ClockThứ Sáu, 30/10/2020 06:30

Băn khoăn nâng chuẩn giáo viên

TTH - Nâng chuẩn trình độ giáo viên các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7. Điều này khiến không ít giáo viên lo lắng khi họ lớn tuổi và không phải ai cũng có điều kiện để nâng chuẩn…

Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCSXây dựng mô hình Trường - Viện hoàn chỉnh, hướng tới đạt chuẩn quốc tế70% giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực

Một tiết học ở Trường THCS Trần Cao Vân (ảnh minh họa)

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) cho thấy, năm học 2019-2020, bậc học mầm non và phổ thông có 17.984 cán bộ quản lý và giáo viên đạt và trên chuẩn, trong đó, trình độ trên đại học là 1.938 người (10,78%), trình độ đại học: 12.331 người (68,57%), cao đẳng là 3.165 người (17,6%); trung cấp 550 người (3,06%).

Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở  có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Như vậy, sau ngày 1/7/2020 thì chuẩn trình độ của toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông đều có trình độ đào tạo là đại học trở lên. Điều này khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng vì từ chỗ đạt và trên chuẩn, họ trở thành giáo viên chưa đạt chuẩn, phải tiếp tục nâng cao trình độ. Tuy nhiên, đa số đều là những giáo viên có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm, nhiều người là giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi và đang thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, quản lý trong các cơ sở giáo dục.

Cô N.T.N, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế năm 2015. Cô đang dạy tại một trường tiểu học trong thành phố. Theo tiêu chuẩn trước đây, với trình độ cao đẳng, cô N. được xếp vào hạng trên chuẩn. Thế nhưng, theo quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019, cô N. trở thành giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo. “Chiếu theo quy định thì tôi phải học liên thông lên đại học mất khoảng 2 năm nữa. Thế nên, tôi chủ động đăng ký học nâng chuẩn và được nhà trường tạo điều kiện để theo học”. Cô N. chia sẻ.

Khá nhiều trường giáo viên có tuổi đời trẻ đều chủ động đi học, tuy nhiên, nhiều giáo viên có thâm niên dạy học hơn 20 năm lại băn khoăn. Cô T.N. A. giáo viên Trường THCS P. ở tuổi 48, có thâm niên dạy học 23 năm. Còn khoảng trên 10 năm nữa mới nghỉ hưu theo chế độ. Khi nghe tin mình thuộc đối tượng phải học nâng chuẩn từ trình độ cao đẳng lên đại học, cô A. phân vân. Vẫn biết việc học tập nâng cao trình độ sẽ giúp giáo viên đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi của công việc trong tình hình mới. “Nhưng với giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề như tôi, việc học tiếp lên đại học trong 2 năm không phải chuyện dễ dàng. Nhưng nếu không học, không biết có được tiếp tục giảng dạy hay không?”- cô A. lo lắng.

Thực tế, những giáo viên lớn tuổi không nên quá lo lắng. Theo Sở GD & ĐT, thời điểm nâng chuẩn sẽ căn cứ vào điều kiện của từng giáo viên nhưng phải bảo đảm nguyên tắc xét số năm còn trong độ tuổi công tác để bố trí đi học trước hoặc sau. Cụ thể, độ tuổi phải nâng trình độ chuẩn đối với giáo viên mầm non là còn đủ 7 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu; giáo viên tiểu học 8 năm; giáo viên THCS còn đủ 7 năm. Những giáo viên này sẽ được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn trước. Trường hợp hết thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn, giáo viên không được cấp bằng tốt nghiệp sẽ thực hiện theo quy định về sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Trên địa bàn tỉnh, số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn mới không nhiều so với tỉnh khác. Giáo viên có thể yên tâm công tác và học tập nâng cao trình độ theo lộ trình, không nên hoang mang, lo lắng. Bởi ngành GD & ĐT đã có kế hoạch nâng chuẩn trình độ đào tạo cho giáo viên. Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được tiến hành trong 10 năm, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp. Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện nâng chuẩn đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định...

Cùng với chủ trương chung của tỉnh, ban giám hiệu của các trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên được đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn. Theo ông Phan Như Hoàng, Phó Trưởng phòng GD & ĐT TX. Hương Trà: Toàn thị xã có 20 giáo viên cần nâng chuẩn theo quy định. Đến nay, một số giáo viên đã nộp hồ sơ học liên thông lên đại học. Các trường đã động viên và tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp tục đi học để nâng cao trình độ.

Để giải bài toán cho đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ, ngành giáo dục đã có nhiều dự kiến nhưng làm thế nào để các thầy cô giáo vừa đáp ứng được công việc, nâng cao được trình độ mà vẫn thể hiện được tính nhân văn là cả một vấn đề.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Luật Nhà giáo & sự mong chờ của giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo với những chính sách mới, đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo nhận được sự quan tâm của đông đảo giáo viên. Những chính sách tốt hơn dành cho nhà giáo là động lực để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề.

Luật Nhà giáo  sự mong chờ của giáo viên
Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

Từ ngày 27-29/11 tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên tiếng Pháp cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

TIN MỚI

Return to top