ClockThứ Ba, 13/10/2020 06:30

Nhiều sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu hữu ích cho cuộc sống

TTH - Hơn 2 năm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các chuyên gia của Viện CNSH, Đại học (ĐH) Huế cho ra đời nhiều sản phẩm ứng dụng, giúp người nuôi trồng thủy sản giảm bớt những rủi ro.

Nhiều sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu phòng trị bệnh cho tôm, cáTạo điều kiện cho sinh viên công nghệ tiếp cận với thực tiễn ngành nghềKhẳng định thương hiệu Viện Công nghệ Sinh học cấp quốc gia

Sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế

Nhiều sản phẩm ứng dụng

PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, ĐH Huế (đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chương trình nghiên cứu) cho biết, đến nay chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) cấp Bộ là “Nghiên cứu ứng dụng CNSH để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế” đạt được các kết quả tốt. Chương trình không chỉ cho ra báo cáo hoàn chỉnh điều tra về tình hình nhiễm bệnh trên tôm, cá nuôi tại Thừa Thiên Huế mà còn xuất bản được 5 bài báo quốc tế; trong đó, có 3 bài trên danh mục ISI/Scopus; 10 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước, hỗ trợ hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh, đào tạo 4 thạc sĩ, 12 quy trình công nghệ và 6 sản phẩm ứng dụng.

“Các sản phẩm ứng dụng ra đời từ các nghiên cứu là: “Kit chẩn đoán vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus”; “Kháng thể Vibfish phòng trị bệnh xuất huyết lở loét do vi khuẩn Vibrio gây ra ở cá”; “Chế phẩm Wesialla”; “Chế phẩm kháng thể phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (Anti-AHPND)”; “HU-GANTOMIX thảo dược công nghệ mới, tăng cường chức năng gan tôm, cá” và “AHPND - multiplex PCR kit”, lãnh đạo Viện CNSH, ĐH Huế thông tin.

Việc hình thành những sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu là tín hiệu đáng mừng. Theo TS. Hoàng Tấn Quảng, Trưởng phòng Thí nghiệm công nghệ Gen, Viện CNSH, thị trường đã có sản phẩm ứng dụng từ những nghiên cứu liên quan, song phạm vi nghiên cứu cùng nhiều yếu tố khác đòi hỏi cần có thêm những nghiên cứu mới. Điển hình như “AHPND - multiplex PCR kit” – bộ kit được sử dụng để chẩn đoán và phát hiện chính xác tác nhân vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi là một minh chứng. Trước khi nghiên cứu, các chuyên gia đã khảo sát, đánh giá tác nhân gây bệnh trên tôm của địa phương, đồng thời phát hiện ra tác nhân gây bệnh mới.

“Sau khi so sánh kết quả phát hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm với một số bộ kit đã được thương mại hóa trên thị trường, bộ kit multiplex PCR mà chúng tôi đưa ra ngoài khả năng phát hiện gen mã hóa cho độc tố gây bệnh và nguồn gây bệnh phổ biến là loài Vibrio parahaemolyticus giống với các bộ kit khác, bộ kit của chúng tôi còn có khả năng nhận diện loài khác là loài Vibrio shilonii”, TS. Hoàng Tấn Quảng chia sẻ.

Điểm đặc biệt từ các sản phẩm ứng dụng từ nghiên cứu trên là tính mới và tính sáng tạo. ThS. Đặng Thanh Long, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chế tạo kháng thể phòng trị bệnh lở loét do vi khuẩn Vibrio sp. gây ra ở cá” và đã có sản phẩm ứng dụng cho biết, phương thức tiếp cận của nhóm nghiên cứu là dựa vào cơ sở khoa học và thực tiễn của công nghệ AND tái tổ hợp, công nghệ protein tái tổ hợp và công nghệ sản xuất kháng thể.

Theo ThS. Đặng Thanh Long, công nghệ chế tạo kháng thể truyền thống dùng cho điều trị bệnh ở người và động vật thường sử dụng các gia súc lớn như ngựa, cừu. Tuy nhiên, công nghệ này có một số nhược điểm là kích thước động vật lớn, đòi hỏi lượng kháng nguyên để gây miễn dịch phải nhiều; để có kháng thể phải lấy máu động vật để tách huyết thanh hoặc huyết tương rồi tinh chế kháng thể với quy trình chế tạo phức tạp. Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ AND tái tổ hợp, công nghệ protein tái tổ hợp và công nghệ sản xuất kháng thể sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn.

PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng ban KHCN và Quan hệ quốc tế ĐH Huế đánh giá: “Chương trình KHCN cấp Bộ trên do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng đã cho ra những kết quả tốt, đạt và vượt yêu cầu thuyết minh đặt ra”.

Tiềm năng thương mại hóa

Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành nghề quan trọng, phát triển tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Dịch bệnh với thủy sản luôn là nỗi lo của người dân, nhất là những vùng nuôi tự phát, không có hệ thống xử lý nước như những doanh nghiệp lớn.

ThS. Đặng Thanh Long cho hay, bệnh lở loét trên cá do vi khuẩn Vibrio sp. là bệnh xảy ra phổ biến nên nhu cầu sử dụng chế phẩm phòng trị rất lớn. Vì vậy khả năng chuyển giao và ứng dụng là rất tốt. Chế phẩm sinh học có thể được sử dụng rộng rãi trong các trại nuôi trồng thủy sản; Cung cấp chế phẩm phòng trị bệnh lở loét trên cá do vi khuẩn Vibrio sp. cho thị trường trong nước. Quy trình sản xuất chế phẩm có thể được chuyển giao cho các doanh nghiệp KHCN và các cơ sở sản xuất.

TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, Trưởng phòng Khoa học – Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Viện CNSH, ĐH Huế cho rằng, điểm đặc biệt trong chương trình KHCN với những nghiên cứu ứng dụng CNSH để tạo sản phẩm sử dụng trong phòng trị một số bệnh ở tôm, cá là ngoài nghiên cứu và cho ra đời các kit chẩn đoán thì còn có các chế phẩm kháng thể với mức độ an toàn cho thủy sản và người nuôi trồng. Nhu cầu người nuôi tôm, cá cao thì tiềm năng thương mại hóa rất lớn. Thời gian tới, Viện CNSH, ĐH Huế sẽ tìm giải pháp kết nối với các doanh nghiệp để mở đầu ra cho các sản phẩm nghiên cứu trên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong phân loại rác

Ứng dụng công nghệ trong phân loại rác tại nguồn và thu gom rác tái chế trên điện thoại di động ngày càng được nhiều người dân sử dụng. Đây được xem là bước tiến thúc đẩy thói quen phân loại rác tại các hộ gia đình cũng như tăng cường thu gom rác tái chế, góp phần xây dựng Huế ngày càng sạch đẹp, xứng tầm là Thành phố Xanh quốc gia.

Ứng dụng công nghệ trong phân loại rác
Nâng tầm sản phẩm, kết nối tour tuyến thu hút khách

Cùng với việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm OCOP, quận Thuận Hóa xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm sản phẩm làng nghề.

Nâng tầm sản phẩm, kết nối tour tuyến thu hút khách

TIN MỚI

Return to top