ClockThứ Bảy, 17/02/2024 06:58

Cơ hội rộng mở với sinh viên có ngoại ngữ tốt

TTH - Thực tiễn cho thấy, khi có ngoại ngữ tốt, nhiều cơ hội việc làm sẽ được mở ra đối với sinh viên sau khi ra trường.

Doanh nghiệp hài lòng với chất lượng sinh viên

Ngoại ngữ là lợi thế đối với sinh viên sau khi ra trường (Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế) 

Lương cao gấp 2 - 3 lần

Mới đây, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức hoạt động kết nối giữa sinh viên với các doanh nghiệp trong lĩnh vực. Việc kết nối giúp sinh viên nắm bắt được những yêu cầu của doanh nghiệp, qua đó chuẩn bị tốt “hành trang” khi ra trường. Đồng thời, còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và thực tế hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoại ngữ đối với sinh viên sau ra trường chính là vấn đề được doanh nghiệp nhấn mạnh. Theo các doanh nghiệp, sinh viên ngành công nghệ và kỹ thuật cần tập trung trang bị thật tốt kỹ năng ngoại ngữ. Khi có ngoại ngữ tốt, mức lương sau khi ra trường có thể cao gấp 2 - 3 lần so với mức trung bình.

Đại diện Tập đoàn FPT phân tích, các doanh nghiệp hoạt động về công nghệ, kỹ thuật đa phần kinh doanh ở nhiều quốc gia. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng họ sẽ ưu tiên những ứng viên thành thạo ngoại ngữ. Đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành kỹ thuật và công nghệ. Ngoại ngữ trở thành yếu tố quan trọng, chiếm đến 50% cơ hội để sinh viên có thể trúng tuyển vào các vị trí việc làm có mức thu nhập “khủng”, đảm nhiệm công việc ở trong hay nước ngoài.

Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế, người từng tham gia cố vấn nhiều tập đoàn, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước như Mỹ, Singapore khẳng định, thay vì quá tập trung vào đào tạo chuyên môn, các đơn vị đào tạo cần chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Đó là nền tảng để các em mang theo sau khi ra trường, tạo cơ hội lớn ở những môi trường làm việc hội nhập quốc tế. Khi có trình độ ngoại ngữ tốt, mức lương của kỹ sư cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Đây cũng là một phần quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực tốt, nhân lực chất lượng cao.

Theo Đại học Huế, ngoại ngữ đang dần trở thành “chìa khóa” giúp nhiều sinh viên tìm kiếm được những công việc tốt hơn rất nhiều so với kỳ vọng trước đó. Nguyễn Thị Kim Huê, cựu sinh viên ngành Quản trị quan hệ công chúng, Trường Du lịch – Đại học Huế hiện đang làm việc tại bộ phận xuất nhập khẩu của một công ty tại Philippines cảm thấy may mắn khi được trải nghiệm trong môi trường làm việc đa quốc gia, năng động và đòi hỏi sự thích nghi cao. Mức lương 43 triệu đồng ở 3 tháng đầu tiên làm việc và tăng lên từ 50 – 64 triệu đồng từ tháng thứ 4 trở đi. Đó là mức lương mơ ước của hầu hết sinh viên khi ngồi trên giảng đường.

Theo Nguyễn Thị Kim Huê, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là yêu cầu đầu tiên đối với các nhà tuyển dụng quốc tế. Nếu như vốn ngoại ngữ không tốt sẽ gây khó khăn trong quá trình giao tiếp, nhất là khi làm việc tại các quốc gia đa văn hóa. Chính vì thế, vòng phỏng vấn sẽ rất gắt gao mới được lựa chọn vào làm việc. Phải hiểu yêu cầu, cũng như những gì nhà tuyển dụng trao đổi. Nếu ngoại ngữ không tốt, chắc chắn sẽ không thể trao đổi, giải đáp các yêu cầu đó. Khi đó, sẽ lập tức bị loại, dù chuyên môn có giỏi đến mức nào đi chăng nữa.

Quan trọng là nỗ lực của sinh viên

Tại Trường đại học Kinh tế, thống kê của một đơn vị kiểm định chất lượng cho ra con số khá bất ngờ là có đến 30% sinh viên ngành Quản trị nhân lực của trường này được tuyển dụng vào làm việc trong công ty nước ngoài. Khi các công ty nước ngoài muốn mở rộng thị trường vào Việt Nam, họ ưa chuộng sử dụng lao động tại chỗ có khả năng am hiểu ngoại ngữ. Khi trao đổi với các doanh nghiệp thì họ đánh giá cao sinh viên ở kỹ năng về ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Theo các doanh nghiệp, không chỉ các ngành học như du lịch, marketing, quốc tế học… mà tất cả các ngành nghề hiện nay, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ là điểm cộng để sinh viên có được những vị trí việc làm tốt hơn. Không chỉ trong nước mà kể cả các thị trường nước ngoài.

Tại cuộc làm việc với Trường đại học Khoa học, Đại học Huế, các đối tác Nhật Bản mong muốn tuyển dụng các kỹ sư điện, điện tử, công nghệ thông tin của trường, nhưng họ rất lo lắng về khả năng tuyển dụng được kỹ sư. Lý do không phải là tay nghề mà chính là ngoại ngữ. Dù đã có cơ hội thực tập ở Nhật Bản một thời gian, song các kỹ sư sau khi ra trường khả năng nói tiếng Nhật vẫn rất hạn chế. Hay theo như chia sẻ của lãnh đạo Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế, chính ngoại ngữ đã và đang làm cản trở những cơ hội đi làm việc ở các thị trường nước ngoài của rất nhiều sinh viên sau ra trường.

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, đối với Đại học Huế là đại học Vùng nên có chứng chỉ nội bộ riêng. Cụ thể, sinh viên ra trường, ngoài Trường đại học Ngoại ngữ thì phải đạt chứng chỉ B1 trong khung 6 bậc. Ngoài ra, đối với các chứng chỉ được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, như TOEIC, TOEFL, IELTS, APTIS… đều có thể áp dụng để tốt nghiệp ra trường.

Hiện một số chương trình đào tạo nâng cao, Đại học Huế nâng chuẩn ngoại ngữ để tốt nghiệp lên B2 trong khung 6 bậc. Rất nhiều sinh viên vì chứng chỉ ngoại ngữ mà không thể tốt nghiệp ra trường. Việc “siết” chứng chỉ ngoại ngữ cũng là một giải pháp để Đại học Huế nâng chuẩn chất lượng đầu ra.

Theo TS. Lê Văn Tường Lân, đối với ngoại ngữ, quan trọng là sự nỗ lực và ý thức của mỗi sinh viên. Các em phải nhận thức rằng, khi có ngoại ngữ tốt, không chỉ là điều kiện để tốt nghiệp, mà đó là lợi thế vô cùng lớn khi đi xin việc. Vì vậy, sinh viên cần tự nâng cao năng lực ngoại ngữ, cần vượt qua mức chuẩn chung để tạo lợi thế riêng cho bản thân nhằm phục vụ công việc sau này.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

TIN MỚI

Return to top