ClockThứ Năm, 10/11/2022 08:25
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GDPT MỚI Ở BẬC THCS:

Giảm tải áp lực cho giáo viên - Kỳ 2: Giảm áp lực từ nhiều phía

TTH - Nhận diện áp lực và đi tìm giải pháp để vượt khó, hoàn thành mục tiêu hướng đến của Chương trình 2018 là vấn đề đặt ra.

Giảm tải áp lực cho giáo viên - Kỳ 1: Nhận diện áp lực

Học chương trình giáo dục phổ thông mới tăng tính chủ động trong học sinh. Ảnh: TCV

Mới nên bỡ ngỡ

Chương trình 2018 được triển khai ở bậc THCS mới ở năm thứ 2. Khác biệt căn bản là chương trình được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực. Yêu cầu ở bậc học THCS rất rõ ràng là giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên.

Có những bất cập mang tính giao thời như cùng môn học nhưng khối 6, 7 theo chương trình 2018, các khối còn lại đang thực hiện chương trình 2006 dẫn đến xáo trộn, lẫn lộn nhiều thứ vào nhau. Vẫn còn băn khoăn từ nhiều trường học và giáo viên khi có nhiều môn học, hoạt động giáo dục mới được triển khai. Chưa kể, sự xuất hiện của các môn lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Các em tham gia kỳ thi vào lớp 10

Thời gian qua, lan truyền trên mạng xã hội câu chuyện một giáo viên tự tử do không chịu nổi áp lực công việc. Buồn, đáng thương, đáng trách cũng là cụm từ mà mạng xã hội dành cho cô. Vẫn có cảm giác về sự vội vàng trong triển khai chương trình 2018. Mới đây làm một phỏng vấn nhỏ về chương trình 2018, chúng tôi nhận được câu trả lời khá thú vị, rằng chương trình có nhiều điểm mới và hay nhưng có quá nhiều đầu việc và áp lực, kể cả nhiều vấn đề cần xem lại.

Thầy giáo Trần Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Tứ (Hương Trà) cho rằng, khởi đầu nên cái gì mới cũng sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ và có những khó khăn. Vấn đề là, với phương châm hướng vào học sinh và tìm cách phát huy tối đa năng lực của các em là động lực để giáo viên và học sinh vượt khó, hội nhập và phát triển.

Quyền chủ động & hiệu trưởng

Ngay từ năm học đầu tiên triển khai chương trình đối với lớp 6, Trường THCS Huỳnh Đình Túc (TP. Huế) chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Theo Hiệu trưởng Lê Ngọc Hân, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhà trường vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa chú ý nâng cao chất lượng giảng dạy, luôn trau dồi ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền) chia sẻ, định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là hướng đi phù hợp. Đáng nói là, có nhiều sách giáo khoa để lựa chọn, có nhiều tiết học thực hành để rèn luyện, vấn đề là phải đổi mới cách dạy và học. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới. Ông Cường tin tưởng ở đội ngũ giáo viên có tới 48/49 người đạt chuẩn của trường.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học

Theo cô giáo Hồ Thị Xuân Hồng, Hiệu phó Trường THCS Đặng Văn Ngữ (TP. Huế), giáo viên có nhiều đầu việc, khó khăn của nhà trường là phân thời khóa biểu, phân công chuyên môn. Do không có giáo viên dạy 3 phân môn, phải dạy cuốn chiếu nên từ 4 đến 5 tuần phải đổi thời khóa biểu. Dự giờ thường không báo trước, vào đột xuất để không cần sự chuẩn bị. Những người sắp về hưu sẽ được bố trị dạy các lớp theo chương trình cũ. Nhiều Ban giám hiệu phân công giáo viên dạy các môn chuyên còn thiếu tiết là phải dạy cho đủ tiết theo định mức.

Điều khẳng định khi chương trình 2018 mới được triển khai là vai trò hiệu trưởng đặc biệt quan trọng. Một giáo viên tâm sự, mong có một hiệu trưởng biết quan tâm đến chất lượng giáo dục, không tạo áp lực cho giáo viên bằng các quy chế cứng nhắc. Thay vì chỉ trích và phê bình, nên chuyển sang góp ý chân thành. Hiệu trưởng cũng nên quan tâm đến nhu cầu tinh thần của giáo viên, khéo léo tổ chức cho giáo viên gặp gỡ, giao lưu, kết nối để gắn kết hơn. Và rất tuyệt vời nếu người đứng đầu nhà trường hiểu biết các văn bản hành chính, nắm được các quy định của ngành để giải thích với phụ huynh một cách thuyết phục.

Giảm tải bằng CNTT

Cho rằng dạy tích hợp không mới, giáo viên THCS đã được làm quen từ nhiều năm nay, thầy giáo Trần Việt Trung, tổ phó KHTN Trường THCS Huỳnh Đình Túc than phiền, vấn đề là phải tự nghiên cứu nhưng khó khăn là đầu sách tham khảo dành cho chương trình mới đến nay vẫn chưa soạn (?). Thiết bị dạy học rất quan trọng thì lại chưa đầy đủ, giáo viên buộc phải trưng dụng thiết bị của chương trình cũ để dạy chương trình mới. Chưa kể, càng lên cao hơn việc dạy và học môn tích hợp dễ quá tải cho 1 giáo viên phải dạy kiểu “ôm trọn”. Nguyện vọng được tập huấn, cập nhật kiến thức và phương pháp giảng dạy những môn kiêm nhiệm, nhưng chờ mãi mà chưa biết đến khi mô!

Khi mà áp lực là vấn đề nổi cộm thì giảm tải là câu chuyện cần tính đến. Thừa Thiên Huế đã tiến hành rà soát và thực hiện chủ trương giảm tải ít nhất 50% các kỳ thi đối với giáo viên và học sinh. Không sử dụng kết quả các cuộc thi để cộng điểm các kỳ thi tuyển sinh nhằm giảm áp lực cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế cũng chủ trương giảm thiểu tối đa việc hội họp, báo cáo, thống kê…. Đặc biệt, sử dụng rộng rãi các phần mềm hỗ trợ dạy học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học, quản lý giáo dục để giáo viên tập trung vào chuyên môn; triển khai sử dụng sổ điểm, sổ liên lạc điện tử… trong tất cả các bậc học.

Xem ra khi mà đổi mới giáo dục gắn liền với việc triển khai thành công Chương trình 2018 thì việc ứng dụng CNTT vào trường học đang là câu chuyện… "hot". Gần đây, nhiều trường THCS ở Thừa Thiên Huế thực hiện ứng dụng phần mềm Microsoft OneNote trong quản trị trường học. Cuốn sổ tay “Quản lý hồ sơ điện tử” được tạo ra từ tính năng phần mềm One là kho lưu trữ “khổng lồ”, hỗ trợ cho hoạt động quản trị, dạy và học trực tuyến, phù hợp trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: “Việc số hóa hồ sơ, sổ sách không chỉ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, mà còn tiết kiệm kinh phí, giảm bớt công sức lao động cho thầy cô và giảm thủ tục không cần thiết, giúp đội ngũ tập trung làm tốt công việc chuyên môn. Cùng việc triển khai hồ sơ, sổ sách điện tử, ngành giáo dục cũng đặc biệt chú trọng công cụ quản lý để bảo đảm đánh giá chính xác, công bằng, khách quan”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TIN MỚI

Return to top