ClockThứ Sáu, 24/12/2021 06:49

Giúp người dân phân loại rác đúng cách và giảm rác nhựa

TTH - Quý 2/2022, sẽ có một Trung tâm Thông tin môi trường dành để truyền thông, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa với nhiều hoạt động sinh động, bài bản do Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) - Việt Nam cùng thống nhất thiết kế xây dựng. Người dân vừa có cơ hội học hỏi, trải nghiệm và thực hành vào cuộc sống.

Ít dùng và phân loại rác là thượng sách để giảm rác nhựaNỗ lực giảm rác thải nhựaChống rác nhựa theo nguyên tắc “Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng”

HEPCO vừa tuyên truyền kết hợp thực hành phân loại rác trong quá trình gom nhặt rác

Xuất phát từ thực trạng chung

Thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng đã và đang đối mặt với áp lực do môi trường mang lại, nhất là lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng. Trong khi đó, việc thu gom và xử lý rác thải vẫn chưa phát huy được hiệu quả tối đa do chất thải rắn không được phân loại tại nguồn, khiến lượng rác thải tái chế thấp hơn nhiều so với tiềm năng của nó. Điều này một phần do nhận thức, thái độ và hành vi của người dân trong việc phân loại chất thải rắn nhằm giảm lượng rác thải bỏ, tăng các loại rác thải tái chế còn hạn chế. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy khiến môi trường đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.

Đối phó với thực trạng này, cùng với các thành phố khác tại Việt Nam, Thừa Thiên Huế đang có nhiều hoạt động thiết thực trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09 ngày 2/3/2021 về tăng cường quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và TP. Huế xây dựng kế hoạch, kế hoạch tự kiểm tra về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong đơn vị, đơn vị trực thuộc và thực hiện một số các hoạt động cụ thể như: tiếp tục phát huy, lan tỏa phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

Mới đây, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam ký kết được khởi động thực hiện tại Thừa Thiên Huế là tín hiệu vui nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, hoạt động về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa mà chính quyền địa phương đề ra, nhất là cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ tại Chỉ thị 09 của UBND tỉnh.

Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Kết quả mong đợi là đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.

Nhiều mô hình thí điểm phân loại rác trên địa bàn TP.Huế được khởi động

Thành lập “Trung tâm Thông tin môi trường”

Hiện tại giữa PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì) và HEPCO đang triển khai chương trình truyền thông “Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”. Tại TP. Huế, chương trình sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tới các hộ gia đình, cơ quan, trường học và truyền thông gián tiếp qua các tin bài đăng trên truyền hình, website, fanpage, báo in, báo điện tử, đồng bộ với chương trình kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn của UBND TP. Huế.

Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân biết cách phân loại rác và giảm phát thải rác nhựa một cách hiệu quả nhất, đồng thời phục vụ cho Kế hoạch 1729 của UBND TP. Huế về tổ chức, triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Huế, WWF - Việt Nam đồng hành cùng với HEPCO thiết kế xây dựng Trung tâm Thông tin môi trường.

Trung tâm được thiết kế nhằm hướng tới các đối tượng là cộng đồng người dân, các học sinh, các tiểu thương và các tổ chức, đoàn thể xã hội sinh sống trên địa bàn TP. Huế. Trung tâm Thông tin môi trường gồm 3 khu vực chính: khu thông tin ở trong nhà, khu trưng bày và khu trải nghiệm/tương tác. Trong đó, khu thông tin cung cấp các thông tin về thành phần các loại rác thải (rác hữu cơ/rác xanh, thủy tinh, rác tái chế…), tác hại của một số loại rác thải và cách phân loại chất thải rắn thành 4 loại như Kế hoạch 1729 của UBND TP. Huế. Khu trưng bày triển lãm các hình ảnh, tư liệu và trình chiếu video về phân loại rác tại nguồn, các sáng kiến tái chế rác thải nhựa, các posters, sổ tay hướng dẫn và quy trình hướng dẫn bằng mô hình 3D, các hình ảnh vẽ trên tường…

Khu trải nghiệm hướng dẫn khách tham quan tự phân loại rác theo các thành phần: hữu cơ, rác tái chế, thủy tinh và rác nguy hại, rác khác. Ngoài ra, khu này còn cung cấp thêm các dịch vụ như: hướng dẫn thiết kế và làm các sản phẩm tái chế…

Sau khi Trung tâm Thông tin môi trường đưa vào hoạt động (dự kiến tháng 4/2022), hàng tuần sẽ tổ chức và tiếp nhận các đoàn tham quan và trải nghiệm học tập về phân loại rác tại nguồn ở trung tâm. Hàng quý, thực hiện các “Điểm tiếp nhận xanh”, “Đổi rác lấy quà” tại trung tâm với sự phối hợp của đoàn thanh niên và lồng ghép với chương trình Ngày Chủ nhật xanh. Trong quá trình hoạt động, trung tâm còn tổ chức 2 hoạt động, sự kiện ngoài trời, cuộc thi vẽ tranh tại trung tâm cho các nhóm học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. Huế về phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh (ĐTVM)” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh (nay là thành phố Huế) phát động, sự đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền.

Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn

Từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (PLCTRSH) là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình, nếu không phân loại theo quy định, người dân sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn
Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Ngày 27/12, một người dân (ông V.) ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) đã tự nguyện giao nộp vũ khí cho lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Một người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

TIN MỚI

Return to top