ClockThứ Bảy, 14/03/2020 16:31

Giáo viên lẫn học sinh cần thay đổi tâm thế dạy và học

TTH.VN - Dịch bệnh Covid -19 hoành hành, người ta bàn rất nhiều đến hình thức giáo dục trực tuyến khi học sinh, sinh viên phải nghỉ học dài ngày. Các nhà quản lý giáo dục tại Huế cho rằng, địa phương chưa thể áp dụng giáo dục trực tuyến đại trà do những khó khăn về cơ sở hạ tầng, thói quen người học.

Học sinh cuối cấp sẽ học qua truyền hình từ ngày 16/3Dạy trực tuyến cho học trò trường chuyênTrường đại học Phú Xuân tổ chức dạy học trực tuyến

1. Ngày 16/3, học sinh các khối lớp 9 và 12 sẽ được tiếp nhận kiến thức thông qua các chương trình truyền hình.

Chương trình học này mang tính bắt buộc, 100% học sinh khối lớp 9 và 12 phải tham gia và khi học sinh trở lại trường sau dịch bệnh các em sẽ tiếp tục học các bài mới.

Một tiết học lịch sử được giáo viên giảng dạy trên truyền hình

Phương án dạy học này được xem là giải pháp tình thế trong thực tiễn hiện nay. Chưa biết mức độ thành công ra sao, nhưng những giáo viên “đứng lớp” đã có những bỡ ngỡ nhất định.

Buổi ghi hình đầu tiên tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, không khó để nhận ra sự hồi hộp trên gương mặt từng giáo viên. Họ mất một khoảng thời gian không nhỏ để chăm sóc “diện mạo” và dù thừa kỹ năng đứng lớp nhưng giáo viên vẫn dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu lại bài giảng.

“Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện tiết dạy trên truyền hình. Chỉ có 2 ngày để chuẩn bị nên gặp không ít khó khăn. Giáo viên tương tác với ống kính thay vì với mỗi học sinh cụ thể. Do vậy, giáo án lẫn phương pháp dạy phải thay đổi”, cô giáo Hồ Thị Minh Sang (Trường THPT Phan Đăng Lưu) chia sẻ sau khi là người đầu tiên thực hiện tiết dạy học trên truyền hình.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có chủ trương kéo dài thời gian năm học nhưng thực tế ở các địa phương, điều này vẫn không đảm bảo chương trình dạy và học.

Hiện nay, trong thời đại công nghệ bùng nổ, để thay thế cho dạy học truyền thống có nhiều phương thức dạy học trực tuyến khác mà không phải là giảng qua truyền hình.

Lý giải về việc chọn dạy học qua truyền hình, người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh cho rằng, hình thức này mang tính phổ quát, các học sinh sẽ thuận lợi theo dõi. Nếu dạy học trực tuyến thông qua các trang mạng thì giáo viên khó chuyển tải các bài mới đến học sinh. Các bài giảng trên truyền hình có thể lưu lại trên các nền tảng và học sinh có thể tự tìm kiếm, theo dõi kỹ lưỡng hơn.

Bây giờ chưa thể đánh giá được mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh ra sao nhưng nhiều câu hỏi liên quan đến ý thức của người học được đặt ra. Không phải ngẫu nhiên mà riêng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, ngành giáo dục tỉnh yên tâm giao cho trường này chủ động xây dựng các hình thức học trực tuyến, học sinh chủ động học thông qua định hướng của giáo viên. 

Nếu các em không tự giác “xem ti vi” đúng giờ thì liệu dạy học qua truyền hình có hiệu quả? Ngoài ống kính, giáo viên sẽ tương tác với học sinh ra sao? Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân thừa nhận, sẽ có những học sinh không có tinh thần tự giác, điều này sẽ được các trường rà soát sau khi học sinh đến trường trở lại và có kế hoạch ôn luyện, bù kiến thức đã hổng. “Các giáo viên tương tác với học sinh thông qua nền tảng internet, đó là những ứng dụng mạng xã hội. Các giáo viên kiểm tra sự tự giác của học sinh, giao bài tập cho học sinh, giải đáp thắc mắc của các em thông qua các group trực tuyến… ”, ông Tân cho biết.

Và ngang đây, giảng dạy qua truyền hình dường như không thể thiếu việc trao đổi trực tuyến…

2. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang là một trong những nước bắt kịp xu hướng giáo dục trực tuyến khá nhanh. Đây là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới vì các công dân trẻ 4.0 ngày càng dành nhiều thời gian trên mạng hơn. Công nghệ cũng giúp giảm bớt sự bất bình đẳng trong giáo dục giữa các tầng lớp xã hội.

Một số trường học áp dụng hình thức giáo dục trực tuyến (Trong ảnh: đào tạo trực tuyến thời điểm dịch bệnh COVID-19 tại Trường đại học Phú Xuân) 

Việt Nam sẽ đi thế nào, phụ thuộc vào tâm thế của ngành Giáo dục. Nếu chấp nhận chính thức, có thể chúng ta sẽ có cơ hội đi rất nhanh. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là thiếu sự công nhận chính thức của ngành Giáo dục.

TS. Nguyễn Thành Nam, cựu Tổng Giám đốc FPT, hiện đang là Hiệu trưởng Trường đại học FUNIX (trường đầu tiên đào tạo trực tuyến tại Việt Nam) nêu quan điểm, giải pháp đào tạo trực tuyến đang được áp dụng tại nhiều trường học, trung tâm giáo dục, đa phần khá thân thiện và thuận lợi. Hầu hết các công cụ phục vụ giáo dục trực tuyến đều đã có sẵn. Rào cản lớn nhất là ý chí của lãnh đạo cơ sở giáo dục, sau đó là công tác tuyên truyền, đào tạo giáo viên.

Tại Thừa Thiên Huế, các đơn vị giáo dục cho biết, hiện có rất nhiều khó khăn khi triển khai hình thức giáo dục này. Ví dụ như lo ngại về server, đường truyền phải mạnh để đảm bảo quá trình dạy – học không bị gián đoạn. Để làm các bài giảng theo hình thức đào tạo trực tuyến mất nhiều thời gian, trong khi vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính. Hơn thế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, nỗi lo về bảo mật bài giảng khiến nhiều giảng viên ngại triển khai; hạ tầng các trường học vùng nông thôn sẽ khó triển khai… Song ông Nam cho rằng, hạn chế video streaming, tăng cường việc tự học không đồng bộ (self-paced) sẽ là giải pháp giảm tải cho đường truyền. Việt Nam đang có lợi thế lớn là hạ tầng truy cập internet khá tốt. Quan ngại của giáo viên là dễ hiểu khi họ chưa được tuyên truyền và đào tạo cẩn thận.

“Học trực tuyến cần kết hợp với các tiết học offline, tuy nhiên cho rằng online không kích thích sáng tạo là tư duy của thế hệ “người lớn” xa lạ với mạng. Ngành Giáo dục cần phải công nhận chính thức các kênh đào tạo khác nhau. Và trong số các hình thức giáo dục như, giáo dục truyền thống, giáo dục trực tuyến, giáo dục thông minh thì cần khuyến khích và công nhận tất cả. Thực tế sẽ lựa chọn mô hình nào phù hợp với từng thời điểm”, ông Nam chia sẻ.

Thời điểm này, trong số nhiều hình thức, dạy học qua truyền hình đã được chọn để triển khai tại Thừa Thiên Huế, thực tế sẽ lựa chọn hay không không phụ thuộc vào từng bài giảng của giáo viên mà tâm thế của học sinh. “Để hình thức này có hiệu quả, chính quyền địa phương, phụ huynh cần tuyên truyền nhắc nhở học sinh tinh thần tự giác học tập” – lời đề nghị của Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cũng là trăn trở của những người làm giáo dục trong thời buổi công tác dạy học bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết

Trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền vừa tạo không khí vui tươi, vừa giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh.

Học văn hóa địa phương qua trải nghiệm Tết
Giáo dục đạo đức, lý tưởng trong cơ sở giáo dục phổ thông

Ngày 14/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Giáo dục đạo đức, lý tưởng trong cơ sở giáo dục phổ thông
Giáo dục truyền thống qua bảo tàng

Những năm qua, Bảo tàng Lịch sử TP. Huế rất chú trọng đến chức năng giáo dục khoa học, tập trung vào các nhiệm vụ giáo dục truyền thống cách mạng và truyền thống yêu nước. Những di tích thuộc sự quản lý của Bảo tàng trở thành điểm đến thú vị, tạo được cảm hứng và học hỏi được rất nhiều điều hay.

Giáo dục truyền thống qua bảo tàng
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

Đó là mục tiêu của hội thảo “Quảng bá kết quả dự án Phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Chính sách và Pháp luật Môi trường” (CCP-Law) do Đại học Huế tổ chức sáng 7/1.

Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học

TIN MỚI

Return to top