ClockThứ Ba, 19/04/2022 13:30

Hợp tác, liên kết trong đào tạo nhân lực đặc thù

TTH - Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với xu thế đã và đang được Trường đại học Khoa học (ĐHKH), ĐH Huế triển khai có hiệu quả; đặc biệt nhân lực ngành kỹ thuật phần mềm thông qua hình thức đào tạo đặc thù được liên kết với các doanh nghiệp (DN).

Khai mạc kỳ thi “HUSC-Competitivi Programming 2019”Trường ĐH Khoa học trao bằng tốt nghiệp cho 128 tân tiến sĩ, thạc sĩ

Với phòng thực hành doanh nghiệp, sinh viên được hỗ trợ tích cực về mặt chuyên môn từ các chuyên gia. Ảnh: Trường ĐHKH, ĐH Huế 

Tại Trường ĐHKH, ĐH Huế, ngoài hoạt động giảng dạy chuyên môn, Khoa Công nghệ thông tin còn có Phòng DN. Đây là phòng học được thiết kế để dành riêng cho các chuyên gia đến từ DN. Tại đây, đội ngũ chuyên gia sẽ trực tiếp đứng lớp, tham gia vào quá trình giảng dạy kiến thức và các bài tập thực hành đến sinh viên.

PGS.TS. Hoàng Quang, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐHKH, ĐH Huế, cho biết: “Từ hoạt động của phòng DN, các chuyên gia không chỉ tham gia vào quá trình giảng dạy mà còn có cơ hội nhận định được chất lượng, hiệu quả của hoạt động này. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể tiếp thu kiến thức thực tiễn, sớm hòa nhập như trong môi trường DN”.

Kỹ thuật phần mềm là một ngành mới, cũng là ngành được đào tạo theo cơ chế đặc thù đầu tiên của nhà trường để đáp ứng được những yêu cầu của DN về nhân lực công nghệ cao hiện nay. Trong ngành này, sinh viên được đào tạo chuyên sâu kiến thức để có thể trở thành các chuyên gia phát triển phần mềm.

Khác với chương trình đào tạo thông thường, chương trình đào tạo ngành kỹ thuật phần mềm theo cơ chế đặc thù được thiết kế theo hướng tăng cường thời gian thực hành, thực tập, thực tế tại DN. Trong đó, nhiều bộ môn được cân bằng giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại DN như kiểm định phần mềm, quản trị dự án phần mềm, Java nâng cao, phát triển ứng dụng Desktop...

Giờ học có sự tham gia của chuyên gia đến từ DN chiếm tỷ lệ 30% trong tổng số tiết học. Các học phần thực tập, kiến tập được thiết kế với 100% thời gian thực hiện tại DN. Ngoài ra, tất cả sinh viên đều phải làm khóa luận tốt nghiệp với thời gian thực hiện tại DN chiếm tối thiểu 75%.

ThS. Thái Nhật Trường, Phó Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác sinh viên Trường ĐHKH, ĐH Huế, thông tin: “Không chỉ kết nối với hơn 20 DN công nghệ trên địa bàn tỉnh, nhà trường còn liên kết với nhiều công ty, DN hàng đầu về kỹ thuật phần mềm như TMA Solutions, FPT Software, BKIT Solution. Trong 3 năm qua, 150 sinh viên ngành kỹ thuật phần mềm đã và đang được học tập với 30% học phần đến từ các DN. Ngoài ra, các DN còn đào tạo miễn phí ngoại ngữ hay tạo điều kiện để sinh viên tham gia thực tập, thực tế tại Nhật Bản”.

Sau 3 năm triển khai chương trình, hoạt động đào tạo theo cơ chế đặc thù đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Số lượng sinh viên lựa chọn kỹ thuật phần mềm chiếm tỷ trọng cao cho thấy sức hấp dẫn và cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường đang thu hút sự chuyển dịch của sinh viên. Nhiều sinh viên đã đáp ứng đủ năng lực cạnh tranh và tham gia làm bán thời gian cho DN khi mới chỉ học năm 2, năm 3.

Hiện nay, quá trình đổi mới chương trình giáo dục của Trường ĐHKH, ĐH Huế đã và đang có sự tham gia chủ động và tích cực từ các đối tác DN. DN được khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo của nhiều ngành học như công nghệ thông tin, kiến trúc, công nghệ sinh học, khoa học môi trường...

PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH, ĐH Huế, nhận định: “Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của nhà trường, đó là gắn đào tạo với nhu cầu của DN nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, ngành đặc thù kỹ thuật phần mềm có đến 30% chương trình giảng dạy là của các DN tuyển dụng (là đối tác chiến lược của nhà trường). Từ đây, sinh viên có thể làm quen với môi trường, phong cách, quy trình làm việc của DN ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, tránh bỡ ngỡ khi được thử việc hoặc sau khi tuyển dụng phải đào tạo lại”.

Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách tốt để giữ chân người tài

Từ thuở bình minh của lịch sử, các triều đại đầu tiên xây dựng quốc gia độc lập đều mong mỏi, khao khát nhân tài. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà việc tiến hành lựa chọn nhân tài ra giúp nước được tiến hành theo những cách khác nhau. Ngày nay, việc trọng dụng nhân tài luôn đặt lên hàng đầu.

Chính sách tốt để giữ chân người tài
Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài

TIN MỚI

Return to top