ClockThứ Bảy, 21/08/2021 06:30

Khai giảng trực tuyến, ưu tiên học sinh đầu cấp

TTH - Năm học 2021 - 2022 sắp bắt đầu với nhiều lo toan và thách thức khi mà tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp. Chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về công tác chuẩn bị và những nhiệm vụ đặt ra trong năm học mới, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thừa Thiên Huế cho biết:

Đưa Chương trình giáo dục địa phương vào giảng dạy cho học sinh

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Đây là năm thứ hai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thế nên, học theo hình thức nào cho hiệu quả là vấn đề phụ huynh rất quan tâm. Trong tình hình dịch COVID-19 bùng phát, Sở GD&ĐT đã có nhiều phương án khác nhau để sẵn sàng chuyển trạng thái từ dạy học trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại hoặc kết hợp các hình thức dạy học khác nhau. Sẽ có các kịch bản phù hợp với từng cấp học; trong đó, có giải pháp ưu tiên đối với những nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Các địa phương cần triển khai kế hoạch chủ động, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn; trong đó, tận dụng tối đa thời gian vàng để dạy trực tiếp. Đồng thời, linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học cũng như triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học.

Kế hoạch học sinh đi học trở lại trong năm học 2021-2022 cụ thể thế nào, thưa ông?

Dự kiến từ ngày 26/8, các khối đầu cấp sẽ tựu trường. Các khối còn lại tựu trường vào ngày 1/9. Cùng với kế hoạch này, Sở GD&ĐT có nhiều kịch bản để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Phương án 1, học sinh sẽ đi học bình thường khi dịch trên địa bàn được khống chế và thực hiện các biện pháp an toàn trường học trong điều kiện phòng, chống dịch.

Phương án 2, khi đến trường nhưng phải thực hiện giãn cách thì áp dụng chia lớp học thành hai ca để tổ chức dạy học khoảng cách tối thiểu theo quy định.

Phương án 3, nếu thực hiện giãn cách học sinh không đến trường, thì sẽ dạy học trực tuyến theo quy định.

Nhiều trường học được chọn làm điểm cách ly, điều này gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh. Ông có thể thông tin về công tác hoàn trả cơ sở vật chất sau khi trưng dụng trường làm khu cách ly?

Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay là đa số các trường học đều được trưng dụng làm các khu cách ly tập trung, nên môi trường đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu.

Trường mầm non Thủy Vân (TP. Huế) chuẩn bị trường lớp cho trẻ vào năm học mới

Thời điểm này, các địa phương đã có phương án tháo dỡ các điểm cách ly tại trường học để trả lại mặt bằng cho các cơ sở giáo dục.Thế nên, ngành giáo dục đã có kế hoạch cụ thể thời gian tổ chức khử khuẩn ở các cơ sở, kiểm tra các khu vệ sinh, các điểm hư hỏng để kịp thời khắc phục, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho các em khi trở lại trường. Các cơ sở giáo dục sẽ chú trọng vệ sinh môi trường ở các trường học bán trú, học hai buổi/ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường học, bán trú tốt nhất cho các em.

Khi mà việc học tập trung ở lớp đã trở nên khó khăn thì học trực tuyến có phải là giải pháp duy nhất trong thời điểm hiện nay?

Chúng tôi đang tính đến phương án xấu nhất để không bị động trước mọi tình huống. Nếu học sinh chưa đến trường được thì học trực tuyến được áp dụng cho học sinh các cấp. Riêng học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6, tối ưu nhất vẫn là học trên sóng truyền hình. Chúng tôi sẽ mời những thầy cô giáo giỏi, giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Chúng tôi nhắm tới đối tượng này vì năm nay các em học chương trình sách giáo khoa mới. Nếu được hội đồng tham gia giảng, xây dựng giáo án tốt sẽ là cơ hội để thực hiện chương trình lớp 1 hiệu quả trong điều kiện vừa dạy, vừa chống dịch. Làm được lớp 1, chúng tôi sẽ kết hợp cả lớp 2 và lớp 6. Cả 3 lớp này đều triển khai sách giáo khoa mới. Thuận lợi nữa là qua truyền hình phụ huynh có thể cùng trẻ để giúp trẻ học.

Chương trình học trực tuyến và truyền hình có mang tính bắt buộc không, thưa ông?

Chương trình mang tính bắt buộc khi 100% học sinh ở các khối đều phải tham gia. Bởi, khi các em đi học trở lại, các trường học phải dạy chương trình chính khóa chung, không dạy bù mà chỉ ôn tập kiến thức cũ để các em bắt kịp chương trình. Tất nhiên, không loại trừ một số em không tham gia được các bài học trên truyền hình. Sau khi đi học trở lại, các trường sẽ rà soát lý do chính đáng đề bồi dưỡng kiến thức cho các em, đảm bảo 100% học sinh học đúng tiến độ chương trình. Đối với những học sinh vùng gặp khó khăn, các trường sẽ có phương án cụ thể để hỗ trợ các em học trực tuyến hoặc học trên truyền hình một cách hợp lý.

Trong tình hình dịch bệnh, nhiều phụ huynh và học sinh có tâm lý lo lắng về chương trình học. Ông nghĩ sao về điều này?

Phụ huynh không nên quá lo lắng, ngành giáo dục chủ động hoàn toàn về chương trình dạy và học. Cụ thể, sẽ linh động và chủ động theo hướng dẫn của ngành, của tỉnh để tổ chức chuẩn bị các điều kiện đến trường tốt nhất. Về an toàn chống dịch, sở sẽ theo sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để có phương án cụ thể. Địa phương nào nên tổ chức học trực tuyến, địa phương nào học giãn cách.

Tất nhiên, các huyện A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc sẽ có những nơi thực hiện phong tỏa học sinh không được đến trường. Ngành giáo dục chuẩn bị phương án để dạy học truyền hình kết hợp với học online qua công nghệ thông tin đảm bảo các cơ sở nằm trong khu cách ly vẫn thực hiện chương trình học. Đối với những địa bàn đảm bảo an toàn, đảm bảo các điều kiện cho giáo viên và học sinh đến trường, ngành giáo dục sẽ chỉ đạo vừa đảm bảo dạy học, vừa đảm bảo sức khỏe tốt cho học sinh.

Ngành giáo dục cũng triển khai việc dạy học truyền hình khá thuận lợi, trước hết khắc phục được khó khăn trong thiết bị dạy học online của học sinh cũng như hạ tầng công nghệ. Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Huế là đơn vị đóng góp nhiều nhất số bài giảng trên truyền hình để Bộ GD&ĐT dạy học truyền hình cho toàn quốc trên kênh truyền hình quốc gia.

Ông có thể cho biết, phương án khai giảng năm học 2021 - 2022 trong tình hình hiện nay?

Giữa bộn bề công việc chuẩn bị và nỗi lo trước dịch bệnh, còn có thêm băn khoăn nên tổ chức tựu trường, khai giảng như thế nào, hình thức ra sao. Tuy nhiên, dù dịch có phức tạp thế nào thì năm học mới cũng phải bắt đầu và học sinh đáng được có một ngày khai giảng ý nghĩa. Phương án tổ chức trực tuyến được xem là tối ưu nhất, điều mà ngành giáo dục cần làm trong lúc này là làm sao giữ được ấn tượng đẹp, sự thiêng liêng của ngày khai trường.

Xin cảm ơn ông!

HUẾ THU (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top