ClockThứ Bảy, 06/04/2024 06:34

Cơ hội thu hút đầu tư nhìn từ quy hoạch tỉnh

TTH - Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là nền tảng, mở ra rất nhiều dư địa để thu hút đầu tư. Từ những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cùng với chiến lược hoàn thiện hạ tầng trong từng giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy “miền đất lành” để đầu tư, phát triển.

Giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạnThu hút đầu tư, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ngành công nghệ thông tin Hoàn thiện khung hạ tầng, thu hút đầu tư

 Lãnh đạo tỉnh tham quan nhà máy Scavi Huế 2 tại Khu Công nghiệp Phong Điền được khánh thành ngày 12/3/2024

Kêu gọi đầu tư trên tất cả các lĩnh vực

Trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, đồ án này đã trải qua rất “nhiều vòng” góp ý, thẩm định của các cơ quan Trung ương, chuyên gia. Từ những “hiến kế” cho thấy, nhiều cơ quan, chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đó không chỉ là một thành phố di sản đã được bảo tồn cho đến hôm nay, mà còn hệ thống hạ tầng đang được hoàn thiện. Từ tiềm năng hạ tầng thực có của địa phương, như: Cảng nước sâu Chân Mây, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp, đầm phá Tam Giang… đến hạ tầng thuộc diện “Trung ương quản lý” như, Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam…

Các chuyên gia cho rằng, đây là lợi thế để thu hút đầu tư của Thừa Thiên Huế. Và thực tế, từ những nền tảng này, tỉnh đã thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư trong những năm qua.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tỉnh đã cấp mới 25 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 9.374,1 tỷ đồng. Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp cấp mới 11 dự án đầu tư, với vốn đăng ký 4.084,4 tỷ đồng; ngoài địa bàn Khu kinh tế, công nghiệp cấp 14 dự án, với vốn đăng ký 5.289,7 tỷ đồng.

Hiện nay, các dự án đã triển khai trên địa bàn tỉnh tạo động lực phát triển lớn. Điển hình như, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế… Tiến độ nhiều dự án lớn cũng được đảm bảo. “Năm 2024, trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ khởi công thêm nhiều dự án khác, đồng thời một số dự án lớn sẽ đi vào hoạt động. Đây là tín hiệu rất đáng mừng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh”, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Hữu Thùy Giang cho biết.

Có một điều dễ dàng nhận diện, bên cạnh sự chuyển động của chính quyền tỉnh trong hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư… thì việc cải thiện môi trường đầu tư luôn được tỉnh quan tâm. Cú “lội ngược dòng” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), điểm số tăng dần qua các năm cho thấy điều đó. Mới đây, Thừa Thiên Huế cũng là địa phương dẫn đầu về chỉ số PAPI năm 2023.

“Để đạt được kết quả tối ưu trong công tác xúc tiến đầu tư, hàng năm, tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và đưa ra quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc đẩy mạnh kêu gọi đầu tư nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ; coi trọng công tác phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tạo môi trường thuận lợi”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

 Theo Quy hoạch tỉnh, Cảng nước sâu Chân Mây sẽ trở thành động lực phát triển rất lớn trong tương lai

Mở ra dư địa lớn

Hiện nay, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là cơ hội để Thừa Thiên Huế tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, quy hoạch cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh.

Đồ án quy hoạch đã cụ thể hóa rất nhiều nội dung, “phác thảo” hình hài của một thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai. Trong đó, định hướng về phát triển cơ sở hạ tầng các vùng trọng điểm mở ra dư địa lớn trong thu hút đầu tư.

Theo quy hoạch, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm các đường lăn, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng dân dụng và sân đỗ máy bay đáp ứng công suất khai thác 7 triệu hành khách/năm, 200.000 tấn hàng hóa/năm (hoặc lớn hơn khi có nhu cầu); nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; hình thành cảng cạn ICD kết nối với cảng hàng không, cảng biển. Đến năm 2050, xây dựng thêm đường cất hạ cánh; hạ tầng đồng bộ đạt công suất 12 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn Quốc gia Bạch Mã và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch; Khu bến  Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; Khu bến Thuận An đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn; Khu bến Phong Điền đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn…

Trong tiến trình phát triển đô thị, quy hoạch cũng định hướng vùng Tây Bắc sẽ xây dựng đô thị trung tâm Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; Vùng Đông Nam phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III - một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô tạo động lực phát triển đột phá của vùng, cửa ngõ phía nam kết nối với Đà Nẵng, cửa ngõ ra biển các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Đáng chú ý là việc xây dựng Cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; gắn với Cảng Liên Chiểu Đà Nẵng và hệ thống đấu nối giao thông quốc gia với các đường bộ trở thành trung tâm logistics xanh của vùng và quốc gia.

Tại các khu công nghiệp, xây dựng trung tâm phát triển ngành dệt may, phát triển công nghiệp thời trang; công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, hóa dầu;... Các nhà máy trong khu công nghiệp được định hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, tiết kiệm. Đây là nền tảng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Việc hoàn thiện hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, công nghiệp sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu”, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Hôm nay (6/4), tại Nhà hát Sông Hương (số 1 Lê Lợi, TP. Huế) sẽ diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư năm 2024. Bên lề hội nghị sẽ có các hoạt động như, khởi công Bệnh viện Quốc tế II, khởi công bến số 4 và số 5 Cảng Chân Mây, khánh thành Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn.
Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1

Ngày 7/1, chủ đầu tư dự án Osaka Huế thông tin, đơn vị đã nhận giao đất đợt 1 để đầu tư thực hiện dự án khu dân cư tại khu quy hoạch LK8, LK9, CX11 và CC5 thuộc khu A, Khu đô thị mới An Vân Dương, thành phố Huế.

Dự án Osaka Huế nhận bàn giao mặt bằng đợt 1
Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư

Trên địa bàn thành phố Huế hiện có 8 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên. Nhiều âu thuyền nhỏ, vũng neo đậu tự nhiên ở các vùng ven biển, đầm phá đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến việc phát triển hậu cần nghề cá và du lịch địa phương.

Nhiều âu thuyền, vũng neo cần được đầu tư
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Tận dụng cơ hội & vượt qua thách thức

Đúng 20 ngày sau khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và 10 ngày trước khi lễ công bố được tổ chức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) tổ chức Tọa đàm khoa học "Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của thành phố Huế trực thuộc Trung ương". Tôi nghĩ, đó là một việc làm cần thiết khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của Việt Nam chọn con đường dựa vào nền tảng văn hóa, di sản để phát triển.

Tận dụng cơ hội  vượt qua thách thức

TIN MỚI

Return to top