ClockThứ Tư, 06/03/2019 14:13

Sớm di dời cơ sở giết mổ gia súc gây ô nhiễm

TTH - Dù chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp khống chế để giảm bớt tác động đến môi trường, nhưng vì không còn phù hợp quy hoạch phát triển, không có hạ tầng xử lý chất thải..., cơ sở giết mổ gia súc tập trung (GMGS) xã Quảng Thành (Quảng Điền) buộc phải di dời đến vị trí khác phù hợp.

Điểm giết mổ gia súc gây ô nhiễmLò mổ gia súc gây ô nhiễm

Hoạt động 15 năm, cơ sở giết mổ gia súc ở xã Quảng Thành không được đầu tư hạ tầng xử lý chất thải và vị trí không còn phù hợp

Khống chế ô nhiễm

Cơ sở GMGS Quảng Thành nằm ngay mặt tiền trục Tỉnh lộ 4, qua trung tâm xã Quảng Thành, nơi tập trung khu dân cư, dịch vụ đông đúc.

Chị Lê Thị Thu, nhà cách cơ sở GMGS khoảng 15m, cho hay, cơ sở này xã thải trực tiếp vào hồ nước lộ thiên nên mùi hôi cứ bốc lên, rất khó chịu. Nhất là về mùa hè, mùi hôi càng nồng nặc, các hộ dân trong xóm ai cũng kêu than.

"Không chỉ mùi hôi mà còn cả  ruồi muỗi và hằng đêm, từ  1-2 giờ sáng, lúc đang ngủ ngon,  chúng tôi bị đánh thức vì tiếng kêu thét của mấy chục con heo bị chọc tiết... Người dân sinh sống sát lò mổ hàng ngày phải đóng kín cửa để ngăn mùi hôi, tiếng ồn không thể chịu nổi", chị Thu phàn nàn.

Anh Quách Đạo Nguyên và chị Huỳnh Thị Hoa, chủ cơ sở GMGS thừa nhận: "Ngay cả chúng tôi cũng mong sớm di dời lò mổ này để không ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và những hộ lân cận. Sau khi dẹp bỏ cơ sở, phần đất này chúng tôi sẽ chuyển sang kinh doanh dịch vụ khác phù hợp với đời sống, bộ mặt xung quanh".

Ông Phan Đình Sửu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết, thời gian qua, xã đã thực hiện nhiều giải pháp giám sát, khống chế, phun, khử để ngăn ngừa ô nhiễm. Trong đó đã khống chế số lượng giết mổ bình quân mỗi ngày, nhằm giảm bớt lượng chất thải, rác thải. Chất thải như nội tạng, lông... trước đây thường thải thẳng xuống hồ, nhưng giờ được cho vào thùng kín và vận chuyển xử lý hằng ngày, nên đã giảm bớt mùi hôi. Vấn đề chưa khắc phục được nhất là tiếng ồn khi giết mổ và hệ thống xử lý nước thải không có, nên qua các lần lấy mẫu phân tích của cơ quan chức năng đều vượt ngưỡng cho phép.

Chờ quyết định điều chỉnh quy hoạch

 Theo ông Phan Đình Sửu, cơ sở GMGS trên đi vào hoạt động từ năm 2004, với diện tích khoảng 620m2, công suất giết mổ 50 con lợn/ngày. Trước đây, cơ sở này nằm ngoài khu dân cư. Nhưng từ năm 2008, xã phát triển khu dân cư Tây Quảng Thành để khép kín các khu dân cư trong xã, đồng thời quy hoạch khu hành chính công của xã, nên cơ sở GMGS nằm lọt trong khu dân cư, không còn phù hợp với quy hoạch phát triển.

Năm 2018, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo phải di dời cơ sở GMGS. Trong năm này, xã đã mời tất cả các ban, ngành về khảo sát chọn vị trí mới ở xứ Thượng Đồng, thôn Thanh Hà, cách vị trí cũ khoảng 1km, cách xa khu dân cư, trường học, các nguồn nước chính... trên 500m. Diện tích xây dựng cơ sở GMGS là 3.000m2, công suất giết mổ 50-70 con lợn/ngày.

Hiện, đã có 2 nhà đầu tư đăng ký đầu tư. Mọi thủ tục để di dời đều đã được tiến hành sẵn sàng, nhưng hiện địa phương phải chờ UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch điểm GMGS. Vì có quyết định này, địa phương mới thực hiện các bước giải phóng mặt bằng, công khai đấu thầu đầu tư.

Mục tiêu của xã là hoàn thiện thủ tục và xây dựng hạ tầng trong năm 2019. Dự kiến, chậm nhất đầu năm 2020 phải đưa cơ sở GMGS mới vào hoạt động và đóng cửa cơ sở cũ. Kinh phí tạm tính đầu tư công trình GMGS tập trung tại xã khoảng gần 2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 420 triệu đồng và phần đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong phần đầu tư, địa phương đặc biệt chú trọng nhất là hệ thống xử lý chất phải được đầu tư đảm bảo đạt chuẩn theo yêu cầu bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top