ClockThứ Ba, 08/08/2023 09:06
PHÁT TRIỂN ĐẠI HỌC HUẾ THÀNH ĐẠI HỌC QUỐC GIA:

Xóa thách thức, bứt phá nhanh - Kỳ 1: Bao nhiêu thách thức, bấy nhiêu nỗi lo

TTH - Hơn 65 năm xây dựng và phát triển, mô hình Đại học (ĐH) Vùng với ĐH Huế như chiếc áo đã chật. Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ngày 10/12/2019, xác định việc xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia là thời cơ thuận lợi cho ĐH Huế. Song, phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia không phải mục đích chỉ là đổi tên, mà phải khẳng định được vai trò, vị trí và những đóng góp xứng đáng cho đất nước.

Đổi mới sáng tạo trong đào tạo: Đích đến của Đại học HuếHàng trăm chuyên gia đến Huế trao đổi về vấn đề di sảnĐại học Huế công bố điểm sàn năm 2023 của 13 trường thành viên và khoa trực thuộc

leftcenterrightdel
 Tuyển sinh nhiều ngành tại Trường đại học Nghệ thuật những năm gần đây khá khó khăn

Gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ĐH Huế đã gặt hái được nhiều thành tựu. Thế nhưng, càng cuối lộ trình, nhiều người lại lo ĐH Huế “lỡ nhịp” hoặc chưa xứng tầm khi đang còn đối mặt nhiều thách thức.

Còn nhiều nỗi lo

Gặp N.V.G, một người con xứ Huế trở về quê hương làm việc sau khi học ĐH ở TP. Hồ Chí Minh, G. bảo đang muốn vừa làm, vừa học lên thạc sĩ. Nhưng khi hỏi học trường ĐH nào của Huế, G. lại lắc đầu, bày tỏ muốn vào Đà Nẵng học. G. thành thật: “Các trường ĐH tại Huế có bề dày truyền thống, nhưng thương hiệu giờ lại bị cạnh tranh. Nhiều người, trong đó có em vẫn chưa yên tâm về chất lượng”.

Lựa chọn của G. dù đúng hay sai cũng là một câu chuyện đáng suy nghĩ của các trường ĐH tại Huế. Nhiều năm qua, vấn đề tuyển sinh, chất lượng đào tạo các trường ĐH tại Huế vẫn còn để lại nhiều trăn trở. Chỉ xét riêng giáo dục ĐH trong kỳ tuyển sinh năm ngoái, ĐH Huế chỉ thu hút 83,1% thí sinh nhập học/chỉ tiêu. Có đến 7/13 đơn vị đào tạo chỉ đạt tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu dưới 67%, đáng chú ý là Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị chỉ đạt 1,48%; hai đơn vị là Khoa Giáo dục Thể chất cùng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ chỉ đạt lần lượt 46,43% và 44,88%.

leftcenterrightdel
 Các đơn vị trong Đại học Huế có năng lực về khoa học công nghệ rất lớn nhưng nguồn thu mang lại chưa tương xứng

Tuyển sinh ở các đơn vị khó khăn kéo theo nhiều vấn đề đáng lo, trong đó có việc giữ ngành, giữ chất lượng. PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế nêu thực trạng, những năm trở lại đây, tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản đều khó thu hút thí sinh. Trong giáo dục ĐH, các ngành khoa học cơ bản được xem là gốc, tiền đề cho khoa học ứng dụng. Song, kết quả tuyển sinh gần sụt giảm cả quy mô số lượng lẫn chất lượng. Về lâu dài, nảy sinh nhiều hệ lụy dẫn đến nguy cơ mất gốc, chảy máu nhân lực và nhiều vấn đề khác. Một thực tế hiện hữu là những khoa có các ngành khoa học cơ bản là những đơn vị mạnh về đội ngũ, rất nhiều nhà giáo có học hàm, học vị cao. Đây là một bài toán đầy trăn trở để phát huy được thế mạnh con người.

Thế khó đã buộc các đơn vị phải sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy. Có đơn vị như Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế phải giải thể Khoa Cơ bản. Đơn vị khác như Trường ĐH Khoa học phải tái cấu trúc, hợp nhất Khoa Vật lý và Khoa Điện tử - Viễn thông thành Khoa Điện, Điện tử và công nghệ vật liệu; hợp nhất Khoa Xã hội học và Công tác xã hội thành Khoa Xã hội học và Công tác xã hội. Để đảm bảo giờ giảng, giảng viên được bố trí dạy các môn đại cương, dạy ở Trường THPT chuyên Khoa học Huế. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Ở các cơ sở giáo dục ĐH, nguồn thu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào học phí. Năm 2022, nhiều đơn vị, trong đó có Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế phải “toát mồ hôi” khi chỉ tuyển được 799 thí sinh, một con số đáng báo động cho một trường ĐH đã có nhiều tên tuổi. Tuyển sinh khó khăn đã khiến các đơn vị chấp nhận giải pháp đánh đổi là giữ điểm chuẩn ở mức thấp, nhiều ngành chỉ 15 - 18 điểm, thế nhưng số liệu tuyển sinh qua các năm, vẫn chưa thể chứng tỏ được sức hút.

TS. Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nghệ thuật cũng trăn trở, tuyển sinh các ngành truyền thống về nghệ thuật gặp nhiều khó khăn, ít người học dẫn đến hoạt động của trường bị ảnh hưởng nhiều.

leftcenterrightdel
 Giờ học của sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế

Nguồn thu từ đào tạo bị “đe dọa”, nhìn lại nguồn thu từ hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), càng thấy lo cho một ĐH Huế đã qua 66 năm xây dựng và phát triển. Đến nay, nguồn thu từ hoạt động KHCN chỉ chiếm khoảng 5% tổng thu.

TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Quan hệ Quốc tế - ĐH Huế cho biết, trong giai đoạn 2017 - 2021, ĐH Huế có 35 sản phẩm KHCN được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 4,84 tỷ đồng; riêng năm 2022 có 9 sản phẩm chuyển giao trị giá hơn 2,4 tỷ đồng. Xét về góc độ thế mạnh đội ngũ và năng lực nghiên cứu thì số lượng các sản phẩm KHCN được chuyển giao, thương mại hóa cũng như nguồn thu từ hoạt động này còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ĐH Huế.

PGS.TS. Lê Mạnh Thạnh, nguyên Phó giám đốc ĐH Huế trăn trở, hiện vẫn chưa có bộ tiêu chí cho một ĐH quốc gia. Tuy nhiên, khi nói đến ĐH quốc gia, phải làm sao xứng đáng với tên gọi. ĐH Huế có những vượt trội so với các ĐH bạn, nhưng những điểm yếu cũng cần phải được nhìn nhận và nỗ lực khắc phục.

Luẩn quẩn chuyện chung - riêng

Có 3 yếu tố mà ĐH Huế cần chú ý khi phát triển thành ĐH Quốc gia là nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên gia. ĐH Huế đang là một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều nét đặc sắc về ngành nghề hơn các ĐH, trường ĐH trong toàn quốc. ĐH Vùng trên đất Cố đô tuyển sinh phạm vi từ Bắc chí Nam, cung cấp nguồn nhân lực cho cả nước và đã tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước là những mặt tích cực, nhưng chuyện luẩn quẩn chung - riêng vẫn còn tồn tại là một thách thức lớn cho ĐH Huế.

Qua nhiều năm, một câu chuyện tưởng chừng đã cũ vẫn còn mới là làm sao tận dụng được nguồn lực dùng chung trong các đơn vị thành viên, thuộc và trực thuộc ĐH Huế vẫn còn khó; trong đó, có nguồn lực đội ngũ, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm.

Trong một trao đổi, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế cho rằng, nghiên cứu khoa học cần máy móc hiện đại, tốn nhiều kinh phí, việc đầu tư là không dễ. Song, từ nhiều năm trước, đã xuất hiện thực trạng có đơn vị than thiếu cơ sở vật chất thì không ít máy móc tại các đơn vị khác bị “đắp chiếu”, ít sử dụng do nhiều nguyên nhân.

Đơn cử, tại Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông Lâm trước đây từng được đầu tư máy HPLC được mua khoảng 40.000 USD. Đây là loại máy dùng để phân tích sâu các chỉ số về dinh dưỡng, kháng sinh và nhiều chỉ số quan trọng khác. Để sử dụng, cần mua hóa chất đặc chủng tốn kém, trong khi một công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ được cấp vài triệu đồng, công trình lớn do các nhà nghiên cứu ĐH Huế thực hiện cũng chỉ được cấp vài chục triệu đồng, rất khó để vận hành. Vì thế, người nghiên cứu thường gửi mẫu đi phân tích, chỉ tốn một hoặc vài triệu đồng. Nếu các trường thành viên phối hợp sử dụng chung máy móc, chia sẻ kinh phí hóa chất thì sẽ hạn chế tình trạng máy móc lâu không dùng.

Nghịch lý thiếu - thừa cơ sở vật chất nảy sinh, lãnh đạo các đơn vị đều nhìn thấy được giải pháp dùng chung cơ sở vật chất, song việc hiện thực hóa “mô hình lý tưởng” này là không dễ. Theo nhiều cán bộ quản lý tại các đơn vị, máy móc được đặt ở từng đơn vị, khi sử dụng chung, cái khó nhất là tâm lý của cả đơn vị quản lý máy móc và người sử dụng, phải trải qua các thủ tục hành chính, chia sẻ kinh phí dùng chung và có nhiều bất tiện. Giữa các khoa trong trường đã khó, giữa các trường sẽ càng khó hơn.

Nhiều chuyên gia nhận định, khó khăn trên một phần đã tác động đến hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo ra nguồn thu. Mặt khác, các đơn vị trong ĐH Huế còn ít công trình nghiên cứu ngoài giá trị nhìn thấy được, phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Năm 2022, cụm công trình của Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế và của ĐH Huế đón nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam, nhưng đó cũng là cụm công trình đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Theo nhiều chuyên gia, ĐH Vùng và ĐH Quốc gia có sứ mệnh khác nhau. Để xứng tầm ĐH Quốc gia, ĐH Huế phải tạo được dấu ấn cho người học và xã hội, từ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ… Nếu năng lực chưa đáp ứng, thì việc phát triển thành ĐH Quốc gia cũng dễ bị nghi ngờ chỉ là đổi tên ĐH.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Phát triển dựa trên bản sắc, thế mạnh riêng

 

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành phố “thay áo” mới

2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, thành phố Huế tập trung các nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các dự án (DA) trọng điểm về phát triển, mở rộng không gian đô thị, nhằm tạo tính kết nối giữa hai quận Bắc và Nam thành phố.

Thành phố “thay áo” mới

TIN MỚI

Return to top