ClockThứ Bảy, 16/11/2019 06:19

Tiếp sức cho phụ nữ khởi nghiệp

TTH - Nhiều chị em trên địa bàn TP. Huế được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế hỗ trợ, tiếp sức trong hoạt động khởi nghiệp, góp phần phát huy tiềm năng và sức sáng tạo trong sản xuất-kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập huấn thiết kế truyền thông cho sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạoTruyền thông hỗ trợ gì cho khởi nghiệp?

Một số hoạt động của Dự án “Giáo dục kỹ năng sống” từ ý tưởng của chị Nguyễn Thị Phương Thảo

Gắn trách nhiệm xã hội

Trong khu nhà sản xuất nhựa tái chế, chị Lục Thị Diệu Linh ở phường Thủy Biều đang tất bật cho công nhân bốc dỡ lên xe sản phẩm hạt nhựa để chuyển vào TP. Hồ Chí Minh.

“Cơ sở có được như thế này một phần từ số vốn vay hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ Hội LHPN tỉnh và TP. Huế. Tuy chỉ 40 triệu đồng, song nguồn vốn này cùng những lời động viên của hội là động lực lớn để đầu năm 2019 tôi mở rộng đầu tư, quyết định ra Cụm công nghiệp Tứ Hạ thuê đất sản xuất”, chị Linh cho biết.

Theo chị Linh, quá trình thực hiện dự án (DA), chị suy nghĩ phải gắn DA của mình với trách nhiệm xã hội, phong trào Ngày Chủ nhật xanh của tỉnh và cuộc vận động “5 không, 3 sạch” mà hội đang triển khai. “DA của tôi sẽ đến các tổ phụ nữ trong phường Thủy Biều để thu mua các đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa. Thay vì vứt vỏ nhựa ra ngoài lẫn lộn với rác sinh hoạt gây khó khăn cho vấn đề xử lý, nhiều chị đã “để dành”, sau đó tôi sẽ cho người đến tận nhà thu gom và vận chuyển ra xưởng làm nguyên liệu sản xuất. Số tiền từ việc bán phế liệu có thể làm nguồn thu cho quỹ hội”, chị Linh chia sẻ.

Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế Dương Thị Thu Thủy cho biết, DA thu gom nhựa phế liệu để tái chế là một trong số 73 DA từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp mà các cấp hội phụ nữ triển khai trên địa bàn TP. Huế. Các DA khởi nghiệp được hỗ trợ từ nhiều nguồn, có thể từ nguồn hội viên đóng góp với mức hỗ trợ không lãi suất đến các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, ngân hàng chính sách, nhà đầu tư... Trên thực tế, có những DA tuy mức hỗ trợ không nhiều, song lại rất ý nghĩa đối với những chị em bắt đầu triển khai ý tưởng khởi nghiệp quy mô nhỏ.

Nhân rộng mô hình khởi nghiệp

Năm 2019, để các ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của hội viên phụ nữ được hiện thực hóa, Hội LHPN TP. Huế đã thành lập và ra mắt Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ khởi nghiệp” với 27 thành viên. Mục đích của CLB nhằm giúp hội viên phụ nữ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong khởi nghiệp kinh doanh, qua đó nhân rộng mô hình khởi nghiệp của hội viên, tạo điều kiện cho các thành viên trong CLB có thể tham gia các lớp tập huấn, triển khai kế hoạch hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh phát động.

Qua 3 tháng triển khai, Hội LHPN TP. Huế đã tiếp nhận 8 ý tưởng tham gia hội thi với nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó đã có 5/8 ý tưởng được vào vòng chung khảo, 3/5 ý tưởng được vào vòng chung kết. Có thể kể ra một số ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng có ý nghĩa xã hội được đánh giá cao trong hội thi như: ý tưởng đoạt giải nhất “Dự án phát triển du lịch Sen Huế - Hue Lotus” của chị Dương Thị Thúy Hằng, Phó Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP. Huế; ý tưởng đoạt giải nhì “Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong thời công nghệ 4.0” của chị Nguyễn Thị Phương Thảo, hội viên phường Hương Long hay ý tưởng “Tái chế nhựa phế liệu” đoạt giải khuyến khích của chị Lục Thị Diệu Linh - hội viên phường Thủy Biều...

Theo chị Thu Thủy, ngoài hỗ trợ các DA khởi nghiệp, mô hình liên kết với các doanh nghiệp cũng được Hội LHPN TP. Huế triển khai hiệu quả. Khởi đầu là mô hình liên kết giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống của phụ nữ do Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt tại địa chỉ số 3 đường Hà Nội, từng bước xây dựng địa chỉ tin cậy về chuỗi sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ an toàn. Hiện tại cửa hàng có hơn 100 mặt hàng gồm rau, củ, quả, các loại nước uống và các loại bánh truyền thống Huế, một số sản phẩm của hội viên hai phường Kim Long và Hương Sơ...

Về phía cơ sở, Hội LHPN phường Phú Hậu có mô hình: “Tổ liên kết đào tạo nghề và sản xuất hàng may mặc”, từ ngày thành lập đến nay đã đào tạo nghề cho 15 cán bộ, hội viên và con em các chị. Hội LHPN phường Thủy Xuân với mô hình “Tổ liên kết Hương Trầm Thủy Xuân” với 10 thành viên tham gia, từ ngày ra mắt đến nay thương hiệu này ngày càng phát triển, sản phẩm làm ra tăng từ 10- 15%, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra một số tỉnh lân cận...

Thực tế, để một người khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công đã rất khó, với người phụ nữ thì công việc này khó hơn. Bởi kinh doanh khởi nghiệp không phải chỉ thích là làm, mà còn tổng hợp nhiều yếu tố khác như ý tưởng, phương pháp thực hiện, nguồn lực - con người - tài chính... Để kết hợp được các yếu tố này, đòi hỏi phải có kiến thức thực tiễn, chuyên môn, kỹ năng và đặc biệt đó là sự quyết tâm, mạnh dạn, đam mê, ham học hỏi. Những kỹ năng này cần được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành để tạo động lực, truyền cảm hứng cho phụ nữ nhằm biến những ý tưởng đó thành hiện thực và thành công.

Bài, ảnh: QUANG PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trên hành trình khởi nghiệp

Toàn tỉnh có gần 1.000 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Trên hành trình khởi nghiệp, những hội viên, phụ nữ luôn được các cấp hội đồng hành, hỗ trợ...

Trên hành trình khởi nghiệp
Khởi nghiệp xuất sắc

Giữa vùng đất Lăng Cô (Phú Lộc) tiềm năng, “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” toàn quốc Nguyễn Anh Khôi đang viết tiếp câu chuyện tuổi trẻ bằng ngọn lửa của sự sáng tạo và cống hiến.

Khởi nghiệp xuất sắc
Sen Huế & trà sữa

Từ khát khao phát triển một sản phẩm gắn liền với đặc sản Huế, cô gái trẻ tốt nghiệp Trường đại học Luật, Đại học Huế Nguyễn Thị Tường Vy, đã nghiên cứu và tìm tòi đưa hương vị sen Huế vào trà sữa - món đồ uống yêu thích của giới trẻ.

Sen Huế  trà sữa

TIN MỚI

Return to top