ClockThứ Hai, 13/04/2020 06:00

Hiệu quả “tưới từ ngọn” cho thanh trà

TTH - Việc cải tiến hệ thống béc phun mưa tưới cây thanh trà của ông Nguyễn Vinh (thôn Buồng Tằm, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy) góp phần nâng cao năng suất loại cây trồng này và nhân rộng cách tưới mới cho nhiều hộ dân.

27 nhà vườn tranh tài hội thi thanh tràThanh trà “xanh”

Kiểm tra hệ thống nước lấy từ bể chứa trước khi tưới cho thanh trà

“Du nhập” kỹ thuật 

Được hưởng “đặc ân” đất phù sa từ sông Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương), Dương Hòa vốn nổi tiếng với cây thanh trà được trồng khá nhiều ở các thôn Buồng Tằm, Hạ, Hộ, Thanh Vân. Tuy nhiên, nhiều năm nay, năng suất cây thanh trà vùng này còn “lẹt đẹt”, do một số diện tích nằm ở triền đất cao thiếu nước tưới, chủ yếu canh tác “nhờ trời”.

Năm 2017 nắng nóng khốc liệt khiến nhiều hộ dân trồng thanh trà tìm đến giải pháp khoan giếng ngầm để có nước tưới. Từ đây, “đoàn quân” đào giếng thuê từ Đắc Lắc ra đã mang hệ thống tưới bằng béc phun mưa từ trên cao (ứng dụng cho cây cà phê) ra “giới thiệu” với bà con trồng thanh trà.

Ông Nguyễn Vinh, một nông dân thôn Buồng Tằm kể: “Đợt đó mấy người ra khoan giếng ngầm lưu lại nhà tôi cả tháng vì giếng khoan xuống toàn gặp cát không hút được, phải đổi nhiều vị trí khoan khác nhau. Họ giới thiệu hệ thống béc phun mưa, từ mô tả của họ mình thấy sẽ hiệu quả khi ứng dụng cho cây thanh trà nên đồng ý mua một bộ về cải tiến dần mới dùng hiệu quả như ngày hôm nay”.

Ban đầu, ông Vinh với ý định khoan giếng ngầm, đào bể chứa rồi dùng bơm đẩy nước từ khoảng 50m dưới giếng lên bể. Sau đó dùng bơm chuyền kéo ống đi từng gốc thanh trà. Theo cách tưới truyền thống này, nước sẽ tưới từ gốc cây, rất mất công sức nhưng hiệu quả không cao. “Cứ 2 ngày mình phải tưới một lần, kéo ống đi hơn 100 gốc thanh trà (diện tích vườn 6.000m2) thì rã rời chân tay. Bây giờ chỉ ngồi trong nhà, bật công tắc điện là…xong”, ông Vinh nói.

Khi nhập béc phun mưa về, ông cải tiến cần đỡ từ 2,5m lên 8-10m, tùy địa hình trồng cây thanh trà. Béc phun được đặt đầu gió để có thể “phát tán” nước đi xa các vùng xung quanh. Với 2 hệ thống béc phun hiện nay, ông có thể tưới cho diện tích 800-1.000m2 cây thanh trà. Ông Vinh còn có máy “tét” dư lượng nước trước khi tưới.

Dùng béc phun mưa đẩy nước lên cao đòi hỏi máy bơm có công suất lớn, với điều kiện kinh phí của các hộ nông dân không thể đầu tư máy móc lớn, ông Vinh cải tiến hệ thống dẫn nước với khóa cơ học để ưu tiên tưới nước từng vùng,không tập trung tưới một lần vì máy không đủ công suất. Với hiệu quả bước đầu, hiện nay ông Vinh đang đầu tư thêm ống để làm thêm từ 2-3 béc phun nữa mới đủ tưới những diện tích thanh trà còn lại.

“Tính ra chi phí từ đào giếng, đào bể chứa lót bạt, đầu tư 2 máy bơm, hệ thống ống dẫn nước, tất thảy khoảng 70 triệu đồng, kinh phí khá lớn đối với bà con nông dân. Nhưng đầu tư một lần mà dùng mãi mãi. Cái cốt yếu là tiết kiệm sức lao động và nâng cao hiệu quả, năng suất cây trồng. Thực tế sau 3 năm tôi sử dụng và nhiều bà con trong thôn ứng dụng mô hình tưới mới này, năng suất và chất lượng quả thanh trà nâng lên rõ rệt”, ông Vinh khẳng định.

Nâng cao năng suất, chất lượng

Phân tích các “điểm lợi” khi sử dụng hệ thống tưới bằng béc phun cải tiến của ông Nguyễn Vinh, ông Lê Đành, Chủ tịch HND xã Dương Hòa cho rằng, cách tưới mới này rất phù hợp với vùng đất triền cao, nhiều địa hình phức tạp như ở Dương Hòa, trong đó có ứng dụng cho cây thanh trà.

Theo ông Đành, cách tưới béc phun là tưới từ trên ngọn cây, trên lá khác với cách tưới truyền thống ở dưới gốc. Các phân tích khoa học cho thấy cùng một lượng nước nhưng khi tưới trên lá sẽ hiệu quả hơn tưới dưới gốc, đặc biệt trong giai đoạn thanh trà trổ hoa, cho quả.

Ngoài tiết kiện được thời gian, công sức người lao động còn nâng cao năng suất, chất lượng cây thanh trà và trong quá trình tưới, các chế phẩm dùng cho cây thanh trà có thể hòa ngay với nước tại bể.

Theo tính toán của HND cũng như của người trồng, việc ứng dụng béc phun năng suất sản lượng, chất lượng quả cây thanh trà nâng lên rõ rệt, quả đạt từ 150-200kg/cây, thay vì chỉ 60-70kg/cây như trước đây. Thu nhập bình quân đạt 250-400 triệu đồng/ha thay vì chỉ 100-150 triệu đồng/ha như trước đây.

“Hiện nay đã có 10 hộ dân trên địa bàn xã ứng dụng cách tưới mới từ mô hình của ông Nguyễn Vinh cho thấy hiệu quả rất cao. Để nhân rộng mô hình hơn nữa, sắp đến HND xã sẽ làm đề án đề xuất HND tỉnh quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân đầu tư sử dụng hệ thống tưới bằng béc phun cho cây thanh trà. Phối hợp thành lập chi hội sản xuất, kinh doanh thanh trà, tiến tới tham gia hiệp hội thanh trà Huế do HND xã chủ trì. Quy hoạch từ đây cho đến năm 2025,  tại địa phương sẽ phát triển thêm 20 ha cây thanh trà, bưởi da xanh tại khu vực bên triền sông Tả Trạch (khu vực Lương Miêu cũ), khi đó áp dụng cách tưới mới này sẽ nâng cao chất lượng, sản lượng cho cây thanh trà”, ông Đành cho biết thêm.

Toàn xã Dương Hòa có 49,5 ha thanh trà của 189 hộ tham gia trồng. Trong đó, khoảng 22 ha đang cho thu hoạch và 27,5 ha cây còn nhỏ gồm thanh trà và bưởi da xanh.UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế TX. Hương Thủy rà soát, chọn 22 hộ dân tham gia dự án trồng thanh trà năm 2019 với diện tích 2 ha và đang chọn hộ thực hiện dự án 10 ha. Trong đó, diện tích trồng mở rộng phân tán 5 ha và diện tích cải tạo vườn 5 ha thuộc chương trình nông thôn mới do thị xã làm chủ đầu tư.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện

Cùng với việc khẩn trương thực hiện các đề án để sáp nhập hai huyện Phú Lộc và Nam Đông theo Nghị quyết (NQ) số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Phú Lộc cũng đang triển khai các kế hoạch để tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và đảm bảo hoạt động hiệu quả sau khi sáp nhập huyện.

Tinh gọn bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động sau sáp nhập huyện
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Thanh tao mứt vỏ thanh trà

Tôi nhớ lần đầu tiên mình thử món ăn này là vào Lễ hội Thanh trà Thủy Biều 2022, tôi đi giữa những gian hàng màu xanh óng ánh, lúc lại vàng ươm của loại trái cây đặc sản này. Khi ra về, tôi chọn cho mình một túi mứt vỏ thanh trà nho nhỏ. Cho đến giờ, hương vị của thức quà mộc mạc ấy vẫn còn vương mãi.

Thanh tao mứt vỏ thanh trà
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TIN MỚI

Return to top