ClockThứ Tư, 08/04/2020 07:00

A Lưới đối mặt với hạn nặng

TTH - Nắng nóng, ít mưa khiến hơn 200 ha diện tích lúa nước vụ đông xuân ở huyện A Lưới rơi vào cảnh thiếu nước.

Nhiều hộ dân A Lưới đóng cửa, hạn chế ra đườngRừng A Lưới tiếp tục bị phá

Nhiều diện tích lúa nước vụ đông xuân ở A Lưới bị khô hạn nặng

“Ngó trời, đợi mưa”

Dẫn chúng tôi đến những mảnh ruộng chỉ còn trơ lại đất nứt nẻ, anh Nguyễn Văn Sanh, cán bộ địa chính – nông nghiệp – xây dựng – môi trường xã A Ngo, huyện A Lưới thở dài: “Hiếm có năm mô như năm ni, mới vụ đông xuân đã nắng hạn gây gắt. Người dân gieo sạ sớm hơn vùng đồng bằng nhưng có lẽ sẽ thu hoạch muộn hơn. Đáng buồn nhất do hạn nặng, nhiều diện tích trồng lúa của một số hộ phải bỏ vì nứt nẻ, không có nước”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT) huyện A Lưới, đến nửa cuối tháng 3/2020, toàn huyện có hơn 204 ha diện tích lúa nước bị khô hạn, trong đó 105,79 ha khô nứt nẻ và 98,28 ha thiếu nước nhưng còn độ ẩm trong đất nhờ cây đã sinh trưởng che phủ mặt đất. Số hộ nông dân bị ảnh hưởng lên đến 1.088 hộ.

Ngoài xã A Ngo với diện tích thiếu nước là 37 ha (trong đó có 15 ha khô nứt nẻ) thì các địa phương khác như xã Sơn Thủy (30 ha thiếu nước), A Roàng (28,7 ha thiếu nước), Lâm Đớt (30,8 ha thiếu nước)… cũng đang đứng trước nhiều nỗi lo.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới chia sẻ, công trình thủy lợi ở địa bàn rất ít hồ chưa, chủ yếu là đập dâng, nhưng nguồn nước từ đầu nguồn cạn kiệt đã làm cho các vùng diện tích lúa bị khô hạn. Mặc dù triển khai nhiều giải pháp như huy động đội ngũ bơm nước, duy tu bảo dưỡng kênh mương phục vụ tưới nước... song trên thực tế, chưa thể đáp ứng được.

Việc thiếu nước trong nông nghiệp khiến năng suất vụ đông xuân được dự đoán chắc chắn giảm năng suất, đáng lo hơn là tình trạng nắng càng kéo dài thì diện tích thiếu nước càng nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát, thống kê từ Phòng NN&PTNT huyện, diện tích khô hạn thời gian qua tăng dần do thiếu mưa.

Lo giải pháp vụ hè thu

Kinh nghiệm của những người nông dân ở A Lưới, vụ đông xuân chống chịu với nắng hạn thì nỗi lo sẽ nhân lên gấp bội với vụ hè thu. Và trong bối cảnh hiện nay, cần tìm những giải pháp để đối mặt.

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cấu trồng phù hợp với nguồn nước, thay đổi các giống chịu hạn hoặc chuyển từ trồng lúa sang trồng một số loại cây màu thích hợp như ngô, dâu, rau các loại.

Anh Nguyễn Văn Sanh cho biết, hiện một số người dân đã có kế hoạch chuyển sang trồng chuối, ngô sinh khối…Trong khi đó, theo cán bộ diện Phòng NN&PTNT huyện, dự kiến vụ hè thu 2020, sẽ làm mô hình trồng ngô sinh khối diện tích 0,5 ha tại xã Sơn Thủy.

Hiện, Huyện A Lưới cũng đang chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra công trình thủy lợi, có kế hoạch phục vụ tưới hợp lý, đồng thời tiến hành sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, duy tu, bảo dưỡng thiết bị máy móc, nạo vét khơi thông dòng chảy, sửa chữa đập dâng, kênh mương chống rò rỉ thất thoát nước.

UBND các xã, thị trấn cũng phối hợp, chỉ đạo người dân thực hiện tiết kiệm nước tưới và nước sinh hoạt, huy động mọi lực lượng sửa chữa, nạo vét, phát dọn kênh mương nội đồng để dẫn nước tưới phục vụ sản xuất…

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa

Trên địa bàn huyện A Lưới hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) sản phẩm từ thịt bò và chăn nuôi bò được Hội Nông dân (HND) huyện cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu “Thịt bò vàng A Lưới”.

Để “Thịt bò vàng A Lưới” vươn xa
Khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại A Lưới

Ngày 24/12, Đoàn viên thanh niên, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) phối hợp với Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức khánh thành công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ (A Lưới).

Khánh thành công trình thanh niên Thắp sáng đường quê tại A Lưới

TIN MỚI

Return to top