ClockThứ Năm, 17/10/2019 13:30
GIÁ THỊT LỢN TĂNG:

Tái đàn an toàn và chuyển dịch cơ cấu tiêu thụ

TTH - Giá lợn thịt tăng là điều tất yếu khi nguồn cung không đủ cầu, nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi, kinh doanh đến người tiêu dùng đang lo lắng cho những đợt tăng giá tới.

Ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đánLiên tục tăng cao, giá thịt lợn vọt lên mức kỷ lụcNguồn thịt lợn dịp tết sẽ không quá căng thẳng

Nguồn cung khan, nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá thịt lợn đang tăng cao

Khan cung, việc mua bán ảnh hưởng

Mới gần 10 giờ sáng, bàn thịt của chị Duyên ở chợ Bến Ngự, TP. Huế đã vơi gần sạch. Thông thường những ngày đắt khách, chị bán tới khoảng 11 giờ trưa mới hết hàng, nếu ế, du di thêm khoảng 30-45 phút. Chị Duyên cho hay: "Lợn mua không ra. Nể mặt lắm, bạn hàng mới dành cho vài chục kg để bán".

Cùng chung tâm trạng, chị Gái, kinh doanh thịt lợn mấy chục năm nay lần đầu tiên mới thấy giá lợn tăng cao như hiện nay.  "Người mua lợn "bộ" (mua lẻ từng con trong dân-PV) khó khăn lắm, cả tuần chỉ được vài con. Trả mua giá cao rồi mà vẫn không có lợn để xúc. Tui đang lo sắp tới lợn vừa khan hụt, giá lại cao rất khó bán", chị Gái lo lắng.

Hiện, giá lợn hơi tại lò mổ Bãi Dâu (TP. Huế) từ 55- 58 nghìn đồng/kg. Giá thu mua trong dân dao động khoảng 48 nghìn đồng/kg.

Nguồn cung khan, nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá thịt lợn đang tăng cao

Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt bán ra trên thị trường cũng tăng cao. Thịt mông, đùi... hiện đã ở mức gần 100 nghìn đồng/kg, tăng từ 15-20 nghìn đồng/kg so với trước đây. Chả cũng tăng mỗi đòn thêm 10 nghìn đồng với giá bán từ 120 nghìn đồng tăng lên 130 nghìn đồng/đòn loại 1kg.

Theo ông Phạm Văn Trai, Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương, giá lợn tăng cao đang diễn ra trên thị trường cả nước. Thông thường, nguồn cung lợn thịt trên địa bàn phải nhập từ các tỉnh thành khác về. Trong khi đó, hiện các tỉnh phía Bắc cũng như thị trường Trung Quốc hút hàng, sốt giá thu mua, nên hàng nhập về địa phương giảm. Nguồn cung tại chỗ khan hiếm, nguồn nhập từ ngoại tỉnh giảm sút, buộc lòng thị trường đẩy giá lên cao.

Trao đổi với một chủ doanh nghiệp có trang trại nuôi tương đối lớn ở huyện Phong Điền, được biết số lợn đơn vị này xuất bán chủ yếu ra các tỉnh phía Bắc. Thứ nhất, do thương lái thu mua với số lượng nhiều, giá cao. Hơn nữa, do trọng lượng lợn nuôi của đơn vị khá lớn, phù hợp với nhu cầu của người mua ở ngoại tỉnh.

Bình quân một ngày, trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khoảng 1.800 con lợn. Trong đó, nguồn nhập từ ngoại tỉnh về chiếm khoảng 30%. Tính đến ngày 13/10, toàn tỉnh đã tiêu hủy 68.906 con lợn do mắc dịch tả lợn châu Phi. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, việc tái đàn chưa thể thực hiện, nên khả năng giá lợn sẽ còn tiếp tục tăng.

Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi, tiêu thụ

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tổng đàn toàn tỉnh hiện còn khoảng 120.000 con phân bổ đều ở các huyện, thị xã. Trong đó, tại 17 trang trại lớn của các doanh nghiệp hiện chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng đàn.

Một số hộ nuôi giữ đàn trước dịch tả lợn châu Phi, song số lượng cung ứng vẫn không nhiều

Đơn cử như trang trại của doanh nghiệp Marvil ở Phong Hiền (Phong Điền) có khoảng 6.000 con; Công ty CP 1-5 khoảng 3.500 con; Swine Line nuôi ở Phú Lộc khoảng 2.500 con; Công ty cổ phần CP liên doanh chuỗi liên kết với người dân tại nhiều trại nuôi ở Phong Điền, Quảng Điền khoảng 1.000 con...

Trong tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế, nguy cơ mầm bệnh còn tiềm ẩn, người chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại chưa dám đầu tư tái đàn nên sắp tới, chắc chắn số lượng sẽ tăng không nhiều.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Hưng, do chưa có vắc xin, thuốc để khống chế cũng như dập dịch hoàn toàn bệnh tả lợn châu Phi  nên khả năng sớm tăng đàn rất khó. Dù hiện đã là đỉnh điểm của giá lợn, song từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá lợn thịt chắc chắn còn tăng.

Trước tình hình này, để tránh ảnh hưởng đến chi tiêu cũng như phụ thuộc vào nguồn thực phẩm thịt lợn, người tiêu dùng nên kết hợp sử dụng hài hòa các loại thực phẩm, thịt gia súc, gia cầm, động vật nuôi khác.

Ông Hưng thông tin, theo Bộ NN&PTNT, sắp tới sẽ cơ cấu tỷ trọng nuôi lợn thịt chỉ tăng 45% thay vì kế hoạch trước đây tăng 70%. Việc giảm tỷ trọng về lợn thịt nhằm khuyến khích người dân chuyển thói quen sử dụng các loại thịt khác như gà, vịt, dê, thỏ..., tránh phụ thuộc vào nguồn thịt lợn đang ngày càng giảm do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh chưa thể dập dịch triệt để, tận gốc.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn

Năm 2024 đã thổi bùng lên lo ngại về việc di chuyển bằng máy bay, đặc biệt là trong những tuần gần đây, khi hơn 200 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn riêng biệt chỉ cách nhau vài ngày.

Đảm bảo di chuyển bằng máy bay an toàn
UNICEF kêu gọi ưu tiên an toàn cho trẻ em di cư

Sau vụ đắm tàu gần đây nhất xảy ra ở vùng biển ngoài khơi phía đông Tunisia khiến ít nhất 27 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi chính phủ các nước ưu tiên đảm bảo an toàn cho trẻ em di cư.

UNICEF kêu gọi ưu tiên an toàn cho trẻ em di cư
Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Return to top