ClockThứ Bảy, 07/11/2020 15:51

Quảng Điền cần 200 tấn lúa giống cho vụ đông xuân

TTH - Là vùng ven đầm phá, thấp trũngchịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ đặc biệt lớn vừa qua, huyện Quảng Điền kiến nghị tỉnh hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng khắc phục thiệt hại, 200 tấn lúa giống, 1 tấn giống hoa, rau màu cho sản xuất vụ đông - xuân.

Quảng Điền: Khắc phục hậu quả kết hợp ứng phó đợt bão, lũ mới

Người dân Quảng Thái khắc phục rau màu ảnh hưởng lũ

Ước thiệt hại hơn 54 tỷ đồng

Ông Phạm Đồng ở thôn Xuân Tùy, xã Quảng Phú chia sẻ, lâu rồi mới có trận lũ lớn mang phù sa về cho đồng rộng, tẩy rửa môi trường, bèo tây trên các dòng sông, kênh rạch. Nhưng các trận bão và lũ chồng lũ cũng để lại hậu quả nặng nề đối với người dân. Giống lúa, rau màu cho vụ đông và đông-xuân sắp đến và lúa thịt đều bị ẩm ướt, nảy mầm.

“Giá lúa giống hiện nay dao động từ 12-18 ngàn đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng từng loại. Mỗi sào sạ khoảng 6kg lúa giống, chi phí khoảng 90 ngàn đồng, như vậy gieo cấy 5 sào chi phí khoảng 450 ngàn đồng. Mỗi sào còn chi phí 150-200 ngàn đồng phân bón/vụ. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp vụ tới”, ông Đồng nhẩm tính.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Phạm Văn Lợi thông tin, các đợt bão, lũ kéo dài trong thời gian qua làm hàng chục tấn lúa thịt, lúa giống và rau màu của người dân và các hợp tác xã bị ẩm ướt, nảy mầm, thiệt hại hoàn toàn. Hơn 20 ngày nay, hầu như người dân không có nguồn thu nhập, lại bị thiệt hại do bão, lũ nên sẽ gặp khó khăn trong sản xuất.

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, dù không thiệt hại lớn về người (1 người chết), không hộ nào thiếu đói, sống cảnh “màn trời chiếu đất”, nhưng bão, lũ gây thiệt hại lớn về sản xuất, kinh doanh, kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Cần khoảng 50 tỷ đồng khắc phục hậu quả

Ông Ngô Văn Đức, Chánh Văn phòng UBND huyện Quảng Điền thông tin, từ sau cơn bão số 5 đến nay, người dân Quảng Điền tiếp nhận nguồn cứu trợ của tỉnh phân bổ với hơn 10 ngàn thùng mì ăn liền, 100 thùng bánh gạo. Công an tỉnh hỗ trợ các địa phương 400 thùng mì ăn liền, 60 thùng nước suối. Huyện cũng đã tiếp nhận, phân bổ 200 tấn gạo (từ nguồn dự trữ quốc gia), 700 kg lương khô (do Quân khu 4 hỗ trợ).

Người dân thu dọn, vệ sinh đồng ruộng

Tất cả số hàng cứu trợ đã chuyển đến các xã, thị trấn cứu trợ kịp thời cho người dân bị ngập lũ kéo dài. Hơn 21 ngàn suất quà với tổng trị giá khoảng 9,5 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng đã trao tận tay người dân vùng ngập lũ. Tính đến thời điểm này, các địa phương, ban ngành chưa phát hiện hộ nào thiếu lương thực, thực phẩm và chưa để xảy ra ra tình trạng khiếu kiện trong quá trình cấp phát hàng cứu trợ bão, lũ.

Các địa phương, ban ngành huy động lực lượng đoàn thể, Nhân dân khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng trên các tuyến đường, khu dân cư, sửa chữa nhà cửa, lợp lại nhà tốc mái, sớm ổn định cuộc sống. Đến ngày 4/11, hầu hết các tuyến đường ngập lụt trên địa bàn huyện Quảng Điền đã rút, các sự cố hư hỏng đã được gia cố tạm thời, đảm bảo giao thông đi lại an toàn; 100% trường học đã tổ chức dạy học trở lại; sự cố lưới điện, nước sạch hư hỏng được khắc phục, 100% hộ dân có điện, nước sinh hoạt ổn định.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền nhấn mạnh, khó khăn lớn của huyện hiện nay là diện tích đồng ruộng, hệ thống kênh mương bị bồi lấp khá lớn. Nhiều công trình đê bao, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng nặng, trong khi vụ đông và đông-xuân đang cận kề, nếu không khắc phục kịp thời sẽ khó đảm bảo khung lịch thời vụ.

Giải pháp trước mắt, huyện yêu cầu các địa phương, hợp tác xã tự trích kinh phí nạo vét đồng ruộng, sửa chữa, gia cố tạm thời đê bao, kênh mương bị hư hỏng, kịp thời sản xuất vụ tới. Về lâu dài, huyện tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí khắc phục, kiên cố các công trình.

Thống kê sơ bộ, Quảng Điền có hơn 400 ha rau màu, cây thực phẩm, cây ăn quả (bưởi thanh trà, bưởi da xanh, chuối, đu đủ, ổi, mía...), hơn 50 ha cỏ trồng bị thiệt hại hoàn toàn; khoảng 50 ngàn con gia cầm (vịt, gà), 200 con lợn bị trôi, chết; 13 bè cá diêu hồng tại xã Quảng Phú bị chết hoàn toàn; 30 ha cá nâu, cá trắm giống cho vụ mới và nhiều lồng nuôi cá trên sông bị cuốn trôi, chết...Toàn huyện có hơn 400 tấn lúa thịt, lúa giống bị ẩm ướt, nảy mầm, thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhiều công trình giao thông, kênh mương thủy lợi, trạm bơm bị hư hỏng nặng. Bước đầu xác định tổng thiệt hại về hạ tầng, sản xuất và dân sinh toàn huyện khoảng 54 tỷ đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Là địa phương có lợi thế về chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, huyện Quảng Điền đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, ngừa dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, công nghiệp tập trung.

Quảng Điền phát triển chăn nuôi quy mô lớn
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top