ClockThứ Sáu, 18/03/2016 14:18

Xã hội hóa Festival Huế 2016...

TTH - Thành công của các kỳ festival trước đã tạo cú hích lớn để Ban tổ chức Festival Huế 2016 tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, cả về kinh phí lẫn các chương trình nghệ thuật.

Đến thời điểm này, Festival Huế 2016 đã “lên khuôn” với thời gian diễn ra từ 29/4 đến 4/5, khoảng 42 hoạt động nghệ thuật lớn nhỏ; 15 quốc gia tham gia với 20 đoàn nghệ thuật quốc tế và 12 đoàn nghệ thuật trong nước biểu diễn.

Sắc màu văn hóa quốc tế tại Festival Huế 2014

Ngoài các đoàn nghệ thuật trong nước, Festival Huế 2016 tiếp tục quy tụ các đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, SriLanka, Australia, Hoa Kỳ, Mêhicô, Colombia...

Những chương trình nghệ thuật chính cũng được khẳng định, gồm: Đêm khai mạc, bế mạc; Lễ Tế Giao; Đêm Hoàng Cung; Giới thiệu Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; Ngày hội Phật Giáo Huế và Lễ hội Đèn quảng chiếu; Chương trình nghệ thuật của các đoàn trong nước và quốc tế; Chương  trình  Âm nhạc  Trịnh  Công  Sơn; Chương trình áo dài “Rực rỡ Kinh kỳ”; Chương trình nghệ thuật Bế mạc và nhiều hoạt động hưởng ứng khác.

Nguồn tài trợ “đỉnh”

“Đỉnh” nhất tính từ kỳ đầu tiên năm 2000 đến nay, tại thời điểm này, tổng mức tài trợ cho Festival Huế 2016 mà Ban Tổ chức vận động được là 27,7 tỷ đồng; trong đó, 21,26 tỷ đồng là hiện kim.

Huy động kinh phí từ các nguồn lực xã hội để tổ chức là một trong những mục tiêu quan trọng mà Ban Tổ chức các kỳ Festival Huế hướng tới. Với Festival Huế 2016 cũng vậy, nhưng cách thực hiện đã có phần khác hơn. Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, vui vẻ: “Chưa bao giờ công tác xã hội hóa trong Festival Huế lại được đẩy mạnh như năm nay. Nội dung không dàn trải, thời gian ngắn gọn nhưng “nguồn tiền” xã hội hóa lại nhiều ra.

Để có được nguồn kinh phí gần 28 tỷ này, Ban Tổ chức Festival Huế 2016 đã làm việc với 20 đối tác ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 19 đơn vị trong tỉnh để kêu gọi tài trợ. Trong số các đơn vị đã ký kết thỏa thuận tài trợ, nhiều đơn vị là nhà tài trợ truyền thống: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Mobifone, Vietnam Airline, Vietravel...

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2016, cho biết: “Festival Huế 2016 nhận được sự tài trợ lớn nhất từ trước đến nay, chứng tỏ những kỳ festival trước đã tạo ra được dấu ấn rất tốt trong lòng công chúng. Chúng tôi cố gắng làm tốt công tác quảng bá cho Festival Huế, cũng là cách để làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu thương hiệu đối với các nhà tài trợ”.

Tạo cơ chế mới

Ban Tổ chức Festival Huế 2016 đã làm mới công tác xã hội hóa bằng cách vận động các đoàn nghệ thuật chủ động lo liệu các chi phí liên quan đến đi lại, lưu trú, phương tiện biểu diễn... càng nhiều càng tốt, hoặc tạo điều kiện về cơ chế để các cá nhân, tổ chức kêu gọi kinh phí hồ trợ cho chương trình nghệ thuật tham gia Festival.

Theo ông Chế Công Chung, điểm mới ở đây là Ban Tổ chức duyệt trước nội dung các chương trình nghệ thuật tham gia, đối tác tự lo kinh phí tổ chức; trong đó, UBND tỉnh tạo cơ chế để họ thuận lợi hơn trong quá trình vận động, kêu gọi tài trợ.

Hai chương trình nghệ thuật chắc chắn có mặt tại Festival Huế sắp tới được xã hội hóa theo kênh này là Ngày Phật giáo Huế - Lễ hội Quảng chiếu tại Nghinh Lương Đình và chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn. Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn cần hơn 1 tỷ đồng để tổ chức, nhưng Ban Tổ chức chỉ có thể hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng để lắp ráp sân khấu. Phần còn lại, hoàn toàn do phía gia đình nhạc sĩ vận động. Hoặc như chương trình nghệ thuật Quảng chiếu, tôn vinh giá trị độc đáo của âm nhạc và múa Phật giáo, cũng được Giáo hội Phật giáo tỉnh thực hiện với mức kinh phí được hé lộ: “Gấp 4 lần lễ hội Phật giáo lớn nhất từng được tổ chức trên đất Huế”.

Qua 8 kỳ được tổ chức, Festival Huế khẳng định thương hiệu và phần nào định hình trong cộng đồng festival chuyên nghiệp trên thế giới. Quá trình chuẩn bị cho Festival Huế 2016, Ban Tổ chức nhận được rất nhiều lời đề nghị được đến sân chơi này biểu diễn. Đây là điều kiện thuận lợi để Ban Tổ chức Festival Huế 2016 chọn lọc những chương trình nghệ thuật. Trong những ngày khẩn trương chuẩn bị cho Festival Huế 2016, ông Nguyễn Dung phấn khởi: “Chúng tôi hy vọng kỳ Festival này sẽ có những đổi mới trong các chương trình để có thể giới thiệu một cách đầy đủ những tinh hoa của di sản văn hóa Huế trong quá trình hội nhập và phát triển, cũng như 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế”.

Bài, ảnh: Đồng Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

TIN MỚI

Return to top