ClockThứ Hai, 12/09/2022 09:40

Chạy đua xét tuyển, lọc ảo

Từ nay đến ngày 15/9, các trường ĐH tiến hành tải dữ liệu thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển và lọc ảo. Cùng với đó, hệ thống của Bộ GD-ĐT thực hiện lọc ảo (loại bỏ TS đã đỗ nguyện vọng cao hơn vào trường khác khỏi danh sách dự kiến), sau đó gửi lại kết quả cho các trường. Đến ngày 17/9, các trường công bố điểm trúng tuyển cho tất cả phương thức xét tuyển.

Rà soát dữ liệu, lọc ảo tuyển sinh đại họcVẫn cần thí sinh cân nhắc kỹLọc ảo chung trong tuyển sinh 2022: Đủ 2 bước để tránh "trượt oan"

Cán bộ kỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TPHCM trực xử lý dữ liệu để tiến hành lọc ảo, xét tuyển ngày 10/9

Lọc ảo liên tục

Trong thời gian từ ngày 4 đến 9/9, các trường ĐH đã tải dữ liệu hồ sơ TS từ hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT và tiến hành xét tuyển. Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), để đảm bảo công tác xét tuyển thông suốt, hệ thống tuyển sinh chung đã được nâng cấp để đáp ứng những thay đổi của quy chế tuyển sinh và các văn bản quy định. Sau khoảng thời gian xét tuyển chung, trường ĐH sẽ tải kết quả xét tuyển lần 1 cho tất cả phương thức tuyển sinh lên hệ thống. Từ ngày 7 đến 14 giờ ngày 10/9, Bộ GD-ĐT sẽ trả kết quả xử lý nguyện vọng lần 1, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng này. Từ ngày 11 đến 15-9, sẽ có thêm 5 lần xử lý nguyện vọng tương tự quy trình mỗi ngày như lần 1. Trước 17 giờ ngày 17/9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và chuyển kết quả xét tuyển lên hệ thống, tiến hành rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

Theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đối với những TS trúng tuyển có điều kiện (ở các phương thức xét tuyển của từng trường) có thể kiểm tra thông tin đăng ký xét tuyển tại các trường. Các trường cần có website và hệ thống có chức năng để TS tra cứu kết quả trúng tuyển, đồng thời có thể xác nhận nhập học ngay trên hệ thống. Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ các trường dữ liệu tuyển sinh để xét tuyển và xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cung cấp thông tin TS trúng tuyển xác nhận nhập học vào các trường. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển, chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những TS đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà các trường gửi lên hệ thống.

Để đảm bảo cho công tác xét tuyển được thông suốt, Vụ Giáo dục Đại học yêu cầu các trường phải triệt để tuân thủ: danh sách TS trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường lần cuối; không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này; với TS đã đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, các trường không được xét lại mà phải tải danh sách lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các đối tượng xét tuyển khác.

Sau khi công bố điểm chuẩn, nếu chưa đủ chỉ tiêu, các trường ĐH sẽ tiến hành tuyển bổ sung từ tháng 10 đến tháng 12. TS trúng tuyển xác nhận nhập học trước 30/9 theo hình thức trực tuyến. Nếu có nhu cầu xét tuyển đợt bổ sung, các em thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các trường.

Trực xét tuyển xuyên đêm

Nếu như năm 2021, việc lọc ảo, xét tuyển chỉ dành cho TS đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay quy trình sẽ xử lý ở tất cả phương thức xét tuyển. Do đó, công tác lọc ảo, xét tuyển sẽ căng thẳng và phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, các trường phải cử nhiều cán bộ kỹ thuật, trung tâm xử lý dữ liệu và phòng tuyển sinh… túc trực cả ngày lẫn đêm để thực hiện quy trình lọc ảo, xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, trường cử 4 cán bộ kỹ thuật và các cán bộ có kinh nghiệm tuyển sinh túc trực 24/24 giờ trong suốt những ngày thực hiện lọc ảo và xét tuyển. Ngoài việc tham gia 6 lần lọc ảo theo quy trình của Bộ GD-ĐT, trường còn tham gia nhóm lọc ảo phía Nam (do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì).   

Theo PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, trường cử 4 cán bộ kỹ thuật chuyên phụ trách xử lý dữ liệu. Cùng với đó, trường bố trí một trung tâm phần mềm chuyên dụng để xử lý dữ liệu phục vụ công tác lọc ảo, xét tuyển. Trong đợt tải thử dữ liệu vừa qua từ hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, trường phát hiện dữ liệu bị sai sót, sau đó liên hệ với Bộ GD-ĐT để xử lý. Một vấn đề nhà trường cũng đang băn khoăn là rất nhiều TS trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển bằng học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức) chưa đăng ký xác nhận nguyện vọng trên hệ thống và cả TS chưa nộp được lệ phí xét tuyển, nếu bị loại khi thực hiện xét tuyển thì thiệt thòi cho các em.

Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), thành viên Ban điều phối nhóm lọc ảo phía Nam, cho biết, tham gia nhóm lọc ảo năm nay có 80 trường. Nhóm sẽ tuân thủ các quy định và sử dụng chung dữ liệu của Bộ GD-ĐT để làm căn cứ trong quy trình lọc ảo nhóm. Xen kẽ 6 lần lọc ảo chung toàn quốc thì nhóm sẽ có 10 lần lọc ảo từ ngày 10 đến ngày 17/9. Trong 2 lần lọc cuối cùng của nhóm, các trường có trách nhiệm giới hạn việc thay đổi tỷ lệ gọi trúng tuyển không quá 10% cho từng ngành, nhóm ngành so với lần trước đó.

Trong khi đó, đại diện nhiều trường phản ánh, hiện có nhiều TS, phụ huynh liên hệ với phòng tuyển sinh trình bày việc chưa thể thực hiện nộp lệ phí xét tuyển do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Những TS này có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn từ 20-25 điểm và đều trúng tuyển. Nếu vì lý do chưa hoàn thành nộp lệ phí xét tuyển mà loại các em thì thật không công bằng.

Theo SGGP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học
Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Đã từng đi qua chiến tranh, thấy được giá trị của sự độc lập, tự do, Hội Cựu chiến binh (CCB) trong toàn tỉnh luôn xác định, để khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ phải chính bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Chăm lo, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

TIN MỚI

Return to top