|
Agribank điều chỉnh lãi suất huy động |
Một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 7%/năm
Giai đoạn chuyển giao năm tài chính là thời điểm các ngân hàng cần cải thiện các chỉ số tài chính, đặc biệt là tỷ lệ huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn cho thị trường. Đây cũng là thời điểm nhu cầu rút tiền mặt để chi tiêu cá nhân lớn, nên việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người dân. Vì thế những ngày đầu năm 2025, các ngân hàng đều tăng cường các giải pháp hút nguồn vốn nhàn rỗi từ khách hàng bằng nhiều giải pháp, trong đó có tăng lãi suất huy động. Đây không chỉ là giải pháp đảm bảo nhiệm vụ cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp khi nhu cầu vốn vay tăng cao dịp cuối năm âm lịch, mà còn góp phần giữ chân khách hàng, tăng sức hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác.
Theo khảo sát, hiện có khá nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Trong đó, Bac A Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên 0,2 điểm % lãi suất ở các kỳ hạn từ 1-15 tháng và tăng 0,25 điểm % cho các kỳ hạn từ 18-36 tháng. Techcombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, cụ thể, mức lãi suất cho các kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,2 điểm % niêm yết ở mức 3,55%/năm; với kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1 điểm % từ 3,65% lên 3,75%/năm. Ngân hàng này đang áp dụng mức lãi suất 4,9%/năm cho khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên ở các kỳ hạn 12-36 tháng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất huy động. Mới đây, Agribank điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi cho một số kỳ hạn. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến được ngân hàng này công bố, lãi suất kỳ hạn từ 3-5 tháng và 6-9 tháng được điều chỉnh tăng 0,1 điểm % lần lượt là 3%/năm và 3,7%/năm; kỳ hạn từ 1-2 tháng được giữ nguyên ở mức 2,4%/năm.
Đáng chú ý, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao trên 7%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng với nhiều điều kiện đặc biệt như: PvcomBank áp dụng mức lãi suất tiền gửi tại quầy cho kỳ hạn 12-13 tháng là 9,5%/năm với điều kiện số tiền gửi tối thiểu là 2.000 tỷ đồng.
Gửi tiết kiệm là kênh đầu tư được lựa chọn
Cùng với điều chỉnh lãi suất huy động, trong những ngày đầu năm mới 2025, các ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình tiết kiệm dự thưởng, tặng quà tri ân khách hàng. Trong đó, ACB triển khai chương trình "ACB tết tiền tài tới" kéo dài đến 3/2/2025, khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng với số tiền từ 60 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận lãi suất ưu đãi 4,25%/năm, kèm lì xì lên tới 6,8 triệu đồng/khoản tiền gửi. VietinBank cũng triển khai chương trình nhận phần quà bằng tiền từ 100 nghìn đồng cho đến 1 triệu đồng khi gửi mới tiết kiệm từ 200 triệu đồng. Agribank cũng triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng "Xuân tích lũy - Quỹ đong đầy" với tổng giá trị 14,35 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm với kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng.
Thực tế trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó chứng khoán biến động khó lường, thanh khoản thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi tốt thì việc tăng lãi suất tiết kiệm kỳ vọng sẽ thu hút được lượng tiền nhàn rỗi trong dân, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thành phố, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn cả năm 2024 ước đạt 77.300 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2023. Hiện, lãi suất huy động bằng VND tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang áp dụng ở mức tối đa 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng có mức lãi tối đa 4%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lãi suất dao động trong mức 4%-5,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất dao động trong khoảng 5%/năm đến 6%/năm (bao gồm lãi suất online).
Dù lãi suất huy động đang được một số ngân hàng điều chỉnh tăng, song nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn khá thấp. Việc điều chỉnh lãi suất không đồng đều giữa các nhóm ngân hàng và chưa trở thành xu hướng khi nhiều ngân hàng vẫn đang ở ngoài cuộc đua tăng lãi suất, thậm chí vẫn có ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm khiến mục tiêu hút vốn vào hệ thống các ngân hàng sẽ khó có sự đồng đều và có thể chưa như mong muốn.