ClockThứ Sáu, 05/06/2020 14:08

Triển vọng việc làm cao nhờ chuẩn đầu ra phù hợp

TTH - Với chuẩn đầu ra phù hợp, những năm gần đây, cơ hội việc làm dành cho sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế trở nên nhiều hơn.

Đại học Huế: Dự kiến đến ngày 7/6 mới có số liệu thí sinh thi năng khiếuKhông “lép vế” trước những đơn vị mạnh

TS. KTS. Nguyễn Ngọc Tùng (thứ hai, trái sang) hướng dẫn đồ án cho sinh viên

Cơ hội việc làm cao

Sau 2 năm ra trường, Nguyễn Văn Tài, cựu sinh viên Khoa Kiến trúc đã có việc làm đúng chuyên ngành với mức lương 20 triệu đồng/tháng tại TP. Hồ Chí Minh. Tài kể: “Hồi còn học năm 3, em đã được vào làm tại một công ty tại Huế với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng (vừa làm, vừa học). Ra trường rồi vào TP. Hồ Chí Minh, em được nhận vào làm ngay tại một số công ty và xác định gắn bó lâu dài với Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sang Trọng. Đối với sinh viên ra trường, có được làm việc đúng chuyên ngành là điều quan trọng”.

Nhiều sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học cũng nhanh chóng tìm được việc làm sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Thống kê từ Trường ĐH Khoa học cho biết, khoảng 3 năm trở lại, tỷ lệ sinh viên Khoa Kiến trúc có việc làm sau khi ra trường đạt 96%, trong đó khoảng 82% đúng ngành học và 14% làm ở những ngành gần (như thiết kế nội thất, quy hoạch, bảo tồn di sản, quản lý đô thị…) và chỉ có khoảng 4% làm trái ngành.

 Giảng viên Khoa Kiến trúc hướng dẫn sinh viên làm đồ án

TS.KTS. Nguyễn Vũ Minh, Phó Trưởng khoa Kiến trúc tiết lộ: “Đáng mừng là mức lương trung bình của các em làm ở thị trường phía Nam khoảng 8 - 12 triệu/tháng. Ở miền Trung, thu nhập trung bình của các sinh viên vừa ra trường cũng đạt 4 – 7 triệu đồng/tháng. Khả năng thăng tiến của các cựu sinh viên cũng khá cao. Sau khi ra trường làm việc 1 - 2 năm, mức lương nhiều em đã có thể tăng 20-30%. Nhiều cựu sinh viên cũng đã trở thành trưởng nhóm thiết kế hoặc quản lý kỹ thuật các công ty”, TS.KTS. Nguyễn Vũ Minh chia sẻ.

TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng khoa Kiến trúc phân tích, trên thực tế, môi trường công việc của sinh viên kiến trúc khi ra trường khá đa dạng. Không chỉ làm trong các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân và nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản và Hàn Quốc thì các kiến trúc sư mới ra trường có thể tham gia tư vấn, thiết kế công trình kiến trúc dân dụng và công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế quy hoạch, thiết kế bảo tồn và cảnh quan, giám sát thi công các công trình kiến trúc. Đối với những trường hợp có kinh nghiệm, họ có thể trở thành các chuyên viên tư vấn, điều phối, xây dựng, thẩm định và đánh giá dự án. Đồng thời, họ còn có thể tự khởi nghiệp với vai trò chủ đầu tư, nhà thiết kế, thi công kiến trúc - quy hoạch - nội thất - vật liệu hay tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đào tạo và các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH liên quan đến chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch - nội thất - xây dựng.

Xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp

Đại diện Khoa Kiến trúc khẳng định, lâu nay, vấn đề đào tạo ĐH ở nhiều ngành đang có một khoảng chênh với thị trường lao động. Đối mặt với vấn đề đó, điều quan trọng là phải thường xuyên đổi mới chương trình đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp. Đối với doanh nghiệp, ngoài kiến thức thì yêu cầu về kỹ năng và thái độ cũng rất quan trọng.

Sinh viên tham gia cuộc thi tìm hiểu lịch sử kiến trúc

Theo TS.KTS. Nguyễn Ngọc Tùng, không phải vô cớ mà nhiều sinh viên của khoa ra trường có việc làm ngay. Trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động, ban chủ nhiệm khoa và các cán bộ, giảng viên đã kết nối rất kỹ với doanh nghiệp và chú trọng đến các yêu cầu trong tuyển dụng của họ. Hiện tại, khoa đang đào tạo hai ngành là kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị. Trong quá trình xây dựng chuẩn đầu ra, những điểm quan trọng mà doanh nghiệp cần đều được khoa đáp ứng. Đơn cử như với ngành kiến trúc, ngoài kiến thức về nghề nghiệp thì trong chuẩn đầu ra mà khoa thiết kế cũng chú ý đến các kỹ năng về nghề nghiệp như lập và thể hiện hồ sơ thiết kế kiến trúc bằng các phương pháp đồ họa, khả năng triển khai hồ sơ thiết kế và các kỹ năng mềm đồng thời gắn chặt với năng lực tự chủ và trách nhiệm. Hay với ngành quy hoạch vùng và đô thị thì ngoài những đáp ứng những yêu cầu trên còn phải hiểu biết về lịch sử phát triển đô thị, bảo tồn, du lịch di sản và cảnh quan để vận dụng vào quy hoạch và thiết kế kiến trúc…

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học chia sẻ, cùng với Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Kiến trúc kết nối doanh nghiệp rất tốt. Với những đặc trưng học tập - thực tế, nghiên cứu kiến trúc di sản nên có nhiều đối tác Nhật Bản về tìm kiếm và tuyển dụng sinh viên kiến trúc Huế. Với chuẩn đầu ra phù hợp, gắn doanh nghiệp vào quá trình đào tạo, đa phần nhà tuyển dụng đánh giá cao chất lượng sinh viên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top