ClockThứ Ba, 20/10/2020 14:17

Những học sinh “đặc biệt”

TTH - Mở lớp học, kiên trì vận động các chị 6X, 7X đêm đêm đến lớp là nỗ lực của Hội LHPN xã Phong Xuân (Phong Điền) giúp nhiều phụ nữ tìm lại con chữ bị bỏ qua thời thơ trẻ.

Xóa mù chữ, hành trình gian nan

Dù lớn tuổi, các chị vẫn quyết theo học chữ

Mưa lũ khiến lớp học xóa mù chữ của Hội LHPN xã Phong Xuân tạm đóng cửa, nhưng chị Nguyễn Thị Gái, suýt soát tuổi 60 vẫn không quên đưa sách lớp 4 ra ôn bài. Chị Gái cho biết, mưa lũ không đi làm được nên tranh thủ đưa bài ra học. Từ không biết đọc, biết viết, qua hơn 3 năm theo lớp xóa mù chữ, giờ chị đã đọc được tin tức trên báo.

Chị Gái nhớ lại, ngày xưa cuộc sống vất vả, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chị phải tất bật phụ cha mẹ mưu sinh, lớn lên lấy chồng, sinh con rồi cứ thế bỏ qua con chữ. Có lần đi vay vốn ngân hàng, đến lượt ký và ghi rõ họ tên để nhận tiền, chị lớ ngớ không viết được, cuối cùng phải điểm chỉ tay. Khi được Hội LHPN xã vận động theo lớp học xóa mù chữ, chị tham gia liền. Dù tuổi lớn, mắt kém, tay cầm bút không quen, nhưng với quyết tâm xóa mù chữ cho bản thân, chị Nguyễn Thị Gái đã vượt qua tất cả. “Từ ngày tham gia lớp học đến nay, tôi chưa một đêm nghỉ học”, chị Gái khoe.

Các con còn nhỏ, lại bận rộn lao động kiếm tiền, nhưng chị Đặng Thị Ly, thế hệ 7X vẫn sắp xếp theo lớp học đều đặn hàng đêm.

Chị kể, không biết đọc, biết viết không những thiệt thòi cho bản thân mà còn xấu hổ với bạn bè. Có điện thoại thông minh cũng không biết lập các trang mạng xã hội facebook, zalo để kết nối bạn bè... nên chị quyết đi học cho bằng được.

Những ngày nghỉ do dịch COVID-19, rồi nghỉ do lũ lụt, chị Ly lại nóng lòng, mong mọi khó khăn qua nhanh để được quay lại lớp học. “Lúc đầu được vận động tham gia lớp học, tôi định không đi vì vừa thấy ngại vừa sợ khó không học được. Giờ biết đọc, biết viết rồi, tôi rất vui và biết ơn các cán bộ hội phụ nữ xã Phong Xuân đã giúp chị em tôi tìm lại được con chữ bị bỏ quên trước đây”, chị Ly tâm sự.

Chứng kiến chị Gái, chị Ly và nhiều chị khác tự tin cầm bút ký và ghi rõ họ tên trong mỗi lần giải ngân vốn vay, hay cầm micro hát karaoke mỗi lần liên hoan văn nghệ là niềm vui của đội ngũ cán bộ Hội LHPN xã Phong Xuân.

Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Xuân cho biết, những lần về điều hành sinh hoạt cơ sở, chứng kiến nhiều hội viên lên chức mẹ, chức bà nhưng không biết đọc, biết viết, cảm thông với những thiệt thòi của các chị, Hội LHPN xã tìm cách bù đắp. Các chị xin chủ trương từ Đảng ủy xã rồi phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp xóa mù chữ cho phụ nữ. “Đã làm công tác tư tưởng trong các đợt sinh hoạt hội, song để vận động các chị đến được lớp không phải dễ. Dù muốn được xóa mù chữ nhưng với tâm lý xấu hổ, sợ mất thời gian, sợ không học được nên các chị ai cũng đắn đo. Chúng tôi phải kiên trì, tìm hiểu từng hoàn cảnh để “thủ thỉ” phân tích, vận động cho hiệu quả”, chị Hoài cho biết.

Để mở được 2 lớp học với gần 30 người đầu năm 2017 tại hai thôn Quảng Lợi và Vinh Ngạn, trước đó mấy tháng ròng, đội ngũ cán bộ hội phải đến từng nhà gõ cửa hàng đêm. Không chỉ phụ nữ, nam giới các chị cũng vận động.

Dù rất nỗ lực, song sau một thời gian lớp học tại thôn Vinh Ngạn không còn duy trì, riêng lớp tại thôn Quảng Lợi vẫn đều đặn mỗi tuần 3 buổi, từ 19h đến 21h đêm với 12 học viên. Để động viên các chị, cán bộ phụ nữ xã Phong Xuân thường xuyên đến lớp học thăm hỏi. Bản thân cô giáo trẻ Đặng Thị Quyên trực tiếp đứng lớp đã nỗ lực tìm tòi nhiều phương pháp dạy phù hợp, giúp các “học sinh đặc biệt” của mình không nhàm chán trong trong mỗi buổi học.

“Sau thành công của lớp học tại thôn Quảng Lợi, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động những chị còn lại chưa biết chữ tham gia học, giúp các chị xóa được mặc cảm vì mù chữ”, chị Thu Hoài cho biết.

Bài, ảnh: Thảo - Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền: Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm

Đó là một trong những thông tin quan trọng đưa ra tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động công tác Mặt trận năm 2024 và triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2025 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) thị xã Phong Điền tổ chức vào ngày 10/1.

Phong Điền Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm
Phong Điền: Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp

Do đầu tư xây dựng đã lâu cùng với những đợt mưa dồn dập gần đây, nhiều tuyến đường liên xã, phường và tỉnh lộ (TL) ở thị xã Phong Điền xuống cấp, hư hỏng nặng làm mất an toàn giao thông (ATGT) cho người, phương tiện lưu thông.

Phong Điền Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp
Công bố thành lập thị xã Phong Điền

Chiều 31/12, huyện Phong Điền long trọng tổ chức Lễ Công bố thành lập thị xã Phong Điền theo Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham dự buổi lễ, có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; cùng nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, huyện và Nhân dân trên địa bàn Phong Điền.

Công bố thành lập thị xã Phong Điền
Thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu về “một nhà”

Từ đầu năm 2025, người dân thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu (Phong Điền) về chung "một nhà" sau khi sáp nhập thành đơn vị hành chính (ĐVHC) mới- phường Phong Thu, thuộc thị xã Phong Điền theo Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu về “một nhà”
Phong Điền ngày càng xanh, sạch, sáng

Từ một địa phương thuần nông, huyện Phong Điền đã phát triển và trở thành thị xã vào đầu năm 2025. Điều mà ai đến Phong Điền hôm nay cũng đều cảm nhận được là diện mạo từ đô thị trung tâm huyện lỵ, thị trấn đến các vùng quê đều khang trang, sạch đẹp.

Phong Điền ngày càng xanh, sạch, sáng

TIN MỚI

Return to top