ClockThứ Bảy, 03/09/2022 21:36

Lễ hội thanh trà: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ đặc sản địa phương

TTH.VN - Dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, cùng với các địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn, người dân và du khách có thêm một địa điểm vui chơi, mua sắm hấp dẫn. Đó là không gian lễ hội thanh trà Huế tại phường Thuỷ Biều.

38 đội dự hội thi “Trái ngon thanh trà Huế” lần 2Khai mạc lễ hội Thanh trà Huế lần thứ VII- 2022Tôn vinh đặc sản thanh trà

Du khách chọn mua thanh trà ngay tại khuôn viên lễ hội

Trải nghiệm tour du lịch “thanh trà”

Tuyến đường Bùi Thị Xuân đoạn từ cầu Long Thọ đến khu vực trung tâm phường Thuỷ Biều bắt đầu nhộn nhịp, đông đúc từ 6h sáng 2/9. Từng đoàn khách nối đuôi nhau nườm nượp kéo đến không gian tổ chức lễ hội thanh trà và các nhà vườn nằm bên cạnh dòng sông Hương với các bãi bồi giúp vườn thanh trà tươi tốt. Nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được tổ chức liên tục trong 4 ngày đêm diễn ra lễ hội; nhiều hội thi liên quan đến đặc sản thanh trà diễn ra nhằm tạo sự gắn kết giữa các địa phương cũng như người dân trồng thanh trà trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Hồng Vân, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Lâu nay mỗi dịp đến Huế đều đi tham quan các lăng tẩm, chùa chiền và thưởng thức đặc sản Huế tại các nhà hàng. Lần này được trải nghiệm không gian tại lễ hội thanh trà, thưởng thức các món ăn chế biến từ trái thanh trà, đến tận nhà vườn để mua mứt, rượu và trái thanh trà đem về biếu người thân. Tour du lịch này thật là ý nghĩa”.  

Vụ mùa năm nay, diện tích cây thanh trà trên địa bàn phường Thuỷ Biều phát triển rất tốt, trái lên đẹp và ngon. Hiện, toàn phường có 150ha trồng thanh trà, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Từ trái thanh trà, nhiều gia đình đã chế biến thành các loại đặc sản Huế được khách hàng ưu chuộng như mứt, rượu, gỏi thanh trà…

Tôn vinh và lưu giữ giá trị tinh hoa

Chủ tịch UBND phường Thuỷ Biều, ông Võ Đăng Thái cho rằng, lễ hội thanh trà là sự kiện văn hóa và kinh tế nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của nghề trồng và chăm sóc cây thanh trà đã được các thế hệ người dân Thủy Biều nói riêng và người Huế nói chung lưu giữ. Nhờ vậy mà những cây trái, những bí quyết nghề truyền thống vẫn được gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư địa phương; trong những sản vật quý giá phải kể đến trái thanh trà - sản phẩm được Nhà nước công nhận nhãn hiệu năm 2007, được xác lập Kỷ lục Quốc gia và được công nhận vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Viêt Nam vào năm 2016 theo bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.

Cùng với thanh trà, nhiều đặc sản trái cây ở Thuỷ Biều cũng trưng bày tại lễ hội

Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội, người dân có dịp giới thiệu những sản phẩm tiểu thủ công nhiệp, đặc sản Huế, đồng thời giao lưu với các nhà khoa học trong việc học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc để nâng cao chất lượng, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu thanh trà ngày càng bền vững. 

Theo bà Tôn Nữ Hoàng Hà, tổ 8 phường Thuỷ Biều, cứ mỗi kỳ lễ hội, ngoài việc bán sản phẩm trực tiếp cho khách, gia đình lại ký kết thêm nhiều hợp đồng cung ứng thanh trà với số lượng lớn cho các nhà hàng, khách sạn và khách hàng trong và ngài tỉnh nên đến mùa thu hoạch là không lo khâu tiêu thụ. Hơn nữa, bán sĩ cho khách vừa được giá, vừa tiết giảm công sức và thời gian nên khá thuận tiện.    

Trong 4 ngày đêm diễn ra, lễ hội Thanh trà Huế quy tụ nhiều chương trình phong phú, đa dạng với cuộc hội tụ lớn của hơn 60 nghệ nhân, nông dân, những người đã và đang giữ hồn và phát huy các giá trị của cây thanh trà Huế đến từ các địa phương truyền thống tiêu biểu, nổi tiếng trong tỉnh, đây cũng là cơ hội để Thủy Biều giới thiệu chiều sâu văn hóa nhà vườn, tiềm năng của địa phương, tạo môi trường cho cán bộ, Nhân dân trong phường có dịp trao đổi, giao lưu, xúc tiến thương mại đến với cộng đồng dân cư trong vùng, du khách trong và ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Trần Song, Thủy Biều là vùng trái cây thanh trà đặc sản của Huế với hơn 1.000 hộ dân có vườn trồng, chủ yếu nằm dọc sông Hương. Thời gian qua, địa phương tích cực hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật trồng, ứng dụng công nghệ cũng như quảng bá thanh trà đến với thị trường. Dù chịu nhiều sự cạnh tranh của các loại trái cây có múi, họ bưởi nhưng thanh trà Huế vẫn tự tin với vị thế riêng trên thị trường. Sắp tới, thành phố tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trồng thanh trà, nhất là trong khâu giống, chăm sóc, chế biến để đưa sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, phục vụ du lịch; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, nhất là ở các địa bàn có lợi thế, thế mạnh về nông nghiệp.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Người dân tập trung cập nhật sinh trắc học trong ngày làm việc đầu năm

Dù đã có nhiều thông báo về việc cập nhật sinh trắc học trước thời điểm 1/1/2025 để đảm bảo không bị dừng các giao dịch thanh toán trực tuyến, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa cập nhật sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng điện tử. Vì thế trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2025, các ngân hàng đều đón một lượng khách hàng đến cập nhật thông tin sinh trắc học rất đông

Người dân tập trung cập nhật sinh trắc học trong ngày làm việc đầu năm
Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế

Huế từ hôm nay, ngày 1/1/2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam và được xem là “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam. Không chỉ là đô thị di sản đẳng cấp của Việt Nam, Huế còn được các tổ chức thế giới đánh giá cao trong công cuộc bảo tồn những giá trị ngàn xưa để lại và được phát huy giá trị một cách hiệu quả với những đặc thù, riêng biệt.

Đô thị di sản và hướng đi riêng có của Huế
Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

Nổi tiếng là đô thị di sản cổ kính, Huế nhờ thế trở thành điểm đến của điện ảnh trong nước lẫn quốc tế. Mỗi công trình kiến trúc, hay một danh thắng, địa danh nào đó ở Huế đều có thể trở thành bối cảnh trong các bộ phim từ điện ảnh cho đến phim ngắn. Điều này đã ít nhiều tạo thương hiệu giúp du lịch địa phương bùng nổ.

Huế trở thành điểm cuốn hút các đoàn làm phim

TIN MỚI

Return to top