ClockThứ Bảy, 25/02/2023 18:30

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

TTH - Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Chủ động gỡ khó, tạo “sân chơi” cho doanh nghiệp phát triển

Sản phẩm từ ứng dụng tiến bộ KHCN được thị trường đón nhận

“Vốn mồi”

Đa phần DN trên địa bàn tỉnh đều là DN nhỏ và vừa, nên chính sách hỗ trợ, kích thích cũng như tạo “vốn mồi” để “hé” cánh cửa giúp DN bước vào sân chơi cải tiến, đổi mới ứng dụng tiến bộ KHCN là giải pháp được ngành KHCN, địa phương chú trọng đẩy mạnh.

Nhằm nâng cao năng lực hấp thu KHCN của DN, những năm qua, chủ trương khuyến khích, hỗ trợ DN nhỏ và vừa đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, đổi mới công nghệ, tạo sức cạnh tranh đã được cụ thể hóa trong nhiều chính sách, chương trình, dự án, đề án quốc gia và địa phương, với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực về công nghệ, vốn, nghiên cứu sáng chế, sáng kiến, phát triển tài sản trí tuệ, thị trường...

Nhiều DN, cơ sở sản xuất trong ngành dược liệu, chế biến thực phẩm, tinh dầu, yến sào... đã được hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói sản phẩm, công nghệ sấy... Ngoài ra, ngành KHCN còn hỗ trợ thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng hình thức thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm đối với một số sản phẩm thủy sản, trồng trọt và hỗ trợ đối với hoạt động áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm dịch vụ.

Công ty CP Đầu tư phát triển Công Thành đóng tại huyện Phong Điền sau khi được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP trong trồng nguyên liệu tràm, bạc hà, sả và tiêu chuẩn HACCP vào chế biến tinh dầu, quản lý sản xuất đã giúp tăng năng suất tổng thể của DN lên 20% so với trước đó.

Ngoài ra còn có một số DN, như cơ sở sản xuất yến sào Huế Minh Trường, cơ sở sản xuất yến sào xứ Huế An Na, Công ty CP 1-5, Công ty TNHH XNK Huế Xưa... cũng áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng và đã nâng cao được năng suất tổng thể của DN từ 10-20% so với trước, bước đầu đưa sản phẩm đi thị trường quốc tế.

Thực ra, kinh phí hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh không nhiều, chỉ mang tính hỗ trợ, kích thích để DN, chủ đầu tư có thêm bệ đỡ, chủ động đối ứng và huy động thêm các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đổi mới công nghệ. Có thể nói, hiệu quả ban đầu của việc triển khai một số chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ DN đổi mới, nâng cao trình độ KHCN của tỉnh trong thời gian qua là rất tích cực, góp phần tăng doanh thu, lợi nhuận cho DN, tăng khả năng cạnh tranh của DN trong thời kỳ hội nhập.

Linh hoạt kết nối, cải tiến

Không trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, Công ty TNHH MTV Hue One Food chuyên sản xuất bánh ép khô đã tự bỏ tiền để làm đề tài nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng quy trình sản xuất bánh ép đặc sản Huế theo quy mô công nghiệp bán tự động. Hoàn thiện đề tài này từ quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, đơn vị đầu tư xây dựng quy trình kỹ thuật, hệ thống máy móc hoàn thiện trong các công đoạn sản xuất bánh ép, đảm bảo tăng công suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, số DN trên địa bàn có đủ thực lực về tài chính, về thị trường, đối tác... để dám táo bạo, “chơi lớn” không phải nhiều. Hơn nữa, số quan tâm đầu tư tìm kiếm đổi mới công nghệ, đầu tư vào hoạt động KHCN cũng như nhận hỗ trợ vẫn còn rất khiêm tốn.

Đối với các chính sách hỗ trợ DN từ Trung ương, qua thực tế cho thấy, quá ít DN trên địa bàn tỉnh tham gia. Cụ thể, trong 10 năm qua, có một số DN tham gia Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, nhưng chưa có DN nào tham gia vào Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, mặc dù Sở KH&CN đã hướng dẫn, hỗ trợ để đăng ký tham gia. Ngoài ra, một số rào cản nhất định giữa DN với các chính sách KHCN có sử dụng ngân sách hiện nay, đó là bản thân DN chưa thực sự quan tâm đúng mức về các vấn đề khoa học, công nghệ của chính DN mình. Trong khi đó, chính DN mới là chủ thể thực sự duy trì việc ứng dụng công nghệ từ kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả.

Còn nhớ khoảng giữa năm 2022, Sàn Giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung - cầu công nghệ khai trương được xem là địa chỉ trung gian đầu tiên của tỉnh làm cầu nối giao thương giúp người mua và người bán công nghệ, thiết bị dễ dàng gặp nhau, bắt tay để đồng hành tham gia hội nhập sân chơi về thị trường KHCN. Cũng tại đây, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã kết nối với Công ty Golden Mountain Hàn Quốc và hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về chuyển giao công nghệ nuôi trồng, chế biến, bảo quản sâm.

Có được đối tác chuyển giao lớn này, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia không những tự tin đầu tư hợp tác cùng người dân A Lưới phát triển vùng trồng nguyên liệu sâm Bố Chính mà còn tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đặc trưng của vùng đất Cố đô phục vụ thị trường. Là đồng trưởng làng Làng công nghệ Dược liệu sạch Việt Nam, sản phẩm sâm Bố Chính cũng đang được một số nhà đầu tư có ý định sẽ chọn làm nguyên liệu thành phần chế biến dược liệu cho giá trị cao hơn.

Cũng thông qua Sàn Giao dịch công nghệ và Điểm kết nối cung - cầu công nghệ đã giới thiệu, quảng bá và bán được một số sản phẩm công nghệ, thiết bị có ý nghĩa thực tiễn cao của các đơn vị sáng chế như: máy sấy bơm nhiệt, máy tách hạt atiso, máy đóng bầu cây, máy châm phân tự động công nghệ inverter IOT Farm, một số thiết bị về nhà thông minh, máy bay điều khiển tưới cây và một số sản phẩm KHCN phục vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp...

Theo đánh giá của Sở KH&CN, tuy còn nhiều DN chưa quan tâm, nhưng một khi được kích thích, khích lệ, DN sẽ có sự bứt phá trong đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống. Từ đó, không còn tình trạng các nghiên cứu, sáng chế, giải pháp hữu ích bị để quên trong ngăn tủ mà sẽ được DN, nhà đầu tư kết nối, chủ động đặt hàng với nhà khoa học, nhà sáng tạo, sáng chế để hiện thực hóa, thương mại hóa các sản phẩm, kết quả nghiên cứu.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế

Ngày 10/11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế. Đây là một trong những hoạt động chính liên quan đến đề tài KH&CN cấp tỉnh: "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế - Hoàng mai Huế" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì và PGS.TS Đặng Văn Đông là chủ nhiệm đề tài.

Kiểm tra thực địa mô hình trồng cây mai vàng Huế
Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã công bố tiền thưởng Tết 2025, dựa trên những công bố của các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, dự báo nền kinh tế phục hồi, kinh doanh khả quan, thưởng Tết năm nay nhìn chung khá hơn năm trước.

Doanh nghiệp thưởng Tết, giữ chân người lao động
Còn sức, còn lao động

250 triệu đồng lãi ròng mỗi năm từ trồng lúa và nấm rơm, là thành quả từ tình yêu lao động và sự chăm chỉ mà vợ chồng ông Lê Duy Quát và bà Nguyễn Thị Vui (Phú Lương, Phú Vang) “gặt hái” bao năm qua.

Còn sức, còn lao động

TIN MỚI

Return to top