ClockChủ Nhật, 25/02/2024 11:37

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công

TTH - Giao kế hoạch vốn sớm, song song hỗ trợ các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn ngay từ đầu năm đã tạo nên tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công, từ đây tạo thế và lực trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Nâng cấp thủy lợi phục vụ sản xuấtNhiều dự án giao thông giải ngân vốn đầu tư công hiệu quảPhân bổ vốn ngân sách trung ương cho các bộ và địa phương

 Cầu vượt Thuận An, hướng nhìn từ làng Thai Dương Hạ. Ảnh: Tuấn Kiệt

Phát sinh giải ngân sớm

Tháng 1 được xem là tháng cao điểm cho công tác giải ngân vốn đầu tư công. Vì ngoài tập trung nguồn lực cho giải ngân trong chặng cuối (năm 2023) để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất như kế hoạch đề ra, tiến hành phân khai kế hoạch vốn năm 2024, các công trình mới được bố trí vốn cũng phải tập trung hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Vì thế, thời điểm này rất khó phát sinh khối lượng giải ngân. Tuy nhiên, ngay trong tháng 1, trên địa bàn đã phát sinh khối lượng giải ngân, điều này được xem là động lực thúc đẩy đầu tư công ngay trong những ngày đầu năm.

Số liệu giải ngân vốn đầu tư công từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 1/2024, trên địa bàn đã giải ngân 213 tỷ đồng trên tổng số 6.257,879 tỷ đồng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, đạt 3,4% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trong nước, vốn ngân sách Trung ương nước ngoài (vốn ODA) có tỷ lệ giải ngân khá cao. Cụ thể, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 1,1% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương trong nước đã giải ngân đạt 6,7% kế hoạch; vốn ODA giải ngân đạt 7,5% kế hoạch.

Dự án cầu vượt sông Hương phấn đấu thông xe vào cuối năm 2024 

Lý giải cho những tín hiệu khả quan bước đầu trong năm 2024, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, giải pháp quan trọng được đúc rút trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công chính là phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án. Nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn hằng năm, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.

Ưu tiên thúc đẩy các dự án trọng điểm

Dự kiến đến cuối tháng 3, toàn tỉnh sẽ giải ngân đạt 25% kế hoạch vốn tương đương 1.550 tỷ đồng. Đồng thời, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 cũng chỉ rõ tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược. Đặc biệt là các dự án hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông có tính chất kết nối, lan tỏa; các dự án hạ tầng kỹ thuật để phát triển quỹ đất; các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

Cũng trong năm 2024 này, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, phấn đấu thông xe kỹ thuật cầu qua cửa Thuận An và cầu vượt sông Hương; thi công hoàn thành các dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, hệ thống tiêu thoát lũ Phổ Lợi - Mộc Hàn - Phú Khê, dự án Chương trình phát triển đô thị loại II, dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế, các công trình điện Kiến Trung và điện Thái Hòa thuộc khu vực Hoàng thành Huế.

 Các dự án hạ tầng giao thông có tính kết nối sẽ được thúc đẩy đầu tư trong năm 2024

Để đảm bảo kế hoạch đầu tư công năm 2024 đi đúng định hướng, ngay từ cuối năm 2023, tỉnh đã tổ chức giao sớm kế hoạch đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm 2024. Tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị về thực hiện đầu tư công năm 2024 trong những ngày cuối năm 2023, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu  các chủ đầu tư bám sát các mốc thời gian để thực hiện và giám sát tiến độ thi công. Đối với các dự án và gói thầu chuyển tiếp được bố trí kế hoạch vốn năm 2024, đến ngày 30/6/2024 phải giải ngân trên 60% kế hoạch vốn năm 2024, đến 15/12/2024 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024. Đối với các dự án và gói thầu khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2024, đến ngày 30/6/2024 phải có số liệu giải ngân cho công tác xây lắp, đến ngày 30/9/2024 phải giải ngân trên 70% kế hoạch vốn năm 2024, đến 31/12/2024 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024.

Các dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2024 (cả chuyển tiếp và khởi công mới) đến ngày 30/6/2024 chưa giải ngân công tác xây lắp theo quy định, UBND tỉnh sẽ xem xét dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán. Các dự án hoàn ứng, các dự án đã quyết toán và các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023 được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, chủ đầu tư hoàn tất thủ tục hoàn ứng và thanh toán trước ngày 31/3/2024. Sau thời điểm trên, UBND tỉnh dừng giải ngân và điều chuyển cho các dự án khác có khả năng thanh toán.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc chuyển vốn cho các dự án khác hay kéo dài thủ tục hoàn ứng và thanh toán, làm ảnh hướng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, kinh nghiệm triển khai giải ngân vốn đầu tư công còn đòi hỏi các chủ đầu tư và đơn vị liên quan còn phải tập trung giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Các chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án.

Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn cũng cần phải linh hoạt, kịp thời từ dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định. Khâu thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng, không dồn khối lượng cuối năm.

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giá xăng lại tiếp tục tăng

Lúc 15h ngày 9/1 là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính - Công thương. Trong phiên điều chỉnh lần này, giá xăng RON95 lại tăng lên hơn 21.000 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 2 liên tiếp của giá xăng trong năm 2025.

Giá xăng lại tiếp tục tăng
Giá xăng dầu tăng ngay phiên điều chỉnh đầu tiên năm 2025

Lúc 15h, ngày 2/1 là thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Đây là kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2025. Trong phiên điều chỉnh này, giá xăng dầu cùng tăng 120-240 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh trước đó.

Giá xăng dầu tăng ngay phiên điều chỉnh đầu tiên năm 2025
Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng

Ngày 2/1, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế cho biết, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử, văn hóa TP. Huế đã tiến hành họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp thành phố và thông qua nội dung, phương án điều chỉnh hồ sơ các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn.

Nhiều di tích được xếp hạng và đề nghị khoanh vùng

TIN MỚI

Return to top