ClockThứ Năm, 13/05/2021 15:26

Du lịch chưa kịp phục hồi đã chao đảo trở lại

TTH - Lượng khách tăng đột biến ở các điểm đến, như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Quốc… trong kỳ nghỉ lễ vừa qua cho thấy, nhu cầu xê dịch của người dân sau thời gian dài phải “bó chân” vì dịch bệnh khá cao. Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lữ hành cũng vì thế được dịp ăn nên làm ra và càng kỳ vọng về một tương lai phục hồi khi mà “hộ chiếu vắc xin” đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.

Nhiều quốc gia EU ủng hộ triển khai “hộ chiếu vaccine”Đề xuất nhiều giải pháp phục hồi ngành du lịch

Tại Huế, tuy lượng khách không tăng đột biến như một số thành phố vừa nêu, song con số 80 ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi, giải trí; trong đó, khách lưu trú ước đạt gần 40 ngàn lượt cũng cho thấy những tín hiệu khả quan về sự phục hồi của ngành kinh tế mũi nhọn này. Đáng chú ý là du khách ngày càng hướng đến dòng dịch vụ cao sao, công suất phòng đạt từ 95 - 100% (đối với cơ sở lưu trú từ 4-5 sao và 80% với các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống). Ngoài lý do giá phòng giảm cùng nhiều dịch vụ đi kèm, thì điều đó cũng cho thấy đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Người đi du lịch cũng bắt đầu chú ý đến “chất” hơn là lượng.

Thế nhưng, “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, kỳ lễ chưa kịp kết thúc đã có những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn, ca bệnh mới phát hiện (ngày 3/5) lại ở địa phương sát bên hông của Huế là Đà Nẵng có lịch trình di chuyển phức tạp. Hơn nữa, kỳ nghỉ lễ vừa qua, có không ít người Huế vào Đà Nẵng và ngược lại. Nguy cơ lây lan trong cộng đồng là điều có thể nhìn thấy nếu chúng ta không có những giải pháp quyết liệt, sự đồng thuận và ý thức cao từ phía người dân.

Cũng như những đợt trước, làn sóng COVID-19 thứ 4 cũng được dự báo sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và những tỉnh, thành phố có dịch nói riêng. Trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng, có thể nói, du lịch dịch vụ là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Dù chưa có con số thống kê chính thức, song việc hủy phòng, trả vé cho những chuyến du lịch hè cận kề là thông tin đã được những doanh nghiệp du lịch lữ hành đề cập.

Một người bạn của tôi làm dịch vụ này ở TP. Hồ Chí Minh vừa sáng nay thôi phải xin tạm dừng cuộc trò chuyện để trả lời yêu cầu hủy dịch vụ của du khách. Một chị bạn vừa đầu tư homestay dự định đón khách hè tới cũng thở dài vì nguy cơ phải đợi hè sang năm.

Cũng trong chuỗi dịch vụ cung ứng dịch vụ lữ hành, du lịch, một doanh nghiệp trên địa bàn cũng dự định sẽ bán khách sạn ở Đà Nẵng để tập trung đầu tư vào lĩnh vực khác, bởi theo anh, “cầm cự” hơn một năm qua là quá dài so với dòng vốn vay mượn. Nhiều nhân lực trong ngành du lịch đang nuôi hy vọng được phục vụ khách quốc tế trong mùa đông tới, song có vẻ như việc này còn phụ thuộc nhiều vào việc khống chế dịch trong nước và độ phủ sóng của “hộ chiếu vắc xin”.

Về mặt tích cực, việc hủy phòng, tour tuyến nói lên ý thức chủ động phòng dịch của người dân trong thời gian này, song cũng làm “chao đảo” thêm cho ngành du lịch vốn đã chịu nhiều tổn thương vì dịch COVID-19. Thế nên, ngoài những biện pháp cứng rắn của Chính phủ, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng chống dịch, nhất là với những người phải thực hiện cách ly theo quy định. Chỉ cần những người có nguy cơ được cách ly, quản lý chặt, các F không “tự do bay nhảy” thì sẽ hạn chế tối đa những ca bệnh trong cộng đồng. Khống chế được dịch bệnh thì du lịch nói riêng và các ngành khác mới có điều kiện phục hồi, phát triển. Kinh tế mới không lo tăng trưởng âm, người dân mới ăn ngon, ngủ yên được.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”

Với “mác” giả mạo là các công ty chăm sóc sức khỏe (CSSK), những kẻ lừa đảo đưa ra lý do mời những người lớn tuổi đi du lịch ở những địa điểm nghỉ dưỡng với giá “0 đồng” để tri ân; mục đích lừa bán những sản phẩm CSSK, ngừa đột quỵ... với giá “trên trời”.

Du lịch “0 đồng” nhưng về “sạch túi”
Châu Á - Thái Bình Dương:
Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm

Khối lượng cho vay của khu vực châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đang chuẩn bị cho sự phục hồi vào năm 2025, nhờ hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) và môi trường lãi suất thuận lợi, sau khi giảm trong 3 năm liên tiếp.

Các khoản vay dự kiến phục hồi vào năm 2025 sau 3 năm giảm
Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu

Tháng 1/2025 vừa bắt đầu với triển vọng đầy thách thức đối với ngành du lịch toàn cầu, khi một loạt các sự kiện bất lợi phủ bóng đen lên đà tăng trưởng đầu năm. Tuy nhiên, theo Tạp chí du lịch thế giới TTW, đây vẫn là tháng then chốt đối với ngành du lịch, thời điểm mang lại những cơ hội đáng kể để ngành này tăng tốc và đặt nền móng cho tăng trưởng cả năm.

Nhiều cơ hội cho tăng trưởng du lịch toàn cầu
Xu hướng du lịch gia đình sẽ 'lên ngôi' trong năm 2025

Các đơn vị nghiên cứu khảo sát, cơ quan quản lý ngành du lịch đã đưa ra nhiều dự báo về xu hướng du lịch của du khách Việt Nam. Theo đó, du lịch gia đình và tìm kiếm sự thư giãn được dự báo sẽ là một trong những xu hướng “lên ngôi” năm 2025 cùng với thói quen ưu tiên ứng dụng công nghệ du lịch của du khách Việt.

Xu hướng du lịch gia đình sẽ lên ngôi trong năm 2025
Đón đầu những cơ hội mới

Du lịch Huế năm 2024 đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, ghi dấu ấn về thu hút lượng khách và được vinh danh ở những giải thưởng du lịch danh giá.

Đón đầu những cơ hội mới

TIN MỚI

Return to top