ClockThứ Năm, 02/01/2020 06:30

Khởi đầu bằng phòng học thông minh

TTH - Phòng học thông minh đã được ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế chọn khởi đầu cho việc triển khai xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thuộc đề án xây dựng Đô thị thông minh của UBND tỉnh.

Hướng đến đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam

Lớp học thông minh ở Trường THPT Gia Hội

Ấn tượng và hứng thú

Khi Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức tập huấn triển khai hệ thống Phòng học thông minh tại Trường THPT Phú Bài, cảm nhận chung là không khí học tập sôi động, học sinh hào hứng và vui vẻ tham gia tiết học. Bài giảng của giáo viên sinh động hơn. Cách thức giảng dạy của giáo viên cũng trở nên linh hoạt hơn. Thời gian lên lớp cũng tiết kiệm hơn nhiều.

Theo ghi nhận tại buổi đầu tiên tiếp cận, mô hình phòng học thông minh giúp mở rộng không gian, tài liệu, phương pháp và hình thức dạy học, giúp người dạy và người học vượt qua các giới hạn của bài giảng ở trên lớp học. Học sinh có được môi trường học tập mọi lúc mọi nơi, có điều kiện rèn luyện năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm...

Học sinh học trên mô hình này đóng vai trò trung tâm, còn giáo viên là người hỗ trợ. Việc tổ chức dạy học tương tác, ra bài tập, kiểm tra bài cũ, đưa tài liệu, nhận phản hồi từ học sinh… đều được thao tác trên máy. Mỗi học sinh chỉ cần một phương tiện có thể kết nối mạng như máy tính bảng, điện thoại thông minh là có thể truy cập vào bài học một cách dễ dàng. Nhờ vậy, việc dạy và học của thầy trò đều tiện lợi hơn rất nhiều.

Tiếp theo Trường THPT Phú Bài, Sở Giáo dục & Đào tạo cũng đã tổ chức tập huấn tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương và Trường THPT chuyên Quốc Học. Em Trương Thị Thảo, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, TP. Huế, chia sẻ: “Có các thiết bị thông minh hỗ trợ, em  được tiếp cận với những hình ảnh trực quan và sinh động, dễ  hiểu hơn. Em cảm thấy hứng thú với tiết học và rất thích sự tương tác với cô giáo.

Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học, cho rằng: Một trong những lợi ích của lớp học thông minh mang lại đó là sự tương tác giữa thầy và trò, tăng khả năng tư duy và kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh.

Mô hình SmartEdu

Triển khai mô hình SmartEdu vào phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập tại nhà trường nhằm tạo một môi trường học tập hiện đại, tăng độ tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng như kích thích tư duy sáng tạo của học sinh. Mô hình SmartEdu được triển khai tại các trường với mong muốn mang một trải nghiệm học tập hoàn toàn mới mẻ, cuốn hút học sinh các trường học.

Bằng việc truy cập mã số lớp học, các em học sinh có thể vào tài khoản cá nhân và học cùng cô giáo thông qua giáo trình kỹ thuật số. Giáo trình này bao gồm cả video, âm thanh, hình ảnh với góc nhìn 360 độ. Chức năng nổi bật của giải pháp là giáo viên có thể biên soạn và phân phát tài liệu số trực tiếp đến lớp học, có thể kiểm tra quá trình học tập của các em học sinh bất cứ lúc nào và câu trả lời của học sinh được lưu trên đám mây, dễ dàng soi chiếu kết quả khi các em hoàn thiện bài kiểm tra.

Với các em học sinh, các tiết học số luôn thú vị. Để làm quen với những giáo án này, các em chỉ mất khoảng thời gian 2 ngày, bởi các thiết bị máy tính bảng không lạ đối với các em học sinh tại thành thị. Các bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn nhờ có các ví dụ trực quan sinh động; việc được thực hành trực tiếp trên lớp đã giúp các em hiểu bài sâu hơn, từ đó phát huy tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm.

Xu hướng hiện đại

Ở Thừa Thiên Huế, mô hình phòng học thông minh (SmartEdu) được triển khai thí điểm tại 3 trường: THCS Nguyễn Tri Phương, THPT chuyên Quốc Học và THPT Phú Bài cùng đối tác NTT (Nhật Bản), trên cơ sở phối hợp với VNPT Thừa Thiên Huế. Đây được xem là bước khởi đầu cho việc hình thành hệ sinh thái giáo dục thông minh thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của UBND tỉnh.

Theo lãnh đạo các trường, để xây dựng mô hình giáo dục thông minh cần đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu của trường học thông minh; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên để đáp ứng nhu cầu; triển khai các lớp học thông minh ứng dụng công nghệ thông tin… Trong đó, công nghệ chuyển đổi số và big data về giáo dục sẽ hỗ trợ toàn diện cho giáo viên, học sinh trong công việc và học tập. Ngoài ra, cần số hóa việc ra đề và chấm thi hoàn toàn qua vài click chuột...

"Hệ sinh thái giáo dục thông minh hay giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa”. Chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) chia sẻ.

Thừa Thiên Huế đã và đang bắt đầu với sự ra đời của các phòng học thông minh nhiều thú vị và ấn tượng.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top