ClockThứ Năm, 25/08/2022 11:31

Khắc phục khẩn cấp công trình thủy lợi bị hư hỏng

TTH - Huyện Phong Điền đang khẩn trương rà soát các nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trên địa bàn khi mùa mưa lũ đang đến gần. Đồng thời, rà soát công tác lập, phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho các công trình, đảm bảo tính khả thi khi có sự cố xảy ra.

Gia cố, sửa chữa đê bao phục vụ sản xuất đông xuânGần 7,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả do mưa lũ tháng 3 vừa qua

Đợt mưa lũ bất thường xảy ra trong tháng 4/2022, trên địa bàn huyện Phong Điền đã gây ra tràn nhiều tuyến đê và hư hỏng công trình hạ tầng thủy lợi, nhất là ở các xã vùng hạ lưu sông Ô Lâu. Nhiều hạng mục bị hư hỏng, nếu không kịp thời sửa chữa thì có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, gây thiệt hại nặng nề hơn.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Phong Điền, sau khi xảy ra thiên tai, ngành chức năng và các địa phương chủ động khắc phục, sửa chữa nhiều công trình giao thông, thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn nhiều công trình do vượt quá khả năng cân đối ngân sách cấp xã nên các địa phương đã đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí khắc phục, sửa chữa các công trình, chủ yếu là đê bao, đê nội đồng và các tuyến kênh tưới.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin: Trước tình trạng nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng do thiên tai gây ra, huyện ưu tiên sử dụng ngân sách để cải tạo, sửa chữa nâng cấp nhiều hạng mục, qua đó chủ động phương án sẵn sàng phòng chống, ứng phó với diễn biến thời tiết, thiên tai bất thường.

“UBND huyện Phong Điền đã quyết định trích ngân sách huyện năm 2022 để khắc phục khẩn cấp 8 công trình thủy lợi. Đó là đê Minh Hương (xã Điền Hải); đê Hói Dương (xã Điền Lộc, Điền Hòa); đập Xóm (xã Phong Thu); đê Lái Chàng (xã Điền Lộc); các tuyến đê nội đồng xã Phong Chương; kênh tưới Vĩnh An, Vân Trình, cống Cửa Khâu... Tổng kinh phí xây dựng trong đợt này là 4,360 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 3,210 tỷ đồng, ngân sách xã 1,150 tỷ  đồng”, ông Đôn cho biết.

Cùng với việc chú trọng nâng cấp các công trình thủy lợi, trong công tác PCTT năm 2022, huyện Phong Điền còn tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó, PCTT; tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án phải được phổ biến đến cộng đồng. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng xung kích PCTT các địa phương triển khai rà soát các điểm có nguy cơ cao mất an toàn về lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, có phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ chính vụ, dừng thi công khi có mưa, lũ lớn; tổ chức diễn tập để nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ.

Để kịp thời hỗ trợ cho người dân khắc phục thiên tai, tái đầu tư sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện đã báo cáo, đề xuất UBND huyện phương án hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai, trong đó có hỗ trợ về giống lúa: nhu cầu giống lúa để sản xuất 488,60 tấn. Trong đó, số lượng giống lúa Trung ương, tỉnh hỗ trợ là 351,10 tấn; số lượng giống còn thiếu, đề xuất huyện hỗ trợ 137,50 tấn. Kinh phí đề nghị hỗ trợ mua giống lúa khoảng 2.062,5 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho biết: UBND huyện đã ban hành văn bản thống nhất một số nội dung hỗ trợ khắc phục thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do mưa lũ thời gian qua. UBND huyện đã giao Phòng Tài chính-Kế hoạch (TC-KH) chủ trì, phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện rà soát, cân đối nguồn kinh phí tham mưu UBND huyện phân bổ, hỗ trợ. Sở NN&PTNT và UBND huyện thống nhất được số lượng giống Trung ương, tỉnh hỗ trợ cho Nhân dân. Các thủ tục mua, thanh quyết toán số lượng giống hỗ trợ từ ngân sách huyện đến nay vẫn chưa thực hiện.

Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền đề xuất UBND huyện phương án phân bổ kinh phí trực tiếp cho UBND các xã, thị trấn để chủ động thực hiện các hồ sơ, thủ tục mua giống hỗ trợ cho người dân trên địa bàn đúng theo quy định. Phương án 2 là phân bổ kinh phí và giao trách nhiệm cho Phòng TC-KH hoặc Phòng NN&PTNT chủ trì tổ chức thực hiện các thủ tục mua, thanh quyết toán 122 tấn giống (khoảng 1.830 triệu đồng); giao UBND xã Phong Hiền chủ trì mua 15,5 tấn giống (khoảng 232,5 triệu đồng) để hỗ trợ cho Nhân dân trên địa bàn.

Tiến Dũng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

TIN MỚI

Return to top