|
Giáo dục ở vùng cao luôn được tỉnh quan tâm đầu tư |
Đảm bảo cho sự phát triển
Tháng 12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 135 về phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của Nghị quyết là phát triển giáo dục tỉnh nhà theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập, bảo đảm công bằng trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Chú trọng sự phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới...
Về phát triển quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục đến năm 2030, toàn tỉnh có 586 trường mầm non, phổ thông (56 trường ngoài công lập); trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 93% (đạt mức độ 2 trên 16,9%). Tỷ lệ huy động trẻ mầm non và học sinh phổ thông đạt 84,7%. 100% trường mầm non, phổ thông đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi. 100% nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đạt và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó, trên chuẩn đạt trên 25%.
|
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng Hồ Đức Trung, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế đoạt Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế |
Để thực hiện những mục tiêu trên, Nghị quyết tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp, như đổi mới công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện chính sách cho phát triển giáo dục, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, tăng cường xã hội hóa trong giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đảm bảo nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho phát triển giáo dục…
Trong năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục đã chủ động, tích cực trong việc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng, triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch, đề án. HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, như: Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND quy định mức chi kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 29/2023/NQ-HĐND quy định chế độ, chính sách cho học sinh và giáo viên trong các cuộc thi, kỳ thi học sinh giỏi các cấp… Những quyết nghị quan trọng này tạo cơ chế, chính sách cho sự phát triển giáo dục và đào tạo, tạo động lực quan trọng động viên đội ngũ giáo viên, học sinh toàn ngành thi đua dạy tốt, học tốt và lập thành tích cao trong học tập, góp phần đưa giáo dục Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng về chất lượng và truyền thống dạy học.
Điểm sáng về chất lượng
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), sự chỉ đạo quyết liệt của Sở GD&ĐT cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã tạo nhiều chuyển biến tích cực. Các trường đã chủ động trong việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là việc linh hoạt trong sử dụng sách giáo khoa, tài liệu bổ trợ dạy học, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định chuyên môn của ngành.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được UBND tỉnh và các địa phương quan tâm. Nhiều dự án trường học quy mô ở các cấp được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được bố trí nguồn lực thực hiện trong giai đoạn đầu tư công 2022 - 2025. Số phòng học được đầu tư mới, bổ sung trong năm học 2023 - 2024 là 216 phòng; số phòng học được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa là 227 phòng.
Việc thực hiện mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu được thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tổng kinh phí đã đầu tư cho năm học 2023 - 2024 gần 200 tỷ đồng. Hàng năm, nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi bình quân 366 tỷ đồng, riêng năm học 2023 - 2024 chi đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục khoảng 42 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tân cho hay, giáo dục mũi nhọn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, tiếp tục khẳng định vị trí trong top 10 về kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào đại học và nhập học tiếp tục đứng tốp dẫn đầu cả nước. Khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn ngày càng được thu hẹp. Các trường vùng sâu, vùng xa đã có sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Thừa Thiên Huế cũng đăng cai tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, cuộc thi của quốc gia, góp phần tích cực vào nâng cao vị thế và tạo điều kiện để giáo viên, học sinh được tham gia phát triển năng lực.