 |
Các cấp Hội Nông dân khảo sát, vận động nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học |
Gia tăng giá trị trên một đơn vị sản xuất
Khu sản xuất rau xanh theo mô hình hữu cơ rộng hơn 3.000m2 của gia đình hội viên nông dân Đoàn Phòng ở thôn 2, xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) khá ấn tượng với đủ các loại rau quả như: dưa leo, mướp ngọt, mướp đắng, bầu, bí, cải, xà lách, hành, ngò… Toàn bộ diện tích được anh Phòng đầu tư thành từng luống theo loại rau quả dài, ngắn ngày khác nhau.
Dừng tay chăm sóc các luống rau, anh Phòng bày tỏ: “Được các cấp Hội Nông dân ở địa phương tuyên truyền, vận động, đưa đi học tập các mô hình sản xuất rau hữu cơ ở địa phương khác, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào đây, tổng cộng đến nay gần 200 triệu đồng. Hiện tại, mỗi ngày, nguồn thu nhập của gia đình từ các loại rau khoảng 400 ngàn đồng. Vào mùa bầu, bí, dưa leo thu hoạch thì nguồn thu tăng lên 450 - 550 ngàn đồng mỗi ngày”.
Nhờ canh tác, vun trồng theo hướng đảm bảo an toàn nên vườn rau, củ của gia đình anh Phòng sản xuất được thị trường ưu chuộng, đầu ra, giá cả nhờ thế cũng ổn định hơn. Từ hiệu quả mô hình này, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi đất vườn kém hiệu quả sang sản xuất rau theo mô hình hữu cơ, cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác.
Xã Vinh Mỹ trước đây nhiều diện tích đất vườn sản xuất của bà con hiệu quả kinh tế thấp, nên nhiều gia đình không mặn mà với nghề trồng trọt. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan các cơ sở trồng rau theo hướng hữu cơ cho thu nhập cao, các cấp Hội nông dân ở địa phương đã khảo sát, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi diện tích đất thích hợp sang sản xuất rau sạch hữu cơ để nâng cao thu nhập. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hàng chục hộ sản xuất rau an toàn bán ra thị trường với thu nhập bình quân 350 ngàn đồng/ngày/vườn, có hộ đạt 500 – 600 ngàn đồng/ngày, góp phần tăng thu nhập gấp nhiều lần trên một đơn vị sản xuất.
Nhân rộng mô hình
Xã Hương Bình (TX. Hương Trà) cũng là địa phương được đánh giá làm tốt chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, hữu cơ, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, các sản phẩm cam V2, cam Xã Đoài, quýt Thanh Bình, thanh trà, bưởi da xanh trồng theo hướng hữu cơ của địa phương được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp đó, quýt Thanh Bình được lựa chọn làm quy trình đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao. Xã cũng phát triển nhiều mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Huế - ông Trần Văn Lập khẳng định, phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học là một trong những chủ trương, định hướng chung của các cấp, ngành liên quan theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để thực hiện chủ trương trên, các cấp Hội Nông dân đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp hội viên, nông dân các địa phương nhân rộng mô hình để phát triển bền vững và hiệu quả. Trong đó, có các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ, tuần hoàn, chăn nuôi ít sử dụng nước… đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm cũng được thị trường ưa chuộng và dễ tiêu thụ.
Cũng theo ông Trần Văn Lập, đến nay mô hình chăn nuôi nông hộ an toàn sinh học, tuần hoàn, hữu cơ trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành, phát triển. Các cấp Hội Nông dân sẽ tranh thủ các chính sách ưu tiên phát triển các mô hình này để hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học, tạo lợi thế cạnh tranh và nâng giá thành sản phẩm.