng lớn hơn kể cả về quy mô dân số và quy mô nền kinh tế. Vì thế đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn và tính chủ động, chuyên nghiệp phải được nâng cao hơn nữa.

Với đặc điểm địa hình, thời tiết khí hậu của khu vực miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, công tác PCTT còn gian nan và lâu dài, cần kiên định phương hướng chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng, tránh, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản Nhân dân và Nhà nước; nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, từng bước giảm nhẹ và thích nghi với thiên tai để phát triển kinh tế.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhấn mạnh, phải xem PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Ngoài tuân thủ phương châm "4 tại chỗ", công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai của Thừa Thiên Huế còn phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 là "tự quản tại chỗ".

Trồng rừng là một trong những giải pháp được tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện để ứng phó với thiên tai

Công tác dự báo, cảnh báo vô cùng quan trọng, nếu dự báo chính xác sẽ giảm thiểu được thiệt hại. Vì thế, ngoài thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy, tăng cường trang thiết bị cho công tác PCTT, TKCN; xây dựng tỉnh điển hình về PCTT một cách toàn diện, tích hợp, lồng ghép sử dụng hệ thống đô thị thông minh, GIS Huế phục vụ PCTT.

Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai. Nhất là triển khai dự án "Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện" do JICA tài trợ. 

Trong giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030 tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thiết yếu giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, thông tin, củng cố nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, các công trình PCTT, tăng khả năng tiêu thoát nước...

20 năm từ sau cơn lũ lịch sử năm 1999, năng lực PCTT khu vực miền Trung đã được Trung ương quan tâm đầu tư: 2.400 hồ đập; 506km đê, 99km kè và 776 cống; kinh phí đầu tư 7.700 tỷ đồng; 1.755 tàu/3.000 tàu cá cả nước gắn thiết bị định vị movimar, 9.363 tàu/10.409 tàu cá cả nước lắp hệ thống giám sát trạm bờ, 41 cảng cá/61 cảng cá cả nước được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, 2 hồ lớn: Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) và Phú Ninh (Quảng Nam) được đưa vào vận hành đã góp phần cắt giảm ngập lụt vùng hạ du.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

Sáng 21/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức hội thảo tổng kết khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2019-2024 và xây dựng chiến lược phát triển nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học, lãnh đạo Trường đại học Y - Dược, ĐHH.

Triển khai 932 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đạt chất lượng cao

TIN MỚI

Return to top