|
Chăn nuôi quy mô lớn là hướng đi được Quảng Điền lựa chọn |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Điền có không ít hộ dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Ông Nguyễn Thuận, trú tại xã Quảng Vinh là một trong những hộ điển hình.
“Tôi cũng như các hộ chăn nuôi khác luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các phòng, ban liên quan của huyện về xây dựng chuồng trại quy mô lớn, phát triển theo hướng hàng hóa. Với quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường và áp dụng các kiến thức phòng ngừa dịch bệnh hợp lý, nên người chăn nuôi rất yên tâm”, ông Nguyễn Thuận chia sẻ.
Không chỉ ở Quảng Vinh, trên vùng cát các xã Quảng Lợi, Quảng Thái… cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng luôn tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô. Nhiều hộ đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, chuỗi liên kết từ khâu con giống đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Ông Nguyễn Định, chủ trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ trên vùng cát ở xã Quảng Vinh cho hay: “Tuy còn những khó khăn, nhưng việc phát triển chăn nuôi hữu cơ là hướng đi phù hợp trong thời điểm hiện nay. Người chăn nuôi mong có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Mới đây, khi kiểm tra các mô hình chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn, ngành chức năng của huyện Quảng Điền đánh giá, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, chăn nuôi gà an toàn sinh học thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Hộ gia đình ông Trần Văn Kỷ, xã Quảng Vinh và ông Phan Văn Tỉnh, xã Quảng Thọ đang chăn nuôi bò chất lượng cao. Ngoài hỗ trợ kinh phí mua bò giống, ông Kỷ và ông Tỉnh còn được huyện hỗ trợ thức ăn chăn nuôi ban đầu, máy chế biến thức ăn, tập huấn kỹ thuật nuôi, chế biến cỏ để luôn có lượng thức ăn sạch, ổn định trong chăn nuôi.
Ông Trần Văn Kỷ cho hay: “Với quy trình khép kín, mô hình nuôi bò chất lượng cao mang lại triển vọng trong phát triển kinh tế cho các hộ nuôi, góp phần cải tạo đàn bò trên địa bàn huyện theo hướng chất lượng hơn”.
Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ không chỉ mục tiêu, mà còn là hướng đi chiến lược cho ngành chăn nuôi của huyện Quảng Điền nhằm hướng đến chăn nuôi an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
Nhờ vậy, đến nay, toàn huyện Quảng Điền có 141 trang trại ở vùng cát nội đồng được giao đất, cho thuê đất (40 trang trại chăn nuôi, 67 trang trại tổng hợp, 30 trang trại trồng trọt, 4 trang trại chăn nuôi kết hợp điện mặt trời) và 300 gia trại chăn nuôi. Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, giá trị sản xuất toàn vùng chăn nuôi trang trại, gia trại ước đạt 140 tỷ đồng, thu nhập bình quân ước đạt 210 triệu đồng/trại/năm.
“Thời gian tới, huyện phấn đấu phát triển thêm các hộ nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học theo chuỗi giá trị, quy mô mỗi hộ 3 lợn nái và 36 lợn thịt; phát triển thêm các mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao. Tập trung tái đàn, tăng đàn theo các mô hình chăn nuôi an toàn, có liên kết chuỗi giá trị nhằm kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào khâu sơ chế, dịch vụ đầu vào, đầu ra để thúc đẩy phát triển hơn nữa chăn nuôi trên địa bàn huyện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định.
|
Quảng Điền hiện có 28.500 con lợn; 580.000 con gia cầm; 3.050 con trâu, bò; gần 600 con dê; trong đó, đàn lợn nái lai, nái ngoại khoảng 2.700 con, chiếm 90% tổng đàn nái; đàn bò lai khoảng 95%, sản lượng thịt hơi khoảng 4.800 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 390 tỷ đồng. Năm 2025, toàn huyện phấn đấu nâng tổng đàn lợn lên 30.000 con, 600.000 con gia cầm, 700 con dê; ổn định đàn trâu bò; sản lượng thịt hơi khoảng 500 tấn, giá trị sản lượng đạt trên 400 tỷ đồng.
|