ClockThứ Hai, 04/05/2020 06:00

Giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân vùng cao

TTH - Thu nhập và hộ nghèo là hai tiêu chí khó nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của nhiều địa phương tại huyện A Lưới. Giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm gắn chặt với việc xây dựng NTM của A Lưới trong thời gian tới.

A Lưới đối mặt với hạn nặngThị trấn A Lưới nâng hạng chỉ số cải cách hành chính

Anh Nguyễn Hải Teo (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) chăm sóc vườn chuối của mình

Phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả

Gần 11 giờ trưa, anh Nguyễn Hải Teo (thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm) vẫn còn cặm cụi cuốc đất trồng thêm hàng chục gốc chuối già lùn ở mảnh vườn sát đồi. Anh nhẩm tính: “Cộng thêm 200 cây chuối mà huyện hỗ trợ từ nguồn vốn NTM là mình có 300 cây. Trồng chuối hiệu quả hơn sắn. Sau 9 tháng chăm sóc, mỗi buồng chuối có thể đạt 20 – 30kg, trong khi giá thị trường đặt 7.000 đồng/kg. Trừ hao hụt các khoản, mỗi ha có thể lãi hơn 100 triệu đồng”.

Trồng chuối già lùn là một trong những mô hình kinh tế mới, hiệu quả đang được huyện A Lưới nhân rộng. Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 200 ha diện tích trồng chuối nhưng chủ yếu trồng nhỏ lẻ. Trong năm nay, sẽ trồng tập trung thêm khoảng 50 ha, tập trung tại các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng, Hồng Thái, Hồng Kim… giúp người dân chuyển hướng sản xuất, tăng thu nhập.

A Lưới đang tái cơ cấu nông nghiệp, lồng ghép các nguồn lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, không chỉ phát triển mô hình trồng rừng kinh tế, hiện nay huyện cũng đang hợp tác với các chuyên gia từ Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế để khảo sát, tư vấn thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả. Đồng thời, đẩy mạnh mô hình trồng hoa, vườn rau an toàn trong nhà kính, chăn nuôi bò, dê…

Nông nghiệp là kinh tế chính của nhiều hộ dân A Lưới, song để nâng cao hiệu quả cần mở rộng quy mô sản xuất và tìm đầu ra ổn định. Định hướng này được các đơn vị chức năng của huyện nỗ lực cụ thể hóa bằng việc thúc đẩy liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra những cây, con lợi thế. “Ngoài cây keo và chuối đã tìm được đầu ra ổn định, chúng tôi đang kết nối doanh nghiệp, tìm thị trường cho các loại hoa, rau màu, cây dược liệu, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, nuôi trồng”, ông Lập tiết lộ.

Đồng bộ các giải pháp

Ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện nhấn mạnh, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương giai đoạn 2021-2025 là phát huy hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng NTM. A Lưới là một trong những huyện nghèo của cả nước, vì vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết số 54- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện sẽ tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương nhằm cùng với tỉnh hoàn thành một số chỉ tiêu theo định hướng. Đồng thời, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia chương trình xây dựng NTM, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào phát triển sản xuất.

Trong 4 năm từ 2016 – 2019, huyện A Lưới mới chỉ có 4 xã đạt chuẩn NTM là Hương Phong, Sơn Thủy, Phú Vinh và A Ngo. Khó khăn nhất của các xã là tiêu chí hộ nghèo và thu nhập, kể cả các xã cận kề cũng mới chỉ đạt 50 – 60% so với quy định. Đến năm 2025, huyện phấn đấu có thêm 3 xã Hồng Bắc, Hồng Hạ, Hồng Thượng đạt chuẩn NTM, nhưng không “bằng mọi giá” để đạt chuẩn hình thức. Trái lại, sẽ tìm ra các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp gắn NTM với giảm nghèo bền vững.

Ông Lê Ngọc Tĩnh, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện A Lưới chia sẻ, giai đoạn 2016 – 2020, bình quân mỗi năm tại huyện giảm 4% hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu tính theo chuẩn hộ nghèo mới và tình hình dịch COVID-19 vừa qua, sẽ có những lo ngại trong thời gian tới, trong đó có cả nguy cơ tái nghèo. Điều này đòi hỏi việc gắn kết đồng bộ để thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân. “Người lao động muốn thoát nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ là thực trạng và để giải quyết, các đơn vị của huyện đang rà soát, lọc danh sách hộ nghèo có khả năng lao động nhưng thiếu vốn và kỹ thuật khoa học để kịp thời hỗ trợ, giúp họ áp dụng các mô hình đã được nghiên cứu hiệu quả”, ông Tĩnh khẳng định.

Lãnh đạo huyện A Lưới cho biết, huyện cũng đang lồng ghép các dự án của các chương trình mục tiêu quốc gia với các dự án cùng mục tiêu từ các nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc lồng ghép nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và các dự án của các chương trình, tạo kết quả tổng hợp theo mục tiêu xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Mang Tết đến cho người lao động

Các cấp công đoàn đang ra sức triển khai nhiều chương trình thiết thực để mang đến cho người lao động một mùa xuân trọn vẹn và ấm áp khi Tết đang cận kề.

Mang Tết đến cho người lao động
Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 55/NHNN-TD gửi chín ngân hàng thương mại yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ.

Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33

TIN MỚI

Return to top