ClockThứ Ba, 15/11/2022 07:15

Chuyện thú vị về 3 tân thủ khoa sư phạm Huế

TTH - Điều đặc biệt là năm nay ở Đại học (ĐH) Huế là Trường đại học ĐH Sư phạm có đến 3 tân thủ khoa đầu vào với 28,75 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên). Tuy đến từ 3 địa phương khác nhau, nhưng tất cả đều mê ngành sư phạm và nhịp sống bình yên xứ Huế.

Nhiều trường đại học thành viên Đại học Huế khai giảng năm học, khóa học mới

Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm trao tặng khen thưởng có 3 tân thủ khoa trường (từ trái sang phải: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Bình An, Bùi Thị Hoài Nhi)

Duyên nợ với Huế

Gặp Nguyễn Anh Tuấn tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế trong những ngày đầu năm học 2022 - 2023, chàng tân sinh viên gây ấn tượng mạnh khi nói giọng Đà Nẵng, nhưng hòa nhập nhanh với môi trường mới. Tuấn chia sẻ: “Em có khá nhiều lựa chọn với mức điểm 28,75 (toán 9,8 điểm; hóa học 9,75 điểm, tiếng Anh 9,2 điểm), đủ điểm đậu y dược, nhưng lại một lòng hướng đến sư phạm Huế”.

Lựa chọn trên với Nguyễn Anh Tuấn cũng đầy duyên nợ. Chàng thủ khoa Trường ĐH Sư phạm kể, trước khi đăng ký nguyện vọng, nhiều người định hướng cho em những ngành nghề khác nhau. 12 năm học phổ thông đạt kết quả giỏi cùng nhiều giải học sinh giỏi cấp thành phố là nền tảng tốt để Anh Tuấn rộng mở nhiều cánh cửa lựa chọn. Tuấn nhớ lại: “Ông ngoại khuyên em học y, nhưng trong gia đình có mẹ, dì và chú đều làm ngành sư phạm. Đặc biệt, mẹ là cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế ngành sư phạm toán. Em đam mê nghề của mẹ. Từ lớp 3, em đã học toán nâng cao và học bổ trợ logic môn toán. Bao đam mê ấp ủ, cuối cùng em quyết định đến với ngành sư phạm Toán học đào tạo bằng tiếng Anh”.

Ngày Anh Tuấn đăng ký nguyện vọng xét tuyển tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, nhiều người thân, bạn bè cũng thắc mắc. Sinh sống tại Đà Nẵng, quê gốc lại ở Hải Dương, nhiều người cho rằng em có thể chọn học sư phạm ở nhiều trường khác, ngay cả ở Đà Nẵng. Nhưng lý do của Nguyễn Anh Tuấn lại khiến nhiều người bất ngờ. Anh Tuấn bảo: “Ngoài định hướng của mẹ thì em chọn sư phạm Huế vì em thích nhịp sống của Huế. Em đến Huế một lần, hồi còn học cấp 2 và thấy người dân Huế nhẹ nhàng, tinh tế. Em không thích lắm cuộc sống xô bồ của những thành phố lớn mà thích sự bình yên ở Huế. Qua tìm hiểu, tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế thuộc top cao so với trung bình chung cả nước, điều đó làm em vững tin hơn về chất lượng”.

Khác với Anh Tuấn, Bùi Thị Hoài Nhi (quê ở Hà Tĩnh) lại lựa chọn ngành giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, dù “không hẹn mà gặp”, nữ thủ khoa Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng có những mối duyên nợ với Huế khi quyết định lựa chọn học tập nơi đây.

Hoài Nhi tâm sự, ý định ban đầu của bản thân lựa chọn ngành du lịch, nhưng trước khoảnh khắc lựa chọn ngành nghề, nhiều yếu tố lại khiến em hạ quyết tâm chọn học sư phạm Huế. “Cô giáo chủ nhiệm của em cũng là cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Qua theo dõi sức học và tính cách của em, cô đã định hướng ngành nghề này cho em. Điều đặc biệt hơn là với lựa chọn này, em muốn viết tiếp giấc mơ của mẹ. Ngày trước, mẹ em mê làm giáo viên nhưng vì hoàn cảnh, giấc mơ ấy chưa thành hiện thực. Khi tìm hiểu về trường, đội ngũ thầy cô giáo, dường như ý định ban đầu học du lịch tan biến, trong đầu chỉ còn sư phạm Huế với môi trường sống không quá ồn ào, cảnh đẹp và đồ ăn ngon”, Hoài Nhi nhớ lại.

Trong 3 tân thủ khoa đầu vào Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, chỉ có Nguyễn Bình An là cô nữ sinh gốc Huế, đến từ Trường THPT chuyên Quốc học Huế. Bình An so sánh: “Nếu hai bạn đồng tân thủ khoa là người ngoại tỉnh yêu nhịp sống Huế, thì bản thân lại càng có nhiều lý do hơn để ở lại Huế học tập, một trong số đó bề dày văn hóa, lịch sử”.

Từ nhỏ, Nguyễn Bình An đã đam mê lịch sử. Suốt quá trình học tập, Bình An được các thầy cô truyền cảm hứng và khao khát trở thành một giáo viên dạy lịch sử. Lợi thế ở Huế, Bình An thường xuyên tìm hiểu về đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo. Nhiều thầy cô giáo là “thần tượng” của Bình An cũng là cựu sinh viên ở đây khiến em dứt khoát với quyết định của mình. “Em nỗ lực học sử, nhờ đó kỳ thi tốt nghiệp THPT, em được 10 điểm môn sử. Ban đầu cũng từng nghĩ đến ngành lịch sử của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhưng sau đó mọi sự cân nhắc đều đưa em đến với sư phạm Huế”, An kể.

Ấn tượng mạnh với Huế

Dẫu mới bước vào học kỳ đầu dưới giảng đường, nhưng không chỉ nữ thủ khoa người Huế mà hai tân sinh viên cùng là thủ khoa Trường ĐH Sư phạm cũng có những kỷ niệm để ấn tượng mạnh với vùng đất nơi mình lựa chọn học tập.

Nguyễn Anh Tuấn kể: “Trận lụt lớn gây ngập TP. Huế vừa qua, xe của của em bị chết máy khi lên trường. Đang lo lắng cho sự cố thì người dân bên đường gọi vào cho gửi xe với lời dặn, con cứ đi, yên tâm không mất. Ngày sau quay lại, em xin gửi ít tiền nhưng họ tuyệt đối không nhận mà còn cười rất thân thiện. Em càng ấn tượng với tình cảm của người dân Huế”.

Cũng với trận lụt ấy, phòng trọ của Bùi Thị Hoài Nhi ở đường Phó Đức Chính bị ngập. Nhưng, nữ sinh gốc Hà Tĩnh lại được những người “hàng xóm” ở tầng trên hỗ trợ chỗ ở, ăn uống. “Em mới đến Huế chân ướt chân ráo, lại không có người thân. Ấy vậy mà họ lại đùm bọc, giúp đỡ em tận tình như người trong nhà. Điều đó mang lại cho em bớt đi nhiều lo lắng trong những ngày tháng xa nhà sắp tới”.

Theo Nguyễn Bình An, tính cách, con người Huế cũng như dòng sông Hương thơ mộng, mặt trên phẳng lặng, phía dưới có cơn sóng ngầm, đó là sự thân thiện, cởi mở, nhưng sâu sắc, chứa nhiều nỗi niềm, ân tình. Cũng vì vậy, nhiều người phương xa thích đến với Huế, còn bản thân em lại không nỡ bỏ Huế đi xa để học.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top