ClockThứ Sáu, 12/02/2021 21:45

Ngày Tết nơi khu định cư cho ngư dân thủy diện

TTH.VN - Thăm các khu định cư cho ngư dân thủy diện ở huyện Phú Lộc trong những ngày Tết Nguyên đán Tân Sửu, điều hoàn toàn bất ngờ là các hộ dân trước đây sống lênh đênh trên đầm phá của địa phương này đã có cuộc sống mới sung túc. Các cấp chính quyền ở huyện Phú Lộc đã thành công trong việc biến giấc mơ từ nhiều đời của ngư dân nơi đây trở thành hiện thực.

Nhiều căn nhà khang trang mọc lên ở Khu định cư Đồng Riều

Hạ tầng ngày càng khang trang

Đi trên con đường bê tông giữa hai dãy nhà ở khu định cư Đồng Riều, thuộc thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền (Phú Lộc), quang cảnh đập ngay vào mắt là từng ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ mọc lên đều cả hai bên. Không khí ăn tết cổ truyền của bà con nơi đây thật rộn ràng, nhà nào cũng có cây mai, cây quất, cây đào... được trang hoàng thật đẹp.

Chị Đỗ Thị Lắng, người dân trong khu định cư, tâm sự: “Nhìn khung cảnh này ít ai biết được nỗi vất vả của bà con ở đây ngày trước. Gia đình tôi được định cư lên bờ từ năm 2008. Lúc đó được nhà nước cấp đất không thu tiền sử dụng đất, còn được hỗ trợ gần 15 triệu đồng để làm nhà, ổn định đời sống ban đầu, bà con lúc đó mừng lắm, như trong giấc mơ...”.

Sau khi định cư, những khó khăn của bà con từng bước được chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ. Các lớp đào tạo nghề cho lao động, giới thiệu việc làm cho con em vùng định cư, hỗ trợ cho bà con vốn vay để phát triển nuôi trồng thủy sản... được quan tâm. Nhờ vậy, cuộc sống bà con dần dần khá lên.

Chị Lắng nhớ lại, bao đời sống lênh đênh trên đầm phá, mưu sinh trên sông nước, nay đây mai đó nên cuộc sống trước đây rất vất vả, con cái thất học. Từ khi được hưởng chính sách định cư cho bà con thủy diện, con em ở đây đã được tới trường học chữ, không còn cảnh trẻ nhỏ theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước. Các con của chị Lắng cũng đã được học chữ và học nghề, hiện đã có việc làm với thu nhập ổn định. Chị Lắng còn đầu tư ao nuôi tôm nên kinh tế gia đình phát triển rất nhanh. Nhìn cơ ngơi nhà cửa của chị ước tính đầu tư gần cả tỷ đồng, trong nhà đầy đủ tiện nghi, xe máy SH...

Hộ anh Nguyễn A trong khu định cư này cũng khá giả không kém. Gia đình anh được định cư từ năm 2009, đến nay anh đã có cơ ngơi nhà cửa rất khang trang, phương tiện toàn xe tay ga đời mới, thuộc vào diện hộ khá trong xã. Anh A bộc bạch: Những nỗ lực của các cấp chính quyền đã đưa cuộc sống của các gia đình ngư dân chúng tôi vững chắc bước vào tương lai.

Trưởng thôn Miêu Nha, ông Lê Công Đoàn cho hay, khu định cư này có tất cả 52 hộ thuộc diện sống lênh đênh trên đầm phá trước đây. Hạ tầng ở đây được Nhà nước đầu tư rất đầy đủ, từ đường bê tông, lưới điện, hệ thống nước sạch... Sau khi định cư, ngoài hoạt động đánh bắt trên đầm phá, bà con được hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, kinh doanh buôn bán, nên đời sống cải thiện rất nhanh.

Hiện trong khu định cư có các cơ sở sản xuất cơ khí, dịch vụ ăn uống, giải trí... đảm bảo cả đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Cuộc sống sung túc hơn nên ngày tết được bà con sắm sửa đủ đầy, tiếng nhạc, tiếng hát vang ra từ những ngôi nhà dọc tuyến đường xe đi qua.

Thêm một tin vui cho bà con ở khu định cư thôn Miêu Nha là chính quyền địa phương sẽ đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông ở khu định cư này trong năm 2021 để đảm bảo hạ tầng ngày càng khang trang hơn. Theo Chủ tịch UBND xã Lộc Điền - ông Hoàng Sa khẳng định, Lộc Điền là địa phương có số hộ dân thủy diện được định cư lên bờ lớn nhất của huyện Phú Lộc. Ngoài khu định cư ở thôn Miêu Nha, xã còn có khu định cư ở thôn Trung Chánh 2 với hơn 60 hộ. Qua 2 giai đoạn, địa phương đã tiến hành định cư cho hơn 110 hộ dân thuộc diện sông nước trên địa bàn. Hạ tầng cơ sở ở các khu định cư được các cấp đặc biệt quan tâm.

Các cấp, các ngành thăm, tặng quà cho người dân ở khu định cư xã Lộc Điền dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Hiện thực ước mơ cho ngư dân thủy diện

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Mạnh nhớ lại, bắt tay vào công tác định cư cho nông dân thủy diện vùng đầm phá, huyện phải giải quyết vấn đề nan giải là đất để tái định cư. Bởi, quỹ đất ở các địa phương phục vụ cho các dự án định cư không còn nhiều, số diện tích còn lại chủ yếu là vùng thấp trũng, cơ sở hạ tầng rất hạn chế...

Sớm tháo gỡ vấn đề này, UBND huyện cùng các ban, ngành tiến hành về các địa phương khảo sát, rà soát, chỉ đạo, hỗ trợ địa phương lập quy hoạch các khu tái định cư. Nhờ sự vào cuộc rốt ráo từ huyện đến cơ sở, các khu tái định cư ở các xã Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Vinh Giang, Vinh Hiền... lần lượt ra đời. Cơ sở hạ tầng các khu định cư được đầu tư tương đối đồng bộ, với hệ thống đường giao thông nội bộ, giao thông nối ra tỉnh lộ, đấu nối hệ thống điện vào khu định cư, xây dựng phòng học khang trang cho con em các gia đình thủy diện.

Ngoài quy hoạch đất ở khu tái định cư, các địa phương còn vận động, giúp đỡ, hỗ trợ cho các gia đình lập thủ tục nhận chuyển nhượng đất từ cha, mẹ hoặc qua mua bán để được nhanh chóng định cư lên bờ.

Sau khi mới định cư, phần lớn các hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất và trình độ dân trí còn thấp nên không tự tạo được việc làm mới. Các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn huyện Phú Lộc tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng ao hồ, mua sắm ngư cụ để giúp người dân phát triển sản xuất. Hội nông dân các địa phương tổ chức cho bà con kết hợp giữa nghề đánh bắt, nuôi trồng, phát triển các mô hình chăn nuôi và hình thành các tổ dịch vụ như vận chuyển hàng hóa, cung ứng vật liệu phục vụ xây dựng... Ưu điểm của cách làm này là vừa tạo việc làm và thu nhập cho bà con, vừa tránh được tình trạng các hộ lên bờ một thời gian sau, khi khó khăn về đời sống lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trở về sông nước.

Với nhiều giải pháp tích cực, năng động trong quá trình thực hiện, hơn 10 năm nay, toàn huyện Phú Lộc đã định cư cho ngư dân đầm phá và vùng sạt lở với hơn 540 hộ, đạt 174% kế hoạch. Riêng trong năm 2020, xã Lộc An tiến hành định cư cho gần 10 hộ dân thủy diện mới phát sinh. Qua đó, đảm bảo hoàn thành công tác định cư cho người dân thủy diện trên địa bàn toàn huyện. Chính nhờ sự quyết liệt của các cấp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể huyện Phú Lộc, hàng trăm hộ dân sống lênh đênh trên đầm phá đã có những mùa xuân trọng vẹn. Họ đã được các cấp, các ngành hiện thực hóa giấc mơ từ bao đời nay để xây dựng cuộc sống mới ngày càng sung túc hơn.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 5/1, Phòng Dân tộc huyện Phú Lộc phối hợp với Hội Cựu giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế cùng các nhà tài trợ tổ chức chương trình trao quà "Xuân yêu thương 2025". Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm mang đến niềm vui, sự sẻ chia cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

“Xuân yêu thương” đến với đồng bào dân tộc thiểu số
Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

TIN MỚI

Return to top