ClockThứ Sáu, 11/10/2024 14:59

Chưa triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn

TTH.VN - Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn một số tồn tại như chưa triển khai việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đồng bộ ở các địa phương, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi và thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu.
  1. Ngày 11/10, tại phường Thuận An, TP. Huế, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với UBND TP. Huế tổ chức “Hội nghị phổ biến mô hình điểm về thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu rác thải nhựa dựa vào cộng đồng”.
Hội nghị thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương 

Điểm sáng cơ sở

Tại phường Thuận An (TP. Huế), ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường cho biết, nhằm nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa, UBND phường thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, PLRTN và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Vận động bà con nhân dân, nhất là các tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông và thay vào đó là các giỏ nhựa khi đi chợ.

Theo đó, đã cấp phát giỏ nhựa đi chợ cho bà con nhân dân với 329 giỏ để hạn chế sử dụng túi ni lông và cấp phát thùng rác phân loại rác tại nguồn cho 326 hộ dân. Phối hợp với các ban ngành đoàn thể phường tổ chức triển khai một số mô hình dân vận khéo và tổ chức ra quân "Ngày Chủ nhật xanh" với 36 đợt/1.425 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội đã tập huấn cho hơn 100 lượt người về hướng dẫn phân loại, thu gom rác tại nguồn, ứng dụng vi sinh trong xử lý rác hữu cơ tại gia đình.

Phường đã thành lập câu lạc bộ “Sống xanh vì cộng đồng”, kiện toàn và đi vào hoạt động câu lạc bộ “Ngư dân trẻ vươn khơi bám biển”, với các việc làm cụ thể như phát tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa tại cộng đồng dân cư và các chợ dân sinh. Phối hợp tham gia các hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh" gắn với mô hình “60 phút sạch nhà đẹp ngõ” trên địa bàn phường.

Cũng theo ông Đào Quang Hưng, quá trình phát triển đô thị, du lịch, dịch vụ… đã làm gia tăng khối lượng chất thải nói chung và chất thải rắn nói riêng. Tại các khu vực chợ và một số điểm công cộng trong khu dân cư tập trung, rác thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Người dân, các tổ chức đoàn thể tham gia trồng cây xanh ở bãi biển 

Còn nhiều khó khăn

Tại hội nghị, bà Đoàn Thị Minh Phượng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Dịch vụ truyền thông TN&MT (Trung tâm Truyền thông TN&MT), cho biết, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm hưởng ứng của các bộ, ngành và mọi tầng lớp nhân dân. Vì vậy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nội dung chống rác thải nhựa, trồng cây xanh, PLRTN là những hoạt động cụ thể, thiết thực cần được triển khai và nhân rộng.

Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN&MT, sau 3 năm Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và có hiệu lực, hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877 tấn/ngày, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày.

Năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển trên toàn quốc đạt 88,34%, tại đô thị đạt 96,60%, tại nông thôn đạt 77,69%. Cả nước có 1.548 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó 340 cơ sở đốt (chiếm 21,96%), 30 cơ sở xử lý thành mùn/phân hữu cơ (chiếm 1,94%), 1.178 cơ sở chôn lấp (chiếm 76,10%), nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Sau hội nghị, các đại biểu, người dân tham gia dọn dẹp rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trưởng ở bãi biển Thuận An 

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quy định mới nhất về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có các hoạt động liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh đạt 96,8%. Hạ tầng xử lý rác thải hiện nay đã đáp ứng nhu cầu trên toàn tỉnh. 

Bà Đoàn Thị Minh Phượng cho rằng, thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của pháp luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quy định liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn một số tồn tại. Theo đó, chưa triển khai PLRTN đồng bộ tại các địa phương, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn và miền núi, thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu, thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng rác thải kéo dài gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu. Bên cạnh đó, trong công tác xử lý, công nghệ chôn lấp vẫn là chủ yếu (76,10%), nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn từ khu vực tư nhân còn khiêm tốn.

Tại hội nghị, các địa biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề giới thiệu các quy định và hướng dẫn về giảm rác thải nhựa và PLRTN, thu gom, vận chuyển xử lý rác sinh hoạt theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. Giới thiệu một số mô hình PLRTN, giải pháp giảm thiểu, tái chế, xử lý tại chỗ rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức các phong trào hoạt động nói không với rác thải nhựa và nội dung phân loại rác tại nguồn tại TP. Huế.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

HĐND quận Thuận Hóa, Phú Xuân:
Thảo luận và thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Chiều 3/1, HĐND quận Thuận Hóa tổ chức hội nghị đại biểu HĐND quận lần thứ nhất, khóa I, nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhằm xem xét một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền, đồng thời thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ( KT-XH) và một số nội dung quan trọng khác.

Thảo luận và thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

TIN MỚI

Return to top