|
Cán bộ thuế hướng dẫn doanh nghiệp cập nhật thông tin địa giới hành chính |
Đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu
2025 được thành phố xác định là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, phát triển xứng tầm thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Các mục tiêu kế hoạch phát triển cũng được thành phố điều chỉnh với kỳ vọng tạo sự bứt phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị kết sổ niên độ của liên ngành tài chính năm 2024, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, nhiệm vụ trong năm 2025 thành phố đề ra tốc độ tăng trưởng GRDP là 8,5 - 9%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 11-12% so với thực hiện năm 2024. Tuy nhiên, thành phố Huế phải phấn đấu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 2 con số; tăng thu ngân sách để đảm bảo cân đối được ngân sách.
Đây là mục tiêu khá nặng nề bởi mục tiêu tăng trưởng 2 con số hay cân đối được ngân sách không dễ thực hiện khi quy mô nền kinh tế của Huế vẫn khá khiêm tốn. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài tận dụng các lợi thế chính sách khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành phố cần ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa. Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị xuất khẩu lớn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.
Linh hoạt các giải pháp
Một trong những lợi thế lớn mà Huế sở hữu chính là du lịch, dịch vụ. Để tận dụng tối đa tiềm năng này, thành phố cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng các sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn hơn. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ sẽ giúp Huế trở thành điểm đến lý tưởng hơn, đặc biệt là với các du khách quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, không chỉ là tham quan di tích mà còn bao gồm các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa để thu hút nhiều nhóm đối tượng du khách khác nhau. Thực hiện tốt công tác quảng bá cũng là một yếu tố không thể thiếu khi Huế đang tập trung xây dựng hình ảnh điểm đến để thu hút du khách.
Bên cạnh đó, việc tận dụng các lợi thế sẵn có thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển; khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp… sẽ góp phần tạo ra nguồn thu ổn định và lâu dài cho Huế.
Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng, cải cách hành chính là yếu tố then chốt giúp Huế tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư. Thành phố cần tập trung tháo gỡ các khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, thúc đẩy chính quyền điện tử, tăng sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Bài toán cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động đã được tính đến. Song hành với đó, thành phố sẽ có nhiều giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động, tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp để tạo lợi thế kêu gọi đầu tư.
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngoài đẩy mạnh thu hút kêu gọi đầu tư, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, tạo chuyển biến trong đầu tư công, việc phát triển thương mại dịch vụ sẽ tạo nên những lợi thế nhất định trong phát triển kinh tế. Theo đó, thành phố cần thực hiện hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi liên kết, nâng tầm cho các sản phẩm địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP. Khuyến khích phát triển hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm cao cấp; cơ sở thương mại truyền thống theo hướng hiện đại nhằm tạo sự phát triển thương mại toàn diện.
Song, để đảm bảo phát triển bền vững, việc tăng cường quản lý tài chính và nâng cao hiệu quả thu ngân sách là không thể thiếu. Thành phố Huế cũng đã đề ra giải pháp tiếp tục cơ cấu lại thu chi ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý phân bố, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, nâng cao tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; ưu tiên chi đầu tư tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế, trốn thuế, nợ đọng thuế, tăng cường khai thác nguồn thu vãng lai, kinh doanh thương mại điện tử, online...