ClockThứ Ba, 07/01/2025 15:37

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

TTH - Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Giảm bớt những áp lực vô hình cho học sinhGiữ vững tâm lý trước kỳ thi

 Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học nghiên cứu khoa học. Ảnh: Châu Lê

Gần đây, nhiều cuộc thi liên tục được tổ chức trong các nhà trường với nhiều hình thức và nội dung hết sức phong phú. Hầu hết các cuộc thi đều nhằm tạo ra những sân chơi bổ ích giúp học sinh hiểu biết về nhiều lĩnh vực, nâng cao nhận thức, hoàn thiện bản thân. Thông qua các cuộc thi này, nhiều học sinh có những khả năng đặc biệt được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và có điều kiện phát triển năng lực bản thân.

Có một thực tế là, các cuộc thi đang được tổ chức với mật độ ngày càng dày: Thi trên lớp, thi ở trường, thi trực tuyến, thi trực tiếp, thi làm bài trên giấy, thi bằng cách trả lời câu hỏi trắc nghiệm, thi bằng cách nộp sản phẩm, thi giữa các trường, các nhóm trường… với nhiều nội dung khác nhau. Các cuộc thi được tổ chức với phạm vi trong ngành, liên ngành và rộng hơn là phạm vi toàn quốc. Tính từ tháng 8/2024 đến nay, chỉ hơn bốn tháng nhưng có đến gần hai mươi cuộc thi khác nhau; chưa kể, một số nhà trường còn tổ chức các cuộc thi cấp trường về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thi ý tưởng khoa học, nghiên cứu khoa học... Nhiều cuộc thi quá sẽ làm học sinh sao nhãng việc học chính khóa, ảnh hưởng đến chất lượng học tập toàn diện.

Vẫn biết là các em có quyền tham gia hoặc không tham gia ở một số cuộc thi mang tính chất tự nguyện. Tuy nhiên, nếu có văn bản triển khai cuộc thi mà nhà trường không triển khai đến học sinh là thiếu trách nhiệm, nhưng nếu triển khai thì học sinh sẽ phải tham gia quá nhiều cuộc thi. Điều đó khiến không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy “bội thực”, áp lực, nhất là vào thời gian cao điểm khi các em cần tập trung để kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ... Trong một lần dự hội thảo, tôi đã được nghe các giáo viên than thở: có nhiều cuộc thi quá, triển khai mà học sinh không tham gia thì hiệu quả công việc kém, mà yêu cầu các em tham gia thì lại gây áp lực, chỉ có cách động viên, khuyến khích để các em tham gia.

Trước đây, với thực trạng nhiều cuộc thi dành cho học sinh và giáo viên trong nhà trường phổ thông có dấu hiệu rộ lên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 1915/BGDĐT-GDTrH ngày 5/5/2017 về việc tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông. Trên cơ sở đó, các địa phương tiến đã hành rà soát các cuộc thi dành cho học sinh, chủ động tinh giản, loại bỏ những cuộc thi không cần thiết gây áp lực cho học sinh và giáo viên, gây ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học.

Nhận thấy có quá nhiều cuộc thi dành cho học sinh, để tránh gây áp lực cho các em, một số trường đã giảm bớt việc tổ chức các cuộc thi cấp trường. Tuy nhiên, một số cuộc thi phải tổ chức ở cấp cơ sở, dựa trên kết quả ở cơ sở mới tiếp tục đưa đi thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ví dụ: Thi chọn học sinh giỏi; Thi Khoa học kỹ thuật; Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng... Để phát huy tinh thần chủ động, tích cực của học sinh, góp phần phát triển năng lực của các em, một số trường đã gửi hướng dẫn của các cuộc thi, nội dung và giải thưởng để học sinh quan tâm hoặc nhận thấy phù hợp với năng lực có thể tham gia, không ép buộc.

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em là điều nên làm. Tuy nhiên cần phải chọn lọc những cuộc thi vừa sức, phù hợp với học sinh, kích thích sự học, sự sáng tạo của các em, giúp các em tìm hiểu những kiến thức bổ ích, thiết thực liên quan đến cuộc sống. Việc học sinh chọn tham gia hoặc không tham gia các cuộc thi này tùy vào khả năng, niềm đam mê, sở thích, mong muốn của các em. Điều cần lưu ý là việc lựa chọn thời điểm triển khai các cuộc thi phải phù hợp, tránh triển khai vào thời gian học sinh chuẩn bị kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ… và tránh ép buộc, áp đặt, gây áp lực cho học sinh thì hiệu quả các cuộc thi sẽ cao hơn.

Nguyễn Thị Hoa Phượng
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp thông qua ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam"

Tổ chức cho học sinh chia sẻ về ước mơ, khát vọng; truyền cảm hứng, hướng nghiệp định hướng tương lai và trao quà hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn là những hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong chương trình ngày hội "Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" do Trường cao đẳng Công nghiệp Huế phối hợp với Trường THCS Thủy Phương (TX.Hương Thủy) tổ chức vào ngày 9/1. Hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học sinh - Sinh viên Việt Nam.

Hướng nghiệp thông qua ngày hội Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam
“Vừa hồng, vừa chuyên"

Với học sinh và sinh viên (HSSV), Ngày truyền thống HSSV (9/1) hàng năm là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ HSHV trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vừa hồng, vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top