ClockThứ Bảy, 02/11/2019 05:45

Đánh bắt xa bờ không “dính thẻ vàng”

TTH - Tại Thừa Thiên Huế, công tác quản lý, giám sát hành trình, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) được triển khai triệt để.

Triển khai tổng thể các giải pháp nhằm gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam

Nguồn hải sản đánh bắt xa bờ được xác định nguồn gốc thông qua máy định vị tầm xa

Từ ý thức ngư dân

Gắn bó với nghề biển hơn 30 năm nay, ông Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) đã thấm thía bao ngọt bùi lẫn đắng cay của nghề “theo đuôi tôm cá”.

Khi vùng lộng bị khai thác cạn kiệt, ông mua sắm tàu công suất lớn để vươn khơi. Khát vọng vươn đến vùng biển xa thôi thúc ông quyết định vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ đóng mới tàu vỏ thép trị giá hơn 20 tỷ đồng.

Từ ngày hạ thủy chiếc tàu công suất lớn, ông Chiến chấp hành nghiêm túc quy định, không vi phạm đánh bắt trên ngư trường thuộc chủ quyền các nước.

Ông Chiến nhận thức: Đi biển có lúc lắm cá nhiều tôm, có khi về tay trắng nhưng phải tuân thủ quy định về ngư trường đánh bắt.  Chiếc tàu là tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng nếu vi phạm ngư trường, bị tịch thu là thiệt hại lớn. Số tiền xử lý vi phạm hàng trăm triệu đồng, chưa kể sẽ bị truy đuổi, tàu bị đánh chìm, có thể mất mạng.

Hải sản của ngư dân Phú Thuận đánh bắt trong vùng biển theo quy định

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Đặng Tiến Tùy cho biết, ông thường xuyên đến gặp trực tiếp các chủ tàu, ngư dân để tuyên truyền các chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong quá trình hoạt động đánh bắt xa bờ (ĐBXB). Một trong những yêu cầu đặt ra đối với các chủ tàu là chấp hành nghiêm các quy định, không vi phạm đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác.

“Ngoài trách nhiệm tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, hầu hết ngư dân đều ý thức cao trong việc chấp hành các quy định khai thác hải sản xa bờ. Các chủ tàu luôn ý thức việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản là hàng đầu, không để trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, ông Tùy đánh giá.

Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông La Phúc Thành thông tin, huyện Phú Vang có đội tàu ĐBXB chiếm hơn một nửa toàn tỉnh. Từ trước đến nay, các chủ tàu trên địa bàn huyện không vi phạm các quy định trong hoạt động ĐBXB. Hầu hết ngư dân chấp hành tốt phạm vi đánh bắt trên ngư trường quốc gia, có giấy phép hoạt động, các loại nghề khai thác đúng quy định và có máy định vị tầm xa theo quy định của pháp luật…

100% tàu có thiết bị giám sát

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, trước xu thế hội nhập, nguồn thực phẩm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, vệ sinh an toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết. Quá trình đánh bắt tuyệt đối không vi phạm chủ quyền quốc gia dẫn đến hậu quả khôn lường. Từ đó, yêu cầu đối với các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý, giám sát phải chặt chẽ, hiêu quả, ngăn chặn kịp thời, không để ngư dân vi phạm.

Công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành cho ngư dân là một trong những biện pháp hàng đầu được ngành thủy sản, chính quyền địa phương quan tâm. Qua quá trình tuyên truyền, vận động cho thấy, hầu hết ngư dân đều chấp hành tốt các quy định trong quá trình ĐBXB.

Từ cuối năm 2018, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai đồng bộ việc nâng cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa có tích hợp định vị vệ tinh (THĐVVT) cho tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, toàn tỉnh đã trang bị 321 máy thông tin liên lạc tầm xa có THĐVVT cho 321 tàu trong diện buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tỉnh cũng đã cấp kinh phí đầu tư xây dựng trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản nhằm thực hiện công tác giám sát, theo dõi thông qua hệ thống thông tin liên lạc tầm xa. Trạm có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu từ tàu cá chuyển về, ngư dân có trách nhiệm tự mua sắm thiết bị (hiệu VX1700) với giá khoảng 7 triệu đồng/cái. Trước đây việc sử dụng, điều khiển thiết bị bộ đàm chủ yếu bằng tay, bây giờ việc cập nhật các vị trí hoạt động tàu thuyền bằng chế độ tự động.

Máy VX1700 có chức năng định vị bằng vệ tinh GPS đã được thiết kế, tích hợp sẵn, giúp đơn vị quản lý, theo dõi, quan sát hành trình của tàu cá hoạt động trên biển qua màn hình máy vi tính tại trạm bờ. Việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình có THĐVVT, cơ quan chức năng còn có thể điều khiển tự động trên điện thoại “thông minh”, mọi thông số như thuyền trưởng, chủ phương tiện, ký hiệu, địa chỉ, tải trọng, đang ở vĩ độ, kinh độ nào, cách bờ bao nhiêu hải lý... đều xác định rõ. Khi phát hiện tàu nào có dấu hiệu vi phạm chủ quyền, vùng biển cấm khai thác… sẽ bị nhắc nhở, yêu cầu không vi phạm; đồng thời có chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thông qua hệ thống thông tin liên lạc từ xa có THĐVVT, cơ quan chức năng chưa phát hiện các chủ tàu trên địa bàn tỉnh vi phạm đánh bắt ở các vùng biển thuộc phạm vi nước ngoài; không sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác. Hầu hết các tàu đánh bắt đều có giấy phép, khai thác đúng nghề theo quy định; chủ yếu đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và một số tàu đánh bắt vùng biển chung giữa các nước thuộc vịnh Bắc Bộ. Đối với tàu giã cào, hiện toàn tỉnh chỉ có 4 chiếc được cấp phép hoạt động từ 30 hải lý trở ra, chưa phát hiện có tình trạng vị phạm khai thác ở vùng lộng.

Tăng cường truyền thông, giám sát

Qua chuyến kiểm tra thực tế tại một số tàu ở Thuận An mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao công tác quản lý, theo dõi tàu cá thông qua hệ thống thông tin liên lạc từ xa có THĐVVT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về hoạt động khai thác hải sản, Luật Thủy sản 2017, chống khai thác IUU; tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá ra vào hoạt động trên biển…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU
Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC

Chiều 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển để triển khai các giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" IUU theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC).

Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC
Hiện đại hóa đánh bắt xa bờ

Khai thác hải sản giữa đại dương mênh mông thì phải đầu tư trang thiết bị hỗ trợ, máy dò cá và ngư lưới cụ hiện đại mới có thể mang lại hiệu quả.

Hiện đại hóa đánh bắt xa bờ
Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU

Dự kiến vào tháng 6/2024, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tới Việt Nam kiểm tra lần 5, là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU cho thủy sản Việt Nam. Với những nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển, công tác chống khai thác IUU đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU

TIN MỚI

Return to top