ClockThứ Năm, 10/10/2019 13:47

“Kinh tế du lịch đêm”

TTH - Trong một trả lời phỏng vấn liên quan đến du lịch Huế mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc của Vietravel, một doanh nghiệp lữ hành có doanh thu năm gần đây nhất hơn 7.200 tỷ đồng, cho biết “kinh tế du lịch đêm” (trong khái niệm đêm - ngày) chiếm khoảng 70% doanh thu của ngành du lịch. Nếu như thực tế đúng như vậy, thì đêm, chính là thời gian quan trọng nhất của du lịch.

Du lịch Huế về đêm, có gì?

Chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn thu hút du khách. Ảnh: TH

Cách đây một năm, sau khi tìm hiểu các con số liên quan đến du lịch – đó là lượt khách đến Huế và doanh thu của ngành trong một năm, tôi có viết một bài với tựa đề: “Mỗi khách đến Huế tiêu bao nhiêu tiền?”. Các con số tôi tìm hiểu cho thấy, trong năm 2018, mỗi khách đến Huế tạo ra doanh thu khoảng 1 triệu đồng.

Nếu thực tế diễn ra đúng như điều ông Kỳ cho biết, và đúng cả với Huế (giả sử) thì, đêm, mỗi du khách tạo ra cho Huế 700.000 đồng. Năm 2018, Huế đón 4,1 triệu lượt khách, cứ thế nhân lên đã là một con số không hề nhỏ.

Tôi nghĩ rằng, con số 70% ông Kỳ, một nhà làm du lịch đầy kinh nghiệm đưa ra, chưa hẳn là một con số tuyệt đối, bất di bất dịch… nhưng điều ông muốn nhấn mạnh, có lẽ là, thời gian về đêm là một thời gian hết sức quan trọng đối với ngành du lịch (nghiệm trong thực tế ở Huế và nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn khác, chúng ta cũng thấy được điều này). Chúng ta khai thác hiệu quả khung thời gian này sẽ nâng cao được doanh thu của ngành du lịch. Mà muốn khai thác tốt thì phải tạo ra những sản phẩm du lịch về đêm, “nhử” cho khách phải tiêu tiền.

Chúng ta xem thử về đêm sản phẩm du lịch Huế có gì để tạo ra doanh thu? Lưu trú thì đúng rồi. Tuy nhiên, gói lưu trú phải chia cho cả ngày nữa. Cứ giả sử là 50 – 50, với ước chừng 2 ngày lưu trú bình quân/lượt  khách thì Huế đã thu cũng “bộn tiền”. Làm sao kéo du khách ở Huế lâu hơn, thì riêng khoản này chúng ta cũng đã tăng doanh thu đáng kể. Những năm gần đây, các cơ sở lưu trú ở Huế chẳng những tăng trưởng về số lượng mà còn chất lượng, nghĩa là, chúng ta thu cũng được nhiều tiền hơn và mang tính cạnh tranh hơn.

Đó là chuyện ở. Còn chuyện ăn, chuyện “chơi” và mua sắm thì sao?

Nhìn nhận một cách khách quan, những mảng này những năm gần đây có những chuyển biến đáng kể. Huế mọc lên nhiều nhà hàng, hàng quán, cửa hàng, cửa hiệu, những khu phố chuyên doanh, tuyến phố đi bộ… phục vụ cho những nhu cầu này. Tuy nhiên, có vẻ như nó đang thiên về phục vụ cho nhu cầu khách nội tỉnh, nội địa là chủ yếu. Gọi là khu phố Tây nhưng chủ yếu là “ta”. Dường như khách chỉ hưởng thụ việc ăn chủ yếu là gói gọn trong các khách sạn. Cũng chẳng sao, miễn là có được doanh thu từ việc phục vụ chuyện ăn cho du khách; nhưng nếu hình thành được những tuyến phố ẩm thực mang tính đặc trưng sẽ tốt hơn nhiều. Tôi có dịp đi du lịch một số nơi, thấy họ hình thành các khu chợ đêm rất nhộn nhịp, cũng là một cách để chúng ta học tập. Nghe bảo rằng, Huế đã có một dự án chợ đêm nhưng chưa biết bao giờ hình thành. Trước khi dự án này thực thi một cách bài bản, có lẽ thử nghiệm chợ đêm ở một không gian nào đó. Khu Thương Bạc chăng? Nơi đây đã hình thành lễ hội ẩm thực, hội chợ cũng khá nhộn nhịp mỗi khi tổ chức. Hay là nâng tầm chợ đêm cầu ngói Thanh Toàn?

Nhiều nước có một cách “chơi đêm” rất thu hút khách và thu bộn tiền đó là thưởng thức âm nhạc và nhạc nước. Âm nhạc thì chúng ta có một tài sản âm nhạc cung đình, ca Huế. Vấn đề là khai thác như thế nào cho có hiệu quả cao nhất mà thôi. Nhạc nước mang tính chất tầm cỡ thì có lẽ cũng cần nghĩ tới, dù biết nó rất khó.

Nếu đêm mà ít sản phẩm, có sản phẩm mà không hấp dẫn thì cũng khó mà tăng doanh thu. Những người làm du lịch Huế chắc thừa biết, Huế về đêm quan trọng như thế nào đối với du lịch. Điều ông Nguyễn Quốc Kỳ cung cấp, có lẽ cũng chẳng thừa. Nó cho chúng ta thấy “một cơ sở lý luận” và điều này cũng hết sức quan trọng.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động
Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp

Việc chưa đồng bộ thông tin về địa giới hành chính trong đăng ký kinh doanh với dữ liệu thuế từ Tổng cục Thuế đang gây một số khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình thực hiện đăng ký thay đổi địa giới hành chính trên giấy đăng ký kinh doanh.

Cần sớm đồng bộ thông tin doanh nghiệp
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

Những ngày này, các doanh nghiệp vừa tập trung sản xuất để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024, vừa tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động chuẩn bị hậu cần phục vụ người trực Tết; tổ chức trao quà Tết tặng cán bộ, công nhân viên; trợ cấp cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ vé xe cho người lao động ở xa về nhà đón Tết.

Doanh nghiệp tập trung sản xuất và chăm lo Tết cho người lao động

TIN MỚI

Return to top