ClockChủ Nhật, 18/12/2022 09:12

“Làn sóng” giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp cuối năm

Hưởng ứng chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng của COVID-19, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục công bố giảm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp dịp cuối năm.

Thêm một ngân hàng thương mại cổ phần đi vào hoạt độngNgân hàng thương mại tăng giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nướcNới room tín dụng, ngân hàng hạ lãi suất cho vay

Song song với mục đích hỗ trợ khách hàng, theo một số nhà phân tích, động thái giảm lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng còn thể hiện kỳ vọng vào việc sẽ được cấp room tín dụng cao hơn trong năm 2023.

Tiết giảm chi phí; đề xuất NHNN hỗ trợ thanh khoản trên thị trường OMO

Đại diện LienVietPostBank cho biết: Với tổng quy mô lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, LienVietPostBank quyết định ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất vay lên tới 1%/năm cuối năm cho khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu - đơn vị đem về nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn cũng được hỗ trợ giảm lãi suất trong 2 tháng cuối năm 2022 (tháng 11 và tháng 12/2022), vốn được xem là cao điểm về nhu cầu vốn vay, góp phần giảm bớt áp lực khó khăn về chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Điểm đặc biệt của chương trình, khách hàng không cần phải làm thủ tục rườm rà. Ngân hàng chủ động trong thực hiện giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được hỗ trợ. Ngoài ra, LienVietPostBank cũng chủ trương tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu nguồn vốn huy động, ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch, tích cực giải quyết thu hồi nợ xấu... để tạo nguồn hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp”, đại diện LienVietPostBank cho biết.

Không chỉ giảm lãi suất, LienVietPostBank còn cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đến với khách hàng doanh nghiệp như: Dịch vụ thu hộ ngân sách Nhà nước; Dịch vụ Ủy thác thanh toán lương; Thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (UPAS LC); Thanh toán quốc tế...

Chương trình cho vay ưu đãi trị giá 7.000 tỷ đồng vừa được VPBank chính thức triển khai trên toàn hệ thống từ ngày 15/12 nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp SME hiện chiếm tới gần 90% tổng doanh nghiệp hoạt động trên toàn quốc. Theo VPBank, với mức giảm lãi suất cho vay, áp dụng cho cả kỳ hạn vay ngắn và trung dài hạn, lên tới 1,5%/năm cho khách hàng SME, ngân hàng kỳ vọng chương trình sẽ hỗ trợ khách hàng bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh kịp thời, theo đó giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh cơ chế giảm lãi suất cho khách hàng SME, VPBank cũng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng cá nhân với mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Khách hàng cá nhân sẽ được hưởng mức giảm trừ lãi suất 1,0%/năm trên mức lãi suất áp dụng tại Quyết định ban hành biểu lãi suất cho vay dành cho sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh có tài sản đảm bảo của ngân hàng.

Đại diện NamABank cho biết: Ngân hàng quán triệt tinh thần chỉ đạo của NHNN, đồng thuận với các tổ chức tín dụng (TCTD) và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc duy trì lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm. Ngoài tiết giảm chi phí đầu vào, ngân hàng cắt giảm một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-2%/năm tùy kỳ hạn, lĩnh vực. Tuy nhiên, để ngân hàng có thêm dư địa hỗ trợ khách hàng, đại diện NamABank bày tỏ mong muốn NHNN tăng cường hỗ trợ trên thị trường mở OMO, đặc biệt là duy trì các kỳ hạn dài hơn, quy mô lớn, tạo thanh khoản ổn định cho hệ thống.

Trước đó, Phó Tổng giám đốc BIDV Nguyễn Thiên Hoàng cũng bày tỏ sự thống nhất quan điểm chỉ đạo của NHNN, VNBA về việc giảm lãi suất đầu vào. “Với lãi suất đầu ra, các NHTM Nhà nước sẽ bàn bạc để đưa ra mức lãi suất tốt cho thị trường. Ngoài ra, lãnh đạo BIDV cũng đề xuất NHNN hỗ trợ thanh khoản tối đa trên kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tái cấp vốn cũng như đánh giá xem xét linh hoạt tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) trong điều kiện huy động vốn khó khăn để các NHTM có thêm điều kiện giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực hiện đúng cam kết giảm lãi sẽ là một trong những điều kiện được xem xét cấp room

Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, NHNN biểu dương một số NHTM đã có những cam kết bằng hành động khi vừa thực hiện giảm lãi suất, triển khai nhiều gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó góp thêm sự ủng hộ của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế.

"Chúng tôi cũng dành room tín dụng này ưu tiên thỏa đáng cho những NHTM có khả năng thanh khoản cao và đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay, tất nhiên bên cạnh sự cố gắng tích cực của các ngân hàng bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM xây dựng lại kế hoạch từ nay đến Tết Nguyên Đán. “Các NHTM giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí; tiếp tục quan tâm giải ngân vào những lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ, các lĩnh vực thuộc động lực tăng trưởng của nền kinh tế…NHNN luôn hỗ trợ các TCTD vốn ngắn hạn cũng như: Vốn trung, dài hạn; đồng thời đảm bảo thanh khoản cho các NHTM. NHNN sẽ theo dõi tất cả các hoạt động trên thị trường 2 để đánh giá thêm tính trách nhiệm, hệ thống của các NHTM. Các ngân hàng thực hiện đúng cam kết giảm lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng để NHNN có thêm điều kiện xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 bên cạnh những chỉ tiêu đánh giá xếp loại, phân loại…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Theo TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), kênh dẫn vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế vẫn là tín dụng ngân hàng. Tăng trưởng của kênh này hiện cao nhất trong số các kênh dẫn vốn vào thị trường, mang lại gần 1,4 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.  “Hiện, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 12%. Với việc NHNN tăng thêm room tín dụng 1,5 - 2% năm 2022, dự báo sẽ có khoảng 300 - 400 nghìn tỷ đồng được các NHTM cung ứng thêm vào nền kinh tế trong tháng cuối năm. Ngành Ngân hàng không thiếu vốn”, TS Phạm Chí Quang cho biết.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Thành phố (TP) Hồ Chí Minh cho biết: Trong các tuần còn lại của năm 2022 và cả năm 2023, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kết nối ngân hàng với doanh nghiệp từng lĩnh vực, ngành nghề và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất. Riêng với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các NHTM bám sát mục tiêu và gắn liền với chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ…Tính đến nay, các TCTD đã giải ngân được khoảng 93% trong tổng số 443.000 tỷ đồng cam kết cho vay hồi đầu năm.

Gỡ vướng cho gói hỗ trợ lãi suất 2%

Một trong những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi đó là gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, đại diện nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ lãi suất. Theo thông tin từ phía các doanh nghiệp, họ đang khó tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 2% do không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể: Không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp; không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cho biết họ không muốn vay gói hỗ trợ do quy trình, thủ tục rắc rối, phức tạp; từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán…Thậm chí, có doanh nghiệp còn lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất. Để “khơi thông” gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo Hanoisme đề xuất Chính phủ tháo gỡ cơ chế giảm bớt thủ tục hành chính, mở rộng đối tượng... để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% nhiều hơn.

Mới đây, NHNN được Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các địa phương đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống NHTM để có giải pháp thích hợp. Trước mắt, ngân hàng khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân. Thêm vào đó là kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp

Chiều 9/1, Ban quản lý (BQL) các khu kinh tế, công nghiệp thành phố Huế tổ chức tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương dự, chỉ đạo hội nghị.

Quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

Cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao. Vì thế, để đáp ứng nguồn vốn cho thị trường, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Ngân hàng “chạy đua” tăng lãi suất

TIN MỚI

Return to top