ClockChủ Nhật, 02/12/2018 09:58

Nông sản “vượt rừng” về phố

TTH - Từ một tổ liên kết sản xuất nhỏ, cán bộ, hội viên phụ nữ A Lưới dần gầy dựng thành Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn, tự tin đưa sản phẩm nông sản A Lưới vượt núi rừng để đi xa hơn.

A Lưới phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toànA Lưới phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toànTruy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn chưa thống nhất, thiếu tiêu chuẩn minh bạchGiới thiệu đặc sản, nông sản A Lưới

Tổ liên kết sản xuất rau sạch tại xã Hương Phong

Vào siêu thị

Đến siêu thị Big C Huế, khách hàng không khó để tìm sản phẩm chuối A Lưới bởi nó được dành một vị trí dễ tìm tại gian hàng trái cây và thực phẩm tươi. Khách hàng Nguyễn Châu Anh, chọn mua nải chuối được nhãn chuối A Lưới nhận xét: Chuối A Lưới có mùi vị rất riêng, vị thơm dịu và rất dẻo. Trước đây, có dịp lên A Lưới tôi thường tìm mua cho bằng được, giờ thì tiện quá, đã có tại siêu thị". Chị Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Huế cho hay: “Đây chỉ là bước khởi đầu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân đầu tư hơn về số lượng, chất lượng, mẫu mã để sản phẩm chuối của A Lưới có chỗ đứng vững chắc không chỉ tại siêu thị Big C Huế mà còn cả hệ thống siêu thị Big C các tỉnh, thành khác”. 

Trong vai người mua hàng, chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) A Lưới lặng lẽ lắng nghe những lời khen dành cho sản phẩm quê mình. Chị được xem như “ông tơ bà nguyệt” se duyên kết nối, đưa sản phẩm A Lưới “vượt rừng” về phố. Chị khoe: “Không chỉ chuối, mà nhiều sản phẩm là gạo Ra Dư, nếp than, gà kiến... từ lâu chỉ quanh quẩn nơi bản làng thì nay có mặt tại Cửa hàng đặc sản, nông sản A Lưới tại TP. Huế và trung tâm huyện A Lưới, có bao bì và nhãn mác rõ ràng”.

Mô hình nấm của chị Đặng Thị Hồng

Với chị Tường, đây là cái kết có hậu cho câu chuyện về bước đầu khởi nghiệp của chị em vùng núi rừng A Lưới. Chị kể: Cách đây 2 năm, chúng tôi được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, thân thiện với môi trường nên đã tiến hành xây dựng tổ liên kết. Đầu tiên, chúng tôi đầu tư cho 4 thành viên chuyên sản xuất các loại nông sản như: rau, củ, quả các loại, trong đó ưu tiên sản xuất, chế biến các loại nông sản địa phương như: chuối, kiệu, các loại gia vị Asai xiêng, Amoot, Asoar..., sau đó nhân rộng dần. Hội cũng thành lập “Gian hàng rau củ, nông sản sạch của Hội LHPN huyện” tại trung tâm chợ A Lưới để tiêu thụ sản phẩm. 

“Tiếng lành đồn xa”, chuyện những người phụ nữ khởi nghiệp từ sản xuất nông sản sạch được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Trường đại học Nông lâm Huế) biết đến. Họ giới thiệu, hướng dẫn tổ liên kết làm hồ sơ xin tài trợ từ dự án Trường Sơn xanh. May mắn là mục đích mà các chị đang thực hiện cũng là cái đích mà dự án hướng đến. “Khi tiếp nhận và đánh giá hồ sơ của tổ liên kết của phụ nữ A Lưới, thấy đáp ứng được yêu cầu của dự án, vì vậy, chúng tôi đồng ý hỗ trợ", ông Trần Văn Tiềm, điều phối viên dự án Trường Sơn xanh cho biết.

Chuối A Lưới đã có mặt tại siêu thị Big C

Có được sự đầu tư của dự án, thành viên của các tổ hợp tác được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung triển khai hàng loạt các hoạt động hỗ trợ kỹ năng quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh, sản xuất nông sản sạch theo đúng tiêu chuẩn. Các chị cũng được đầu tư một số cơ sở vật chất như tủ bảo quản thực phẩm, máy ép chân không... Hội tụ đủ điều kiện, Hội LHPN A Lưới đã tự tin phát triển các tổ hợp tác thành HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn. Các chị tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đăng ký cấp giấy chứng nhận cửa hàng đạt chuẩn an toàn thực phẩm và mạnh dạn tổ chức hội nghị khách hàng nhằm giới thiệu sản phẩm. Từ đó, HTX liên kết mở rộng thị trường ở các trường mầm non, chợ; thành lập được 2 cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch tại thị trấn A Lưới và TP. Huế. Tháng 8 vừa qua, chuối A Lưới với logo, nhãn hiệu của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn đã chính thức có mặt tại siêu thị Big C Huế. Tạo bước đệm ban đầu để các sản phẩm, nhất là đặc sản của huyện sẽ được vươn xa.

Và đi xa hơn

Tổ liên kết sản xuất nông sản sạch rộng hơn 2ha của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn của Hội LHPN huyện A Lưới nằm sâu trên địa bàn xã Hương Phong. Xung quanh được che chắn cẩn thận bằng hàng rào B40, có cổng khóa kiên cố. Hôm chúng tôi đến, các thành viên của tổ liên kết đang tất bật với công việc của mình. Người thu hoạch rau, người xới đất bón phân trồng lại lứa rau mới, người nhổ cỏ cho những luống rau đang phát triển. Các chị chăm sóc rau quả bằng tất cả tâm huyết và lòng tự hào.

Toàn bộ diện tích rau đều có hệ thống vòi phun nước tự động. Khoảng một nửa diện tích đã được đầu tư nhà kính kiên cố, đảm bảo duy trì sản xuất trong mùa mưa bão. Chị Hồ Thị Ngạch, chủ diện tích đất và là thành viên tổ liên kết cho biết: "Trước đây, toàn bộ diện tích này tôi trồng sắn nhưng năm nào cũng rơi vào điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại. Khi được HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn vận động liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tôi đồng ý tham gia. Chúng tôi được đầu tư, hỗ trợ xây dựng trang trại sản xuất rau an toàn, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và có nơi tiêu thụ ổn định nên cuộc sống đã đổi thay. Mỗi thành viên thu lãi trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng/ngày từ bán rau củ.

Từ mô hình sẵn có lại được HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn tiếp sức, chị Đặng Thị Hồng ở thôn Cần Nông, xã Hồng Quảng đã mở rộng mô hình sản xuất nấm hữu cơ trên diện tích 700m2. Chị đầu tư mua máy sàng mùn cưa, máy thanh trùng, máy lọc không khí, lò truyền nhiệt... để cấy các loại nấm rơm, nấm sò. Hiện trung bình mỗi tháng, chị Hồng xuất ra thị trường 6 tạ nấm, mang về thu nhập cho gia đình 15 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 5 lao động khác.

Ngoài 2 mô hình trên, HTX còn kết nối, tạo đầu ra ổn định các mặt hàng nông sản sạch cho 3 tổ liên kết trồng chuối tại xã Nhâm và 1 tổ liên kết nuôi gà ở thị trấn A Lưới. Những tổ liên kết, những mô hình sản xuất theo hướng hiện đại đang ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn A Lưới, tạo nên sự đổi thay trong từng bản làng.

Chị Nguyễn Thị Tươi, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn huyện A Lưới tự tin: "Mới đi vào vận hành, những khó khăn chắc chắn còn nhiều, nhưng với quyết tâm của từng thành viên và được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, đơn vị, chúng tôi tin tưởng HTX sẽ đủ sức cạnh tranh để đứng vững trên thị trường, các sản phẩm của bản làng sẽ được vươn xa".

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết

Trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) đã lên kế hoạch, sẵn sàng các phương án cần thiết nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân trên địa bàn thành phố trước, trong và sau tết Nguyên đán.

Đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định dịp Tết
Báu vật của núi rừng A Lưới

Nhắc đến âm nhạc dân gian trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, không thể không kể đến nghệ nhân Lê Văn Trình (thôn PaRis - Ka Vin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), người đã dành cả cuộc đời mình để gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống. Ông không chỉ là một nghệ nhân tài hoa mà còn là “ngọn lửa” thắp sáng niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ.

Báu vật của núi rừng A Lưới
A Lưới cần có ý chí vươn lên, tự lực, tự cường

Đó là yêu cầu của UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu tại buổi làm việc với Huyện ủy, UBND, các phòng, ban, lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn của huyện A Lưới​ ngày 21/1 về công tác chuẩn bị tết Nguyên đán Ất Tỵ, giảm nghèo bền vững và một số vấn đề nổi lên trên địa bàn huyện đầu năm 2025.

A Lưới cần có ý chí vươn lên, tự lực, tự cường
Xuân mới trên non cao

Mùa xuân đầu tiên thoát khỏi huyện nghèo, người dân A Lưới phấn khởi hòa mình tham gia các hoạt động lễ hội trong tình đoàn kết, sẻ chia. Cùng với giữ gìn các giá trị văn hóa bản sắc, chính quyền địa phương đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm số lượng hộ nghèo, phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao đời sống dân sinh.

Xuân mới trên non cao

TIN MỚI

Return to top