ClockChủ Nhật, 17/09/2023 09:17
THỰC TIỄN HÓA SẢN PHẨM KHOA HỌC:

Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía

TTH - Hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) được thực hiện, được nghiệm thu trong những năm qua nhưng ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm hàng hóa thì vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Làm thế nào để kết quả NCKH không bị “để quên” vẫn còn là bài toán khó. Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội).

Trò chuyện về biến đổi khí hậu 86 đề tài tham gia hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên Trường đại học Y - Dược Huế

 TS. Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Thừa Thiên Huế

Trước tiên xin chúc mừng ông vừa được tín nhiệm trên cương vị mới. Thưa ông, là một nhà nghiên cứu kỳ cựu, chắc hẳn ông cũng có những trăn trở về vấn đề này?

Thực ra, cũng không hẳn là trăn trở khi đứng trên phương diện là người làm công tác NCKH và hỗ trợ NCKH cho các trí thức và nhà nghiên cứu. Đề tài NCKH tự bản thân nó đã là một công việc mang tính rủi ro khi chỉ nhìn khía cạnh thành công của nghiên cứu mà không chấp nhận cả 2 khía cạnh khác của NCKH là độ trễ và sự thất bại. Trong đó, sự chờ đợi để chuyển giao được kết quả NCKH từ phòng thí nghiệm hoặc thực hiện trên mô hình nhỏ sang mô hình sản xuất thông thường, cần sự cộng hưởng từ nhiều hướng như từ nhà đầu tư, tính đồng bộ của các nghiên cứu phụ trợ, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Nhiều nghiên cứu được xác định có hiệu quả rất cao nhưng vẫn còn nhiều lý do khác nhau đành chưa phát triển ngay được. Trên thực tế còn có nhiều nghiên cứu không đạt được kỳ vọng hoặc đáp ứng được mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Về mặt khoa học đó vẫn là kết quả và có giá trị tham khảo rất cao, nhưng với xã hội và thị trường sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) thì đó không phải là sản phẩm và được coi như sự thất bại.

Theo ông, vấn đề là do đâu?

Thực tế, nhiều đề tài NCKH thành công về mặt đáp ứng mục tiêu nghiên cứu nhưng vẫn chưa đưa ra áp dụng trong thực tế, ngoài yếu tố độ trễ hoặc thất bại còn phụ thuộc các vấn đề khác như chưa đúng thời điểm rơi của nhu cầu thị trường hoặc đã qua khỏi nhu cầu cần có của thị trường. Các kết quả NCKH đó trở thành lỡ nhịp đáp ứng được kỳ vọng của xã hội và thị trường. Điều không may là trong NCKH, sự thất bại lại có tần suất xuất hiện không ít. Cần xác định sản phẩm NCKH là một loại hàng hóa đặc biệt thì để hàng hóa được sử dụng phải có được đầy đủ thông tin từ cả 2 phía, cung là nhà NCKH và cầu là đối tượng sử dụng kết quả NCKH, mà doanh nghiệp là ví dụ điển hình.

 Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao để tạo ra sản phẩm phục vụ cuộc sống (trong ảnh: Đề tài nghiên cứu cây lưỡi hổ tạo ra sản phẩm sợi)

Như vậy, các vấn đề NCKH để được sử dụng ngay và đưa vào thị trường sản phẩm NCKH thì các đề tài khoa học phải giải quyết được những vấn đề mà thị trường đang thực sự cần và kết quả NCKH phải được chuyển giao đúng thời điểm và ở mức giá cả thỏa thuận phù hợp. Nên, có 2 lý giải, hoặc là kết quả nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường, hoặc đề tài có giá trị cao, nhưng chưa tìm được thị trường hoặc đối tượng cầu tương ứng.

Vậy làm thế nào để khắc phục những điểm yếu như ông phân tích?

Có thể thảo luận vấn đề khắc phục từ 2 hướng. Thứ nhất, các đề tài khoa học từ thực tế và nhu cầu của người cần dùng, gọi tắt là bên cầu. Các vấn đề của bên cầu phải được hệ thống hóa và nâng cấp trở thành một vấn đề cần được giải quyết để mời bên cung là nhà khoa học tham gia giải quyết. Các đề tài NCKH này hiện nay một số được thực hiện theo đặt hàng. Các nhóm đề tài phát sinh từ bên cầu thường được áp dụng ngay và không thuộc phạm trù đã nêu. Nếu có, thì vấn đề thuộc về bên cầu vì đã đưa ra yêu cầu không đúng với thực tế hoặc bên cầu không biết mình muốn gì để nêu vấn đề kêu gọi NCKH. Ở các tập đoàn, tổ chức doanh nghiệp lớn, các nhu cầu NCKH được đặt ra và được giải quyết bởi nội bộ các nhà khoa học bên trong tổ chức thông qua phòng/ban nghiên cứu KHCN. Nếu bên trong tổ chức không thể nghiên cứu được thì họ kêu gọi sự hỗ trợ của các chuyên gia bên ngoài.

Hướng giải quyết thứ hai, các đề tài mang tính đột phá, dự báo hoặc vượt tầm mà chúng ta thường thấy khá nhiều trong thời gian hiện nay như AI, Machine learning, deep learning... thường cần một thời gian để đồng bộ từ trang thiết bị, nhân lực, tài chính để có thể phát triển được. Thông thường khi đã được đưa vào ứng dụng bởi một bên cầu nào đó sẽ tạo được sự đổi mới mang tính hệ thống và khác biệt và dĩ nhiên thường có giá trị kinh tế rất cao.

Tóm lại, nếu không có nhiều nguyên nhân khác thì để khắc phục hiện tượng các sản phẩm KHCN đang “bị lãng quên”, các đề tài khoa học đó phải được thực hiện trên nhu cầu thực, có đối tượng và địa chỉ áp dụng cụ thể. Mục tiêu NCKH cũng phải được chứng minh thời hạn ứng dụng ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn để không bị quá hạn sử dụng kết quả NCKH. Các vấn đề cần nghiên cứu phải được phát triển từ lực lượng trí thức, người lao động, người địa phương. Các vấn đề đó phải được tiếp nhận một cách trung thực và khách quan để được hệ thống hóa và xử lý bởi lực lượng NCKH chuyên nghiệp nhằm xây dựng được các chủ đề, dự án, đề tài, nhiệm vụ cụ thể.

Tất nhiên vẫn có những nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn rất thành công. Vậy nhờ đâu mà có được kết quả này?

Thực ra, đa số các kết quả NCKH đã được ứng dụng vào thực tiễn rất thành công để có được kết quả như ngày hôm nay. Ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể thấy được ứng dụng sản phẩm KHCN từ các nhà khoa học vào thực tế. Những sản phẩm được ứng dụng rộng rãi hiện nay hoàn toàn được phát sinh từ các vấn đề nảy sinh trong quá trình nghiên cứu và được thực hiện thành công để có sản phẩm ứng dụng ngay trong thực tế.

Theo ông, đội ngũ những nhà nghiên cứu khoa học đang cần gì từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hay nên “tự thân vận động” ra sao?

Khi có đề tài nghiên cứu, chủ đề nghiên cứu thì tài chính sẽ là vấn đề nảy sinh tiếp theo để có nguồn lực giải quyết nhu cầu NCKH. Quỹ NCKH cần linh hoạt hơn, bao gồm nguồn quỹ từ ngân sách Nhà nước và các nguồn quỹ từ dòng vốn khác, như: vốn NCKH của doanh nghiệp, vốn tài trợ hoàn lại và không hoàn lại của các tổ chức trong và ngoài nước hoặc tư nhân để hỗ trợ giải quyết ngay được khi có vấn đề KHCN phát sinh. Đối với các đề tài phát sinh thực sự từ thực tế thì giá trị của nó cũng đã được tính toán bởi các đối tượng có nhu cầu tiếp cận sản phẩm, nên việc xử lý nguồn vốn cũng sẽ có những giải pháp tương ứng. Các kết quả NCKH vì thế sẽ được công nhận một cách linh hoạt hơn bởi cơ quan chức năng để xác lập công nhận kết quả khoa học kỹ thuật và công nghệ theo quy định.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách cấp cho các đề tài KHCN cấp tỉnh và các cấp tương đương thì Liên hiệp Hội sẽ vận dụng các nguồn lực để phát triển quỹ sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm giới thiệu nguồn vốn nghiên cứu KHCN linh hoạt hơn đến các nhà khoa học để họ tiếp cận và sử dụng có hiệu quả tốt nhất. Các cuộc thi, hội thi hàng năm do Liên hiệp Hội tổ chức đã góp phần đáng kể công nhận sản phẩm KHCN và giới thiệu sản phẩm KHCN đến đối tượng cầu của thị trường KHCN cũng là cách để giảm thời gian chờ của các sản phẩm KHCN đến với thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Thương (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

Ở Thừa Thiên Huế, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không chỉ tính bằng tiền mà giá trị mang lại đã thể hiện chất xám, trí tuệ được cộng hưởng gấp bội lần để làm giàu cho xã hội không chỉ ở phạm vi địa phương…

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hoàn thiện các dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các dự luật, những vấn đề người dân, doanh nghiệp thấy còn vướng mắc cần tháo gỡ để hoàn thiện các dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Hoàn thiện các dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

TIN MỚI

Return to top