ClockThứ Bảy, 03/08/2019 12:38

OCOP là tử tế

TTH - OCOP (viết tắt theo tiếng Anh là One commune one product). Hiểu theo nghĩa tiếng Việt là mỗi xã (phường) một sản phẩm. Cụ thể hơn là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.

Nâng chất sản phẩm chủ lựcXây dựng sản phẩm OCOP: Bắt đầu từ tư duy người sản xuấtOCOP: Nhà nước kiến tạo, người dân chủ thể

Đây là một chương trình của Nhật Bản được triển khai từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhằm phát triển kinh tế vùng nông thôn và đã gặt hái nhiều thành công. Chương trình này được nhiều nước trên thế giới học tập và triển khai, trong đó có Việt  Nam.

Ở Thừa Thiên Huế, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2019 -2020.

Theo PGS. TS. Trần Văn Ơn, giảng viên cao cấp Đại học Dược Hà Nội, một chuyên gia tư vấn chương trình OCOP quốc gia, trọng tâm của OCOP là sản phẩm; chủ nhân của OCOP là cộng đồng. Chính quyền chỉ là người định hướng, ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, kết nối sản phẩm với thị trường.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn này, Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng 20 sản phẩm nổi trội của địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS. Ơn, kế hoạch này là có phần “ khiêm tốn”. Bài học từ các địa phương, kể cả giàu có như Quảng Ninh, khó khăn như một số tỉnh vùng núi phía Bắc, khi triển khai chương trình OCOP, ban đầu chỉ có vài chục sản phẩm đăng ký hoặc rất ít nhưng qua thời gian, người dân đăng ký tham gia lên đến hàng trăm sản phẩm.

Tìm hiểu chương trình OCOP ở Quảng Ninh, chúng ta thấy tỉnh này có một số tương đồng với Thừa Thiên  Huế . Đáng chú ý là OCOP đã tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ du lịch. Điều này có thể  gọi là “xuất khẩu sản phẩm tại chỗ”. Ví dụ như trái thanh trà, ngoài tiêu thụ thị trường nội địa thì nó còn là một sản phẩm quà tặng của khách du lịch. Các sản phẩm mây tre, đan lát, nón lá… là những sản phẩm du lịch thực thụ. Ngoài ra, chương trình OCOP thành công ở Quảng Ninh còn cho thấy có nhiều tác động tích cực khác – nâng cao thu nhập của người dân là lẽ đương nhiên, nhưng điều quan trọng nhất là nó hướng người dân vào kinh tế thị trường (tức là phá vỡ cách nhận thức về sản xuất sản phẩm kiểu cũ, hướng vào nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm); góp phần ngăn sự di dân tạo nên áp lực cho đô thị cũng là một giá trị của OCOP…

Hiểu mỗi xã một sản phẩm là theo nghĩa, sản phẩm đó là thế mạnh, đặc biệt của địa phương, có thể được kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống; nó đang hiện diện hoặc là tổ chức khơi gợi lại để nó hiện diện… Tất nhiên, dù có sản phẩm gì thì cũng phải tạo ra những giá trị để kết nối cho được thị trường. Hiểu theo nghĩa đó thì sản phẩm của Huế không chỉ dừng lại ở 20 sản phẩm mà có thể còn nhiều hơn gấp nhiều lần. Ví dụ như dệt Zèng là một sản phẩm độc đáo. Lên A Lưới xem dệt Zèng, mua sản phẩm dệt Zèng, ngủ trên những nhà rông truyền thống của bà con đồng bào, nghe các điệu hát Cha chấp, Kalơi… sẽ là những sản phẩm kết nối du lịch độc đáo. Các ngành nghề đan lát, điêu khắc cũng vậy. Các vùng rau truyền thống với những vùng quê yên bình có thể tạo thành những sản phẩm để kết nối với ngành du lịch. Vùng đầm phá có gì độc đáo? Có quá nhiều là đằng khác. Chỉ cần hai chợ nổi Quảng Lợi và Vinh Hiền với hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai số một Đông Nam Á… đã là những sản phẩm đáng để giới thiệu với du khách…

Như trên đã nói, vậy vai trò của chính quyền là gì? Là hỗ trợ người dân bằng chính sách; bằng nguồn lực tài chính; bằng con người phụ trách, hướng dẫn, động viên… Nói chung là bằng cái gì tốt nhất cho người dân. PGS. Ơn dùng một cụm từ rất hay khi nói về điều này : “OCOP là tử tế. Khi nào chúng ta làm được như vậy thì chúng ta sẽ thành công”.

Xin mượn lời PGS. Ơn người viết xin được nói thêm điều này: OCOP là sản phẩm độc đáo, khác biệt, chất lượng, có hàm lượng văn hóa truyền thống cao… làm tốt những điều này, các sản phẩm OCOP sẽ dễ dàng hơn trong việc kết nối thị trường.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, đưa nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

OCOP gia tăng giá trị trong xây dựng nông thôn mới
Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện

Định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện nhằm​ quán triệt nội dung định hướng, kế hoạch về tiến độ sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Hợp nhất nhiều sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện
Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

TIN MỚI

Return to top