ClockThứ Hai, 21/05/2018 13:45

Đừng "chạy" trái tuyến

TTH - Chọn trường cho con học, đúng tuyến hay trái tuyến, vẫn là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh cân nhắc. Tuy nhiên, trung học cơ sở (THCS) chỉ là cấp học phổ cập nên cho con học gần nhà vẫn là lựa chọn phù hợp.

Học trái tuyến- “cuộc đua” của phụ huynhKhông thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường họcChuyện học trái tuyếnTrái tuyến vẫn “nóng”

Một giờ học ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Lê Thọ

Một hiệu trưởng trường THCS trong thành phố than thở, chưa có năm nào “căng” như năm này. Người thân, bạn bè liên tục gọi điện xin một “suất” vào trường. Thực tình, số học sinh trong tuyến đã đủ mà chỉ tiêu vẫn như mọi năm nên trường không thể nhận hồ sơ thêm được. Hơn nữa, trường không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp trái tuyến. Lời giải thích của ông dường như không được phụ huynh chấp nhận nên mấy ngày liền ông đành “tắt máy” điện thoại để đỡ bị làm phiền.

Chuyện chọn trường đầu cấp THCS năm nào cũng "nóng", nhưng năm nay, số học sinh tuổi Đinh Hợi (heo vàng) gia tăng. Hơn nữa, tâm lý nôn nóng, muốn con có nơi học như ý khiến phụ huynh cuống cuồng. Mỗi người mỗi ý, người ở ngoại ô xin cho con vào trường cận trung tâm, người ở cận trung tâm lại bằng mọi cách đưa con vào học trường trung tâm. Thế nên, trường THCS được đánh giá là chất lượng đôi khi chỉ chạy theo số đông. Người nọ nghe người kia và cứ thế câu chuyện "chạy trường" được quy bằng tiền cứ âm ỉ, len lỏi vào đời sống của nhiều phụ huynh có con vào đầu cấp THCS. Nhưng có hay không lại là một chuyện khác, khi chưa có sự kiểm chứng hay phát hiện của các cơ quan chức năng.

Kiểu học trái tuyến theo trào lưu khiến các trường lâm vào cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Tình trạng trường thì quá tải, đông học sinh trái tuyến, trường thì không tuyển được đủ số học sinh đúng tuyến trong địa bàn. Nhiều trường huy động cả hệ thống chính quyền, đoàn thể, giáo viên ở địa phương đến từng nhà vận động các em học đúng tuyến.

Đã có những quy định của ngành giáo dục cốt để làm “khó” phụ huynh. Hội đồng tuyển sinh trường tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh theo địa bàn quy định, nếu còn chỉ tiêu thì được tuyển sinh ngoài địa bàn. Theo quy định, nếu có phát sinh ngoại tuyến, trường chỉ tiếp nhận đơn, sau đó quyền quyết định vẫn là Phòng Giáo dục và Đào tạo. Phòng sẽ duyệt đơn và tư vấn cho phụ huynh chọn trường phù hợp. Riêng những địa bàn có học sinh xin học trái tuyến, trách nhiệm thuộc về trường và địa phương khi chưa làm tốt công tác tuyển sinh. Riêng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường THCS Nguyễn Du không tiếp nhận học sinh phường Phú Hậu (những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo trước khi tiếp nhận).

Dường như quy định ấy vẫn không làm hạ nhiệt tình trạng học trái tuyến. Người ta vẫn đồn thổi, phải nhanh chóng chạy trường kẻo con em không có trường học. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế khẳng định, các trường trong TP. Huế đủ khả năng đón nhận thêm từ 5 đến 10% học sinh của các xã thuộc các huyện, thị giáp ranh.

Một số trường đang là “trường điểm” vẫn có thời gian bị phụ huynh quay lưng. Trong khi, cơ sở vật chất ở các trường đều được đầu tư ngang nhau, đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn. “Nhiều phụ huynh cứ tưởng tượng ra đủ chuyện, thực tế giáo viên trường tôi cũng như giáo viên ở các trường khác về năng lực. Chương trình học vẫn thế, sao phụ huynh phải học trái tuyến ở những trường “bị cái tiếng” là “trường điểm”. Thực ra, trong hệ thống các trường phổ thông, làm gì có “trường điểm”, nếu phụ huynh không tự thổi phồng. Hiệu trưởng của một trường đang rất nóng tuyển sinh đầu cấp THCS chia sẻ.

Đặt lại vấn đề có thực sự cần thiết “chạy trường” cho con ở bậc đầu cấp THCS khi chủ trương của Nhà nước, mở rộng các cánh cửa để thu hút 100% học sinh tiểu học được vào THCS? Theo T.S Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, THCS chỉ là cấp học phổ cập. Ngay khi các em không trúng tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP. Huế) vẫn còn 120 trường THCS khác trên địa bàn, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể để đăng ký nhập học. Các trường THCS toàn tỉnh đang trong quá trình đổi mới về cơ sở vật chất cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo là khuyến khích các trường đi theo hướng Trường THCS Nguyễn Tri Phương để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận kiến thức phụ thuộc vào mỗi học sinh chứ không phải nhà trường là yếu tố quyết định”.

Chọn cho con trường THCS gần nhà để học, không nhất thiết phải "chạy" trái tuyến vào các trường xa nhà, chỉ vì những suy nghĩ không thấu đáo của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ huynh mong muốn ngành giáo dục cần đầu tư trang thiết bị cho các trường một cách đồng đều. Khi cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường gần như tương đồng thì chắc chắn tình trạng “chạy trường, chạy lớp” sẽ giảm đáng kể.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh

Sáng 11/1, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025 diễn ra tại Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế, Đại học Huế và Thành đoàn Huế phối hợp tổ chức.

Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh
NGÀNH NGHỆ THUẬT ĐẶC THÙ:
Lận đận tuyển sinh

Dù việc tuyển sinh những năm gần đây có tín hiệu tích cực, nhưng một số ngành đặc thù liên quan đến văn hóa nghệ thuật vẫn rơi vào tình cảnh khó tìm học sinh, sinh viên. Đó là điều mà Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (TCVHNT) Thừa Thiên Huế đang phải đối mặt.

Lận đận tuyển sinh
Tuyển sinh Đại học 2024: 551.479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

Tối 27/8, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung có 551.479 thí sinh xác nhận học/673.586 thí sinh trúng tuyển, đạt 81,87%. Như vậy, có 122.107 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Tuyển sinh Đại học 2024 551 479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

TIN MỚI

Return to top